Hà Nội: Chờ thị trường "bắt đáy" đang thành phong trào?
Nhưng thời điểm đó là khi nào thì chưa có ai dám nhận định, cũng chưa có ai lên tiếng. Đám đông nhà đầu tư vẫn đang “chờ đợi” nhau!“Lộc” cùng hưởng, “họa" cùng chịu
Khi vàng hay chứng khoán bắt đầu thoái trào thì BĐS phất lên như một thị trường tiềm năng mới nổi. Không ít nhà đầu tư trở thành tỷ phú chỉ trong một thời gian ngắn, và cũng nhờ đầu tư vào thị trường này mà không hiếm người trở nên giàu có, khá giả.Đến khi vàng và chứng khoán gặp nạn, rất nhiều người dân có nguồn tiền mặt nhàn rỗi, đặc biệt là người dân khu vực phía bắc đã chọn BĐS như một kênh trú ẩn an toàn của đồng vốn. Và dễ thấy, ma lực hấp dẫn của BĐS giống như thời kỳ đầu của vàng hay chứng khoán.
Vì vậy khi giá đất tăng, người ta lao vào mua vì lo ngại giá sẽ còn tăng nữa. Chính vì tâm lý này mà đất tại các khu vực như trục Láng - Hoà Lạc, một số khu vực thuộc quận Hà Đông... Thậm chí lên cả Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh bỗng chốc nóng tới mức chóng mặt với mức giá tăng 100 - 200% trong vòng 2 năm, người ta đổ xô nhau đi mua găm hàng chờ giá lên.
Và rồi, thị trường này gặp “sóng” là lúc chúng ta thấy dấu hiệu của tâm lý đầu tư theo đám đông phải trả giá. Thời kỳ đầu, thấy ai buôn đất cũng giàu thế là nhà nhà, người người đổ đi buôn đất. Có anh làm công ăn lương nhà nước chê đồng lương còm cõi cũng bỏ nghề theo nhóm bạn làm môi giới. Chỉ một, hai năm anh đã khá lên, đời sống khấm khá. Những tưởng anh cứ thế mà thủng thẳng làm ăn, nào ngờ…
Khi giá đất nhiều khu vực đã giảm từ 20 - 30%, nhiều nhà đầu tư còn tiền mặt vẫn khoanh tay đứng nhìn, chờ giá giảm tiếp mới mua vào.
Người này chờ người kia, trong khi nhà đầu tư “bơi” giữa vô vàn thông tin từ nhiều chiều, thì hết chuyên gia này lại đến chuyên gia kia nhận định, mà mỗi nhận định đó lại tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Vì những phân tích khác nhau, nhiều người vẫn chờ đợi những động thái giảm giá tiếp theo. Đây cũng chính là một nguyên nhân khiến cho thị trường BĐS tiếp tục “lặng sóng”. Trong khi vốn chưa rút ra được, các khoản vay đến kỳ phải trả, nhà đầu tư không biết xoay theo hướng nào. Thậm chí, nhiều người chưa kịp tháo khỏi thị trường đành để vốn “chết” tại chỗ mà không có cách gì cứu vãn.
Tâm lý bầy đàn đang dẫn dắt thị trường
Bài học của thị trường nói chung và của thị trường BĐS nói riêng thời gian qua đã cho thấy, tâm lý đầu tư BĐS ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở miền Bắc vẫn là tâm lý đám đông. Phần lớn các nhà đầu tư thường mua bán nhà đất trên cơ sở tham khảo thông tin từ bạn bè, người thân, theo phương thức “rỉ tai” nhau.Chính tâm lý này dường như lại đang đi ngược với mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra là đưa thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững, ổn định và ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Ở một góc độ nào đấy, tâm lý đám đông có lợi cho các chủ đầu tư vì chỉ cần tuân thủ những quy định tối thiểu của pháp luật thì họ có thể bán được nhiều hàng hơn. Ngược lại, nếu không tìm hiểu kỹ thông tin chi tiết về năng lực của đầu tư, về tính khả thi của dự án thì mức độ rủi ro là rất lớn đối với những ai đầu tư, kinh doanh theo kiểu này.
Lấy ví dụ, dù với mục đích đầu cơ hay để ở thực sự, khi một người muốn mua một căn nhà để ở hay để đầu tư, họ phải tìm hiểu kỹ về thông tin dự án, về tính khả thi cũng như sự tiện nghi của dự án đó. Tùy vào mục đích mà họ sẽ chấp nhận tình trạng của sản phẩm cũng như mức độ rủi ro ở mức nào. Nhưng đại đa số các chủ đầu tư, kinh doanh BĐS vẫn có tâm lý kinh doanh ngắn hạn, họ luôn đề ra chiến lược kinh doanh để có thể thu hồi dòng tiền trong thời gian ngắn. Mặc dù họ có lợi thế là am hiểu phong tục, tập quán, địa hình của đất nước mình, nhưng tư duy và chiến lược đầu tư của họ lại phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài.
Có một nhận định khá thú vị từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài là, nếu đem thuyết kinh doanh của ông trùm BĐS thế giới Donald Trump áp dụng vào thực tế thị trường Việt Nam thì thuyết này cũng phải bó tay trước tâm lý bầy đàn của các nhà đầu tư Việt. Và rất khó để nắm bắt cũng như tìm ra quy luật của thị trường này. Sẽ không là quá khi nói rằng, tâm lý đám đông sẽ trở thành một hiểm họa đối với cả nền kinh tế.
Không chỉ những nhà đầu tư không chuyên mà ngay cả "dân" chuyên nghiệp cũng bị tâm lý đầu tư này tác động sâu sắc. Tâm lý này vô hình dung đã giúp giới đầu cơ trục lợi bằng cách găm hàng làm giá, tạo ra những cơn sốt ảo. Vì vậy, nhà đầu tư chuyên cũng như không chuyên cần phải căn cứ vào thực tế nhu cầu của người dân, vào thực lực tài chính cũng như tiềm năng của thị trường mà đưa ra những nhận định, chiến lược đầu tư phù hợp chứ không phải bị động tiếp nhận hiệu ứng tâm lý đám đông để đầu tư theo cảm tính.
(Theo Tamnhin.net)
- 0
- By Admin
- 27/06/2011
- 17