Hà Nội: Dân chung cư đau đầu với phí dịch vụ "trên trời"
“Cả gia đình tôi tằn tiện mấy năm trời, cộng với may mắn trong kinh doanh nên cũng mua được một căn hộ vừa phải để ở. Nào ngờ, chỉ ở được nửa năm chúng tôi phải cho thuê lại vì không chịu nổi phí dịch vụ của toàn nhà…” - Chị Nguyễn Thu Thủy, chủ căn hộ tại một chung cư Quận Cầu Giấy mở đầu câu chuyện với phóng viên.Chung cư cao cấp Themanor hiện có phí dịch vụ cao ngất ngưởng. Ảnh: internet. |
Câu chuyện tưởng như vô lý nhưng lại có thật! Nhẩm tính mỗi tháng tiền vệ sinh, dịch vụ, chỗ gửi xe… những người có nhà chung cư như chị Thủy phải mất cả triệu bạc. Họ có nhà mà không dám ở, phải cho thuê lại.
Phí dịch vụ bằng tiền thuê chung cư
Liên hệ với nhiều người dân sống tại các chung cư trong khu vực nội thành Hà Nội chúng tôi được biết, với những chung cư cũ mức phí dịch vụ khoảng 50 – 100 nghìn đồng/tháng. Còn với những chung cư cao cấp, mới xây như khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra, Pacific Place (83B Lý Thường Kiệt - Hà Nội), The Manor hay mức phí dịch vụ lên tới 0,5 – 0,7 USD/m2 (tương đương từ 100- 140 nghìn đồng/m2). Như vậy, nếu một căn hộ có diện tích khoảng 120m2 sẽ phải chịu phí dịch vụ là khoảng trên dưới 4 triệu đồng/tháng.Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường cũng ngày một leo thang, kéo theo sự điều chỉnh giá dịch vụ chung cư khiến không ít chủ hộ kêu ca, lo lắng.
”Mấy tháng nay, tiền điện, nước, mạng internet đã bắt đầu tăng giá. Giá điện phải đóng là 3.500 đồng/số (vượt giá quy định của nhà nước gần 2.000 đồng/số). Một tháng nhà tôi dùng hết 200 số điện, đáng lẽ tôi chỉ phải đóng gần 300 nghìn thì với giá trên, tôi phải đóng ít nhất 700 nghìn tiền điện”, - chủ một căn hộ tại tòa nhà The Manor cho hay.
Không dừng lại ở đó, lấy lý do là giá cả tăng cao, nhiều chung cư đã liên tục tăng giá dịch vụ chỉ trong vài tháng. Tại chung cư M3 Nguyễn Chí Thanh, giá gửi xe máy tăng từ 45.000 đồng/tháng lên 60.000 đồng/tháng. Tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, phương án điều chỉnh cũng đang được thảo luận để thông qua. Theo đó, mỗi ô tô có thể tăng thêm 100 nghìn đồng/tháng, tức là từ 500 lên 600 nghìn đồng/tháng.
Ngoài các loại phí thường xuyên ra, phí bảo trì nhà tại các khu chung cư cũng khiến người dân bức xúc. Để sửa sang lại nhà một chút, nhiều chủ hộ có khi phải bỏ ra cả tiền triệu. Nhiều ban quản lý còn áp đặt tăng phí dịch vụ, đẩy mức phí đã cao còn tiếp tục phải đội giá.
Theo điều tra chúng tôi còn được biết, có dự án người dân phải bỏ cả tiền tỷ ra mới mua được một chỗ để ô tô. Đó là ở tòa nhà Golden Westlake, được quảng cáo là tòa nhà "sang trọng bậc nhất ở Hà Nội”, “tiêu chuẩn 5 sao”.
Với nội thất hiện đại lại nằm ở “vị trí vàng”, nhìn thẳng ra Hồ Tây, giá mỗi mét vuông ở đây lên tới trên 3.000 USD.
Theo thông báo của chủ đầu tư thì toàn bộ khu tầng hầm 1 (B1) là các chỗ đỗ xe để bán với các mức giá như sau (tùy thuộc vào độ tiện lợi). Bảng giá được “niêm yết” như sau:
Mức A: 751 triệu đồng.
