Hà Nội: Các cao ốc gây áp lực cho hạ tầng nội đô
Sau khi di dời nhà máy, các cao ốc lại đua nhau mọc lên. Ảnh: Tuấn Minh
Ông Nghiêm nhận định: Việc dân số gia tăng quá nhanh đã tác động mạnh và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội cũng như hạ tầng. Theo quy hoạch năm 2011 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lẽ ra dân số của 4 quận nội đô lịch sử phải giảm nhưng trên thực tế, các quận này đều tăng dân số rất nhanh. Ví dụ, nếu năm