Hà Nội: Các chủ đầu tư "bỏ quên" cơ sở hạ tầng?
Tại đây, xây xong phần thô bán cho khách hàng, chủ đầu tư gần như đã...bỏ quên cơ sở hạ tầng. Điều ngạc nhiên và phi lý này lại đang là tình trạng phổ biến xảy ra tại nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội.Mỏi mắt tìm trường học, bệnh viện…
Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) được đưa vào sử dụng từ gần một năm nay, nhưng hiện tại hệ thống công trình dịch vụ công cộng hầu như vẫn chưa được triển khai. Một số dự án nhà ở vẫn đang được triển khai thì tổng số lượng căn hộ ở đây là hàng nghìn với số dân đang tăng lên từng ngày.Theo quy hoạch, khu đô thị mới này có 5 lô đất để triển khai công trình nhà trẻ, trường học, nhưng đến nay mới chỉ có 1 trường học đang được xây, 4 lô đất còn lại hiện vẫn đang bỏ trống. Cơ sở khám chữa bệnh thì chưa hề có động tĩnh gì, đi mỏi chân trong khu đô thị này cũng không thể tìm nổi một phòng khám hay trạm y tế. Người dân ở đây rất bức xúc bởi mỗi khi đau ốm hay có nhu cầu khám chữa bệnh, họ lại phải tất tả vào chầu chực, xếp hàng trong các bệnh viện ở trung tâm thành phố.
Không chỉ Khu đô thị Sài Đồng mới có tình trạng này, thực tế tại các khu đô thị đã được đưa vào sử dụng từ lâu cũng rơi vào tình trạng tương tự. Khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính rộng 15ha, quy mô 2.000 hộ với khoảng 1 vạn dân được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2003. Cho đến thời điểm hiện tại, số dân tái định cư đã về ở kín các căn hộ, tuy nhiên, đại diện khu đô thị này cho biết: Mặc dù trường tiểu học đã có trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng.
Không có trường nên hàng trăm con em học sinh đủ lứa tuổi tại đây vẫn hàng ngày quay về địa chỉ cũ học tập hoặc học "ké" ở phường khác. Khu tái định cư có hơn 400 cháu trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo nhưng hiện ở đây chỉ có một Trường Mầm non dân lập Trà My, với mức học phí lên tới vài triệu đồng/tháng, không chỉ những gia đình thuộc diện tái định cư, mà đối với những hộ gia đình thu nhập khá giả, mức phí đó cũng còn phải suy nghĩ cân nhắc.
Nhiều khu đô thị mới đã được đưa vào sử dụng từ lâu nhưng các công trình công cộng vẫn chưa được hoàn thiện. |
Nhiều dự án vi phạm quy hoạch, thiếu hạ tầng xã hội
Qua kiểm tra mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Sở Xây dựng Hà Nội tại 16 dự án của 11 chủ đầu tư trên địa bàn thành phố kết quả ban đầu cho thấy hầu hết các dự án đã được đưa vào sử dụng, nhưng vấn đề là nhiều biệt thự, nhà liền kề vẫn đang bỏ hoang, nhiều dự án hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, trạm xá… chưa được xây dựng, hoặc đã được xây dựng nhưng chưa đồng bộ. Đáng chú ý, hầu hết các dự án vừa kiểm tra đã vượt quá thời hạn theo quyết định phê duyệt dự án, thậm chí có dự án vượt quá 5- 7 năm!Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay nhiều dự án phát triển khu đô thị mới không hoàn thành đúng tiến độ, không hình thành đô thị hoàn chỉnh như quy hoạch xảy ra tại nhiều địa phương, gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.
Nhằm quản lý tốt hơn các khu đô thị mới và đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cần thiết cho người dân sống tại các khu đô thị này, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ một số giải pháp, trong đó có yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thiện nhà ở, cơ sở hạ tầng trước khi bàn giao cho khách hàng.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. Bên cạnh đó, việc xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích: "Những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra là đã rút từ kinh nghiệm thực tế. Đây là một chủ trương rất đúng. Nếu trong thời hạn nhất định, xây chưa xong đã phải bị phạt chứ không nói tới việc không xây, không hoàn thiện tiếp, làm cản trở vận hành đô thị, làm ảnh hưởng xấu tới bộ mặt và công tác quản lý đô thị".
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, tiêu chuẩn bắt buộc đối với công trình dịch vụ đô thị cơ bản quy định như trường học là đối với trường mẫu giáo, chỉ tiêu tối thiểu là 50 chỗ/1.000 người; trường tiểu học là 65 chỗ/1.000 người; trường THCS là 55 chỗ/1.000 người; trường THPT là 40 chỗ/1.000 người. |
Tuy nhiên, giải pháp này hiện nay cũng không dễ dàng thực hiện, bởi trong thời điểm khó khăn, thiếu vốn hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tiếp tục triển khai được các dự án dở dang và cũng không giữ được hàng hóa bất động sản đã hoàn thành thì làm sao có thể bỏ tiền ra hoàn thiện tiếp.
Thiếu hạ tầng cơ sở tại các khu đô thị là trách nhiệm của chủ đầu tư. Do đó, cần phải tìm ra những giải pháp khác hữu hiệu hơn, đề xuất xây dựng các chế tài xử lý, không để xảy ra tình trạng này với các dự án đang và sắp được xây dựng trong tương lai.
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 07/06/2011
- 17