Mức B: 815 triệu đồng.
Mức C: 901 triệu đồng.
Mức D* (tương đương với 2 chỗ đỗ): 1,180 tỉ đồng và mức cao nhất là
Mức E** (tương đương với 4 chỗ đỗ xe) là 2,145 tỉ đồng.
Với những người không mua thì sẽ phải trả phí trông giữ ô tô là 3 triệu đồng/xe/tháng. Những chỗ đỗ cho thuê được bố trí dưới tầng hầm thứ 2 (B2).
Mức phí này, nếu tính ra có thể tương đương với mức giá thuê một căn hộ trong vòng vài năm ở các chung cư “bình dân” khác.
“Biết bất cập nhưng vẫn phải ở”
Khi được hỏi tại sao phải chịu mức phí cao ngút như vậy, thậm chí nhiều dịch vụ không cần thiết họ vẫn đưa vào để tính tiền một cách vô lý mà người dân sinh sống tại đó không có ý kiến gì thì chúng tôi nhận được câu trả lời: Biết là bất cập nhưng vẫn phải ở. Vì thiếu chỗ ở, chen chúc khổ sở mới mua được nhà, nên nhiều người dân biết nhưng vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt” với những căn nhà chung cư chất lượng thì kém nhưng phí dịch vụ lại cao.Một người dân sống ở khu chung cư Định Công cho hay: “Lúc mua nhà, tôi chưa có ô tô nên cũng không để ý. Giờ mua được xe ô tô rồi nhưng tìm được chỗ để nó vất vả quá. Tòa nhà này không có tầng hầm nên không có chỗ để, gửi ở gần đây thì giá quá đắt, tận 3 triệu/tháng. Giờ tôi cũng tìm được một chỗ để gửi, giá rẻ hơn nhưng cách nhà cả cây số. Đi về rất bất tiện nhưng không có cách nào khác”.
Ngoài ra, người dân sống ở đây còn phải đối mặt với tình trạng các căn hộ bị trào nước nhà vệ sinh, bị lở trần, bong gạch, thiếu nước trầm trọng, cắt điện đột ngột... Kể cả những căn hộ thuộc khu cao cấp như Trung Hòa Nhân Chính, Khu Thành Công… cũng gặp tình trạng tương tự.
Nhiều hộ dân cũng phản ánh, mặc dù họ mới chuyển về ở được một vài tháng song tình trạng nhà bắt đầu “trở chứng’ không phải là hiếm gặp. Các sự cố về điện, nước, rơi vữa, thấm tường,… thì nhiều vô kể. Nếu ở lâu, chủ hộ chắc sẽ khó tránh khỏi phiền toái, vì thực tế các căn hộ chưa có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Khó có thể quy trách nhiệm cho chủ đầu tư.
“Hợp đồng mua bán nhà nhiều khi cũng rất đại khái vì phải mua tranh bán cướp, mua qua tay, sang đi nhượng lại không hợp pháp. Ở Hà Nội nhu cầu nhà ở quá cao, nên với người dân có được một chỗ ở là quý lắm rồi. Dù có than phiền về chất lượng không đạt như ký hợp đồng ban đầu, phí dịch vụ quá cao nhưng họ cũng không dám trả lại nhà cho nhà đầu tư vì trả lại cũng không chắc được chỗ nào tương đương như vậy. Cũng chính vì cầu vượt cung nên sau những vụ hỏa hoạn hay lở tường, sập trần, thụt nền nhà, rò rỉ điện… gây nguy hiểm đến tính mạng con người, mặc dù lo sợ và ngần ngại nhưng không thấy ai trả lại nhà chung cư nữa”, - một chuyên gia phân tích nhận định.
Thêm vào đó, ở Việt Nam xảy ra tình trạng là phí dịch vụ lẽ ra phải thỏa thuận ngay khi bán nhà, thì lại để bán xong rồi mới tính phí dịch vụ. Nên mới xảy ra chuyện đôi co giữa người ở với chủ đẩu tư, suy cho cùng người mua vẫn “thiệt đơn thiệt kép”.
(Theo Tamnhin)
- 0
- By Admin
- 13/05/2011
- 17