• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Chung cư hiện đại cũng bị đeo "chuồng cọp"

Khu chung cư này được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2007, nhằm phục vụ cho công tác tái định cư của Thành phố Hà Nội. Đây là nơi sinh sống của hơn 1 vạn dân. Trong thời gian gần đây khu chung cư này xuất hiện tình trạng các căn hộ đua nhau mở rộng thêm diện tích của căn hộ của mình giống như những “chuồng nuôi cọp”. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Vland về thực trạng này thì  đại diện ban thanh tra xây dựng UBND phường Nhân Chính và đại diện Ban quản lí khu nhà – Xí nghiệp quản lí dịch vụ và khai thác đô thị vẫn chưa đưa ra được một câu trả lời thỏa đáng về trách nhiệm của hai bên.

"Dân tranh thủ làm ngày lễ nên khó phát hiện"?

Khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính được xây dựng để phục vụ cho người dân bị thu hồi đất phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng làm đường vành đai 3. Khi các hộ dân chuyển về sống tại khu tái định cư là vào năm 2007. Theo anh Đào Văn Lập Phó phòng quản lý khu nhà cho biết: “Hiện tình trạng cơi nới nhà tại khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính đã tồn tại từ lâu, trước khi xí nghiệp tiếp nhận quản lí khu nhà đã xảy ra việc các hộ dân tiến hành cơi nới diện tích khu nhà” . Đồng thời Ban quản lí khu nhà cũng nhấn mạnh “nhận nhà là người ta cơi nới ngay”.

UBND phường Nhân Chính, Xí nghiệp quản lí và khai thác nhà Hà Nôi, Ban quản lí khu nhà N, Hợp tác xã 19/8, Hợp tác xã Trường Phát Hợp tá xã Đoàn Kết là những cơ quan chịu trách nhiệm quản lí khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính. Việc các hộ dân đã vi phạm nội quy, quy định của khu nhà, tiến hành xây dựng một phần diện tích nhỏ ở đằng sau căn hộ, tận dụng cả lan can nhà để xây dựng đã xuất hiện từ lâu cách đây mấy năm. Đại diện Xí nghiệp quản lí nhà và UBND phường Nhân Chính cho biết, các hộ dân đã tiến hành cơi nới, xây dựng thêm diện tích, tuy nhiên trong quá trình tiến hành làm các hộ dân đã không xin phép UBND phường, Ban Quản lí khu nhà, và việc làm này của các hộ dân là trái phép, vi phạm nội quy của khu nhà, “họ tranh thủ làm vào những ngày nghỉ, ngày lễ, lúc không có thanh tra xây dựng đi tuần, họ không sử dụng xe cơ giới để vận chuyển mà dùng sức người để đưa những vật liệu xây dựng lên nhà, có những căn hộ ở cao nên rất khó phát hiện?!” anh Đào Văn Lập nói.

Đồng thời khi phát hiện được các hộ dân vi phạm thì UBND phường phối hợp với Ban quản lí khu nhà đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu các hộ dân dừng việc thi công, hoàn trả lại nguyên trạng. Ông Thắng – Trưởng phòng quản lí khu nhà cho biết “UBND phường chỉ đạo toàn bộ công việc ban quản lí chỉ đi theo hỗ trợ thôi”.

 Thời điểm diễn ra việc các hộ dân tiến hành cơi nới căn hộ diễn ra vào năm 2007-2008, theo thống kê của UBND phường thì thời điểm đó có 11 hộ dân tiến hành thi công cơi nới căn hộ. Đại diện UBND phường cho biết các cơ quan quản lí nhà đã phối hợp và cuối cùng quyết định cưỡng chế các căn hộ đã cơi nới, tiến hành cắt điện, cắt nước, tuy nhiên khi công tác chuẩn bị cưỡng chế đã hoàn tất thì ngày 15/10/2010 có văn bản của UBND TP Hà Nội chỉ đạo yêu cầu dừng mọi công tác cưỡng chế, cắt điện, cắt nước tại khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính. Trong thời điểm đó hầu như các hộ dân chỉ còn phần hoàn thiện công trình nên khi có quyết định dừng việc cưỡng chế của UBND TP Hà Nội thì chỉ một thời gian sau đó các hộ dân lại tiếp tục việc xây dựng, cơi nới, hoàn thành việc thi công của mình.

Ban quản lý than khó, dân tái định cư tha hồ cơi nới "chuồng cọp"

Tìm hiểu về mục đích các hộ dân tiến hành cơi nới thêm căn hộ, đại diện Ban quản lí khu nhà cho biết: “Đấy là do ý thức của người dân tái định cư, họ cho rằng họ là dân tái định cư, đã bị thu hồi nhà nên họ muốn có thêm diện tích nhà ở chỗ mới, họ còn bao che cho nhau, tập trung đông người cản trở công tác cưỡng chế thi công cộng với sự phối hợp của các cấp như bên quản lí và UBND phường chưa chặt chẽ, sáng tạo dẫn đến tình trạng như vậy kéo dài”.

Về phía UBND phường lại không cho rằng do ý thức của người dân mà chủ yếu do nhu cầu cuộc sống, “do điều kiện sống của các hộ dân còn chật chội, diện tích các khu nhà tái định cư dao động từ 53-63m2, có một số hộ đông người ở, họ biết làm thế là vi phạm nội quy khu nhà nhưng vẫn liều làm vì nhu cầu cần thêm diện tích, tăng sử dụng mặt bằng”. Anh Thành đại diện thanh tra xây dựng phường cho biết.

Hà Nội: Chung cư hiện đại cũng bị đeo "chuồng cọp" | ảnh 1
Phần diện tích đáng kể được cơi nới

Một căn hộ nếu cơi nới ra thêm một phần diện tích ở phía sau thì sẽ có thêm khoảng 10-12m2, đủ để họ có thêm diện tích và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình. Theo một hộ dân sống trong khu tái định cư cho biết: “Việc cơi nới như thế nhiều lắm, ai thích làm thì làm, đây là khu dãn dân nên họ làm thế, chỉ cần xuống nói với ban quản lí trước thôi, vì đấy coi như là thểm hẳn một gian nữa, có thể để ở, phơi quần áo...”.

Được hỏi về việc hiện nay các công trình cơi nới của các hộ dân vẫn để nguyên, chưa bị tháo dỡ đại diện Ban quản lí khu nhà anh Đào Văn Lập cho biết do “dân họ làm tự phát, họ làm chui, trốn tránh ban quản lí nên rất khó phát hiện, can thiệp, công tác quản lí còn khó khăn, nếu bên phường họ tham gia và có trách nhiệm ngay từ đầu thì sẽ triệt để hơn”. Ngược lại về phía UBND phường giải thích: “Do UBND phường phát hiện muộn nên khi đến các hộ dân coi như sự việc đã rồi, lúc đó chỉ còn công tác hoàn thiện, mà ngăn cản việc hoàn thiện công trình là việc vô cùng khó khăn”. Đồng thời, theo quyết định của UBND TP Hà Nội năm 2010 là tạm thời dừng công tác cưỡng chế, phá dỡ tại khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính, cũng từ thời điểm có quyết định trên đến nay đã hơn 2 năm và theo UBND phường cho biết hiện UBND TP đang “xem xét” về khu tái định cư và sẽ có quyết định sau. Và trong khi UBND TP “xem xét” thì hiện nay, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục sống trong “chuồng cọp” mình đã cơi nới, bất chấp nội quy của khu nhà và mỹ quan đô thị.

Câu chuyện "phát hiện muộn" và "ý thức người dân" vẫn loanh quanh được đổ đi trao lại giữa các bên quản lý khiến cho khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính hiện nay "dẫn đầu phong trào cơi nới chuồng cọp" trong các chung cư.

(Theo Vland)

  • 0
  • By Admin
  • 02/08/2012
  • 17