Hà Nội: Chủ đầu tư phát sốt vì giao dịch ảo
Nhiều lắm thì có 20% giao dịch thành công
Khảo sát tại một số sàn bất động sản ở Hà Nội cho thấy, số lượng người đến giao dịch tuy vẫn đông với hồi đầu năm, nhưng số giao dịch thành công cũng lại rất ít. Đa số khách hàng đến để thăm dò, khảo sát giá, còn khá dè dặt trong quyết định mua hàng.
Anh Minh, một khách hàng cho biết: “Thời điểm này, nguốn vốn hết sức khó khăn, nhiều dự án đứng giá hoặc giảm giá nhưng tôi vẫn chưa dám quyết định mua”.
Tại một sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Văn Lương kéo dài, không khí giao dịch khá ảm đạm, trong vòng hơn 1h quan sát, tuy số người vào thì rất nhiều, nhưng gần như không ai đặt tiền mua sản phẩm.
Anh Công, một nhân viên bán hàng cho biết: “Trước đây mỗi ngày chào bán trên mạng, có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến. Nhưng nay, họ gọi chỉ hỏi giá và đề nghị giảm giá là chủ yếu, và cũng không thật nhiệt tình. Trước kia chỉ có khách gọi cho mình, nhưng nay để đảm bảo doanh số, tôi phải chủ động gọi lại nhiều lần để mời chào, nhưng khách hoặc không bắt máy, hoặc từ chối khéo là đang bàn bạc, chưa quyết định”.
Tại nhiều sàn giao dịch bất động sản khác, phần lớn các chủ đầu tư đều “than ngắn thở dài” mỗi khi được hỏi về thực tế giao dịch tại các sàn của mình.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, GĐ Sàn giao dịch cty TNHH Xây dựng - Địa ốc Đất Ngọc thừa nhận, trong vòng 2 tháng qua, lượng giao dịch giảm một cách nhanh chóng, số dự án giao dịch thành công chỉ khoảng 20%. Đồng nghĩa với điều đó, doanh số kinh doanh của công ty cũng đang giảm khoảng 20% mỗi tháng.
“Thị trường trầm lắng là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu thực mua nhà. Thị trường “lặng sóng” nên khách hàng có thể lựa chọn nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng tài chính của mình. Đồng thời, cũng không phải lo “sáng một giá, chiều một giá” như trước đây nữa. Tuy nhiên, thực tế là vẫn rất vắng khách”, ông Toàn nói.
Còn theo giám đốc của một sàn bất động sản tại Hà Nội (xin được giấu tên), trong vòng 2 tháng trở lại đây, lượng khách hàng đến giao dịch tại sàn giảm khá mạnh, đặc biệt lượng giao dịch thành công chỉ khoảng 10%.
“Hiện nay hầu hết các dự án cao cấp đều rất khó bán, chỉ có những dự án nhà trung bình và đất thổ cư tại các khu vực ngoại thành thì vẫn có người hỏi mua và mua bán thật. Giao dịch thì cũng nhiều đấy, nhưng dự án bán được thì không đáng bao nhiêu”, vị giám đốc này khẳng định.
Ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Hàng không Thăng Long cũng thừa nhận: “Các chủ đầu tư, nhà tư vấn môi giới hiện đều đang dừng lại các dự án. Các chủ đầu tư thì sẽ chậm tiến độ, co lại những dự án mới để chờ vốn. Những nhà kinh doanh sản phẩm, thì không có người mua, người bán. Không có vốn chủ đầu tư ko tiếp cận được với thị trường. Tính thanh khoản chậm nên thời gian tới cả “ba ngả” đều gặp khó khăn”.
Điều lạ là thị trường Hà Nội, được giao dịch nhiều bằng tiền mặt, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực thường mua nhà bằng tiền tiết kiệm, nhưng tình hình cũng trầm lắng không kém gì thị trường TP.HCM.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản cũng như nhiều nhà quản lý trên báo chí, thị trường bất động sản do gặp khó khăn về tín dụng sẽ trầm lắng hết 2 quý đầu năm 2011. Sang quý III thị trường sẽ dần dần hồi phục và khởi sắc vào cuối năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi gần hết quý II, nhưng thị trường dường như chưa có dấu hiệu ấm lên hay khả thi để bước vào quý III sẽ tăng nhiệt. Thậm chí còn đang có những dấu hiệu xấu đi, biểu hiện rõ rệt nhất là giảm mạnh về lượng hàng giao dịch thành công.
Đầu tư vào lô đất nhỏ, chung cư thấp?
Như nhận định của ông Nguyễn Thanh Toàn, GĐ Sàn giao dịch cty TNHH Xây dựng - Địa ốc Đất Ngọc: “Thị trường trầm lắng là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu thực”, nhưng tại sao vẫn vắng?
Lý giải điều này, ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Hàng không Thăng Long cho rằng, thị trầm lắng 3 tháng gần đây khá rõ rệt, trong khi nhu cầu thực còn cao là do nguồn vốn bị thắt chặt không chỉ với nhà đầu tư, mà ngay cả với những người có nhu cầu thực muốn được mua nhà, nhưng cũng rất khó để vay vốn.
“Nguồn vốn được ví như là mạch máu lưu thông trong hoạt động bất động sản. Lĩnh vực bất động sản lại cần nhiều vốn, nhưng thắt chặt tín dụng như hiện nay dẫn đến không chỉ chủ đầu tư, nhà thầu thiếu vốn, dự án chậm tiến độ và lưu thông dự án chậm. Mà ngay cả những người dân có nhu cầu thực cũng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay để sở hữu nhà”, ông Lượng bình luận.
Để thoát khỏi tình trạng trên, theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Công ty CPXD Group Cường Phát, kiêm chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho rằng: “Không có cách nào khác các doanh nghiệp bất động sản phải liên kết lại với nhau. Cá bé không muốn chìm thì phải liên kết với ông lớn hoặc liên kết với nhau để tự bơi”.
Theo ông Trần Xuân Lượng, 6 tháng tới thị trường bất động sản sẽ có thể trầm lắng, nhưng nếu có đội ngũ nhân sự tốt thì vẫn có thể vượt qua. Những nhà đầu tư yếu sẽ tự đào thải ra khỏi thị trường. Khi vượt qua sóng gió thị trường sẽ tốt hơn và khách hàng là người hưởng lợi.
Ông Lượng nhấn mạnh: “Thị trường trầm lắng như hiện nay là ở nhà đầu cơ, còn nhu cầu thực lúc nào cũng có vì mua nhà là nhu cầu thiết yếu. Trong thời điểm hiện nay, nên đầu tư vào lô đất nhỏ, chung cư thấp”.
(Theo VTCnew)
- 0
- By Admin
- 28/05/2011
- 17