Hà Nội: Cao ốc đua nhau mọc trên đất nhà máy di dời
Theo Quyết định số 130/QĐ - TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực có phạm vi áp dụng đối với các cơ sở tại tất cả 11 quận nội thành của Hà Nội. Theo đó, đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm, lây nhiễm cao hoặc sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nêu rõ việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời như sau: Sau khi di dời, các chủ đầu tư cũ sẽ được Nhà nước ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; tuy nhiên doanh nghiệp phải đảm bảo không làm gia tăng chất thải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được phép dùng những khu đất này xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, gây ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.
Thế nhưng, quan sát thực tế cho thấy, nhiều mảnh đất hậu di dời các cơ sở sản xuất hiện đang dần hình thành những dự án khu đô thị, khu chung cư cao tầng xây dựng vô cùng hoành tráng.
Đơn cử, tại mảnh đất số 250 Minh Khai (Hai Bà Trưng) trước là của Công ty CP May Thăng Long, sau khi di dời khu đất này đã trở thành dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, quy mô dự án gồm 3 tòa nhà, trong đó có 1 tháp văn phòng cao 25 tầng, 2 tháp chung cư cao 19 và 25 tầng, cùng với 5 tầng thương mại dịch vụ, 2 tầng hầm…
Khu đất trước đây là nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy)
hiện đang được xây dựng thành 2 tòa chung cư và 1 tòa thương mại
Một trường hợp khác là khu đất nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) có diện tích khoảng 2,6 ha trước là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, sau đó Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP.Invest đã hợp tác với chủ đất di dời nhà máy đến địa bàn huyện Quốc Oai tiếp tục sản xuất. Còn khu đất sau di dời đã được chuyển đổi mục đích sử dụng để xây công trình tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Được biết, dự án này có quy mô gồm 2 tòa chung cư cao 23 – 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376m2…
Ngoài 2 trường hợp kể trên, còn rất nhiều khu đất di dời nhà máy khác cũng đang từng ngày lột xác thành cao ốc như nhà máy Dệt 8-3 trên phố Minh Khai giờ là khu đô thị Times City, Nhà máy công cụ số 1 tại Ngã Tư Sở hiện tại là khu căn hộ cao cấp Royal City...
Điều đáng nói là địa điểm nhà máy di dời hầu hết đều có vị trí ngay tại các nút cửa ngõ giao thông quan trọng vào nội thành. Sau khi trở thành khu đô thị, chung cư, có những dự án có quy mô dân số bằng một quận…khiến gia tăng dân số cơ học tại chỗ, tăng phương tiện đột biến. Đây cũng là một trogn những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông nội đô.
Cụm nhà máy này chuẩn bị di dời khỏi nội đô, một dự án bất động sản mới sẽ thế chỗ sau đó |
Tương lai, tình trạng cao ốc mọc lẫn chố khu đất di dời nhà máy được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn. Điển hình như dự án Khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) mà người dân hay gọi là khu “Cao - Xà – Lá” hiện cũng đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết.
Trước thực trạng trên, trao đổi với PV báo điện tử Infonet, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam ông Phạm Sỹ Liêm bày tỏ băn khoăn: Nhà máy đã dọn đi theo quy hoạch nhưng việc sử dụng trở lại những mảnh đất này không biết có theo quy hoạch nào không?
Theo ông Liêm, đây là điểm còn nhiều mập mờ. Thực tế ở Hà Nội đã có khá nhiều dự án nhà ở được xây mới trên đất di dời nhà máy. Với quy mô hoành tráng, các khu đô thị, chung cư nhanh chóng biến thành cộng đồng cư dân đông đúc, lối vào chật chội, gây ách tắc giao thông…
“Tôi không hiểu quy hoạch thế nào, quy hoạch không phải chỉ dựa trên địa giới từng nhà máy mà còn nhìn rộng ra cả một khu vực. Tôi thấy rất nhiều khu vực không có quy hoạch, hoặc nếu có cũng không đúng.
Hà Nội và nhiều đô thị khác trên cả nước hiện chỉ quan tâm quy hoạch chi tiết tại các khu đô thị mới, còn các đô thị hiện hữu theo luật phải có quy hoạch cải tạo thành khu đô thị hiện đại, nhưng tại Hà Nội cứ chỗ nào hở ra là bị xây dựng chen vào, chưa thấy có quy hoạch cải tạo nào được công bố rộng rãi cho người dân biết”, ông Liêm nhận xét.
Hà Nội hiện đang thiếu nhiều không gian công cộng, do đó quy hoạch phải xem xét, tùy từng chỗ đất trống phù hợp mới được xây nhà ở, chứ không phải chỗ nào di dời cũng chấp thuận cho xây nhà cao tầng…
“Nếu theo nguyên lý thông thường ở các nước, quy hoạch phải do thị trường bất động sản thực hiện, nhưng ở Việt Nam, quy hoạch lại do thị trường bất động sản điều khiển. Đây là một nguy cơ, nên rất mong Nhà nước, Quốc hội quan tâm thấu đáo, nhất là trong Luật Quy hoạch sắp ra đời”, ông Liêm lưu ý thêm.
Còn KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, nếu Hà Nội không mạnh tay quản lý chặt chẽ quỹ đất sau di dời thì nguy cơ quy hoạch bị méo mó, nhiều chỉ tiêu quy hoạch sẽ không đạt được sẽ là điều diễn ra hiển nhiên.
Ông Nghiêm cũng chỉ ra rằng, trong quy hoạch chung Thủ tướng đã phê duyệt cũng nêu rõ các khu đất sau khi di dời cơ sở công nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện… đều phải ưu tiên để xây dựng vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe, công trình văn hóa và các dịch vụ công cộng...phục vụ đời sống của người dân.
- 0
- By Admin
- 12/10/2015
- 17