Hà Nội: Chỉ rõ những khiếm khuyết của thanh tra xây dựng
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, các đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã phối hợp với UBND các cấp kiểm tra 7.696 công trình, đã xử lý vi phạm 1.157 trường hợp. Trong đó, có 865 trường hợp xây dựng không phép, 174 trường hợp xây dựng sai phép, 118 trường hợp vi phạm khác.
Ảnh minh họa |
Trước con số nêu trên, ông Hải nhận định, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm trên tổng số công trình xây dựng đã tăng gấp đôi so với năm 2013.
Trong khi năm 2012, tỷ lệ này là 7,2%, năm 2013 đã giảm xuống còn 5%, thì chỉ trong vòng 6 tháng 2014, tỷ lệ này lên tới 11,2%.
Đặc biệt, ông Hải cũng chỉ ra, 6 tháng qua xuất hiện hình thức sai phạm mới đó là việc sử dụng giấy phép xây dựng giả ở Quận Đống Đa. Với giấy phép giả này, đơn vị thi công đã khi xây được 9 tầng, nhưng cơ quan quản lý chưa giải quyết triệt để và tồn tại kéo dài từ năm 2012 đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Hoạt động quản lý của chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng cơ bản ngăn chặn được việc lấn chiếm đất, xây dựng không phép nhưng vẫn còn để nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch, giải phóng mặt bằng như: lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, số tầng, khoảng lùi, gây bất tiện và ảnh hưởng đến các công trình liền kề,...cũng chưa được phát hiện, xử lý kiên quyết, kịp thời.
Mặc dù đã được thanh tra Sở Xây dựng lập hồ sơ chuyển UBND phường, quận xử lý theo thẩm quyền, Sở Xây dựng có văn bản đôn đốc giải quyết nhưng chưa được UBND quận, phường xử lý kịp thời theo quy định", ông Hải dẫn chứng.
Ngoài ra, ông Hải cũng chỉ ra một thực trạng đang còn tồn tại khác của thanh tra xây dựng là: Khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản mặc dù UBND xã đã ban hành quyết định đình chỉ song các vi phạm không được khắc phục ngay, thậm chí các công trình xây dựng vẫn tiếp tục xây dựng sai quy định.
Một thực trạng đang còn tồn tại khác của thanh tra xây dựng là: Khi công trình vi phạm bị phát hiện, lập biên bản mặc dù UBND xã đã ban hành quyết định đình chỉ song các vi phạm không được khắc phục ngay, thậm chí các công trình xây dựng vẫn tiếp tục xây dựng sai quy định. |
"Nguyên nhân là do một số UBND xã, phường đã không gửi hoặc chậm gửi quyết định dến các cơ quan công an, điện, nước để xử lý, có trường hợp lực lượng công an phường chưa thực hiện đúng quy định là cấm thợ, xe vận chuyển vật liệu vào công trình", ông Hải phân tích.
Sau khi nghe Thanh tra Sở Xây dựng báo cáo về số lượng công trình xây dựng không phép trong 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã bức xúc đặt câu hỏi: Trách nhiệm ở đâu?
"Cái kim trong bọc còn lòi được ra, cái nhà to lù lù thế ai chẳng thấy, chẳng biết. Người dân rồi báo chí ngày nào cũng có phản ánh, nhưng tại sao Thanh tra lại không biết.
Tôi đề nghị Sở Xây dựng cùng Thanh tra Sở Xây dựng cần kiểm tra, làm rõ", ông Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thành phố cũng nhắc nhở: Thanh tra thực thi nhiệm vụ là thực thi pháp luật, mặc quần áo, cắp cặp lập biên bản là đại diện cho pháp luật thì phải thực hiện nghiêm túc. Không phải lập biên bản vi phạm sau đó loanh quanh không xử phạt, vứt ra một góc không xử lý.
“Tất cả hồ sơ pháp lý, biên bản vi phạm… Chánh Thanh tra Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Xây dựng, trước pháp luật”, ông Hùng nói.
Đối với các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh tại khu vực 2 bên tuyến đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, ông Ngô Xuân Quang, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, nhà siêu mỏng siêu méo cần tiến hành giải tỏa, thanh tra xây dựng cấp quận huyện cần tập trung giải quyết, tránh việc để những căn nhà mấy chục mét vuông vẫn đứng chơ vơ gây nguy hiểm cho người dân khi có thể bất ngờ đổ ụp bất cứ lúc nào.
- 120
- By Admin
- 18/07/2014
- 17