Hà Nội: Công ty Cổ phần Lilama “phớt lờ” quyền lợi của người dân
Đơn kiến nghị của các hộ dân gửi Báo Dân trí (Ảnh:Vũ Văn Tiến) |
Báo Dân trí nhận được đơn kiến nghị của một số cán bộ, công nhân của Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Lilama Hà Nội) phản ánh:
Năm 1996, các hộ dân trên được Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội phân nhà tập thể của Công ty tại ngõ 64 Lĩnh Nam, thuộc tổ 38 Mai Động, Hà Nội. Những căn nhà tập thể lúc đó chỉ được quây xung quanh bằng tôn mỏng, mái lợp tôn nên rất ẩm thấp, ngột ngạt và không đảm bảo an ninh. Vì thế, ngay khi chuyển về đây, các gia đình đã phải tự bỏ tiền xây dựng lại nhà để đảm bảo nơi ăn chốn ở cho cả gia đình.
Năm 1997, Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội xin thành phố Hà Nội sử dụng đất tại tổ 38 Mai Động để làm nhà ở bán cho CBCNV.
Ngày 5/9/1997, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3419/QĐ-UB giao 1.108m2 đất tại tổ 38 phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội (thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – Bộ Xây dựng) là Chủ đầu tư xây dựng nhà ở bán cho cán bộ công nhân viên” (Sau đây gọi tắt là Quyết định số 3419/QĐ-UB).
Tại Điều II, Quyết định 3419 chỉ rõ: “Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội có trách nhiệm:Liên hệ với Cục thuế Hà Nội làm thủ tục nộp tiền sử dụng đất theo quy định; Liên hệ với UBND quận Hai Bà Trưng để thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, đền bù thiệt hại về đất và tài sản hoa màu trên đất cho người đang sử dụng đất bị thu hồi; Sau khi thực hiện xong nội dung nêu tại khoản 1, 2 Điều này, liên hệ với Sở Địa chính để nhận Quyết định giao đất, bàn giao mốc giới trên bản đồ và ngoài thực địa, lập trích lục bản đồ Địa chính, đăng ký vào Sổ địa chính nhà nước;... ”
Việc phải “đền bù thiệt hại về đất và tài sản hoa màu trên đất cho người đang sử dụng đất bị thu hồi” được Sở Địa chính Hà Nội nhắc lại tại Thông báo số 1176/TB-ĐC ngày 12/9/1997.
Tuy nhiên, sau khi thu hồi đất của các hộ gia đình đang sử dụng tại tổ 38 Mai Động, Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội không thực hiện “đền bù thiệt hại về đất và tài sản hoa màu trên đất cho người đang sử dụng đất bị thu hồi” theo Điều II Quyết định số 3419/QĐ-UB.
Biên bản do Đoàn Thanh tra của UBND quận Hai Bà Trưng ngày 19/02/2001 (Tổ 38 Mai Động lúc đó thuộc quận Hai Bà Trưng, nay thuộc quận Hoàng Mai), cũng một lần nữa, yêu cầu Công ty Lắp máy và Xây dựng Hà Nội “tiếp tục liên hệ với chính quyền địa phương thực hiện khoản 2 Điều II Quyết định số 3419 ngày 5/9/1997 của UBND thành phố Hà Nội”.
Các hộ dân đang sinh sống tại khu tập thể trên thuộc diện bị thu hồi đất để giải phóng mặt bằng được Công ty chuyển đến dãy kho xăng cũ nằm phía sau trụ sở Công ty tại số 52 Lĩnh Nam. Các hộ dân đã sinh sống ổn định tại đó từ năm 2001 cho đến nay. Trong quá trình sinh sống, do nhà cửa xuống cấp trầm trọng (vì khu nhà được cải tạo từ gian kho xăng cũ nát), được sự đồng ý của lãnh đạo Công ty, ngay sau khi được phân nhà, các hộ dân đã phá bỏ nhà cũ, xây dựng lại thành nhà kiên cố 2-3 tầng để ở.
Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp Lilama Hà Nội |
Trao đổi với PV Dân trí, bà Hoàng Thị Chiên, một hộ dân bị thu hồi đất cho biết: “Gia đình tôi là chủ sở hữu nhà số 11, tổ 51, ngõ 243 Tam Trinh, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngôi nhà này là mồ hôi, nước mắt của cả gia đình tôi chắt chiu suốt cuộc đời làm người thợ xây dựng lên. Chúng tôi đã sinh sống ổn định tại đây từ năm 2001 đến nay.
Bất ngờ, cuối năm 2009, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội thi công Dự án “Tổ hợp Văn phòng, dịch vụ công cộng, nhà ở cao tầng và nhà ở thấp tầng” tại số 52 Lĩnh Nam, phường Mai Động, nơi 18 hộ dân sinh sống suốt 10 năm qua. Công ty có thông báo “đuổi” chúng tôi ra khỏi nơi họ phân nhà cho chúng tôi, tại chính nơi cả gia đình tôi sinh sống ổn định trong một thập kỷ qua.
Rõ ràng, việc Công ty phân nhà cho các hộ dân là minh bạch và hợp pháp. Nếu Công ty cổ phần Lilama Hà Nội “đuổi” các hộ dân để lấy đất làm Dự án thì phía Công ty giải thích thế nào về việc thực hiện đền bù theo khoản 2, Điều II Quyết định số 3419/QĐ-UB khi thu hồi đất của các hộ dân tại ngõ 64 Lĩnh Nam (?). Không những thế, việc thi công Dự án đã gây lún, nứt nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ toàn bộ nhà cửa của gia đình tôi”.
Qua tìm hiểu vụ việc, đã rất nhiều lần Công ty Lilama Hà Nội để rơi bê tông, dàn giáo, cốp pha xuống nhà các hộ dân liền kề. Người già mất ăn mất ngủ, các cháu nhỏ suy giảm sức lực, việc học hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng do âm thanh chát chúa của máy ép cột, máy trộn bê tông, của xe chở vật liệu xây dựng ra vào công trình đến 2 giờ sáng...
Mặc dù các hộ dân liên tục gửi đơn kiến nghị với Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội, UBND phường Mai Động giải quyết dứt điểm về việc này nhưng không được xem xét. Cho đến nay các hộ dân vẫn nơm nớp sống trong căn nhà sụt, lún nghiêm trọng và chờ đợi Lilama Hà Nội trả lời rõ ràng về việc thực hiện khoản 2 Điều II Quyết định số 3419 ngày 5/9/1997 của UBND TP. Hà Nội.
"Vụ việc trên đặt ra một câu hỏi về trách nhiệm của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) trong việc điều hành cán bộ cấp dưới không giải quyết dứt điểm khiếu kiện của CBCNV tại đơn vị này, khiến cho tiến độ dự án bị đình trệ, vì Tổng Công ty hiện nay đang nắm giữ 51% phần vốn của Lilama Hà Nội"- Luật sư Trần Thị Ngọc Hiếu, Công ty Luật Đại Minh nhấn mạnh. |
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
(Theo Dantri)
- 145
- By Admin
- 07/11/2011
- 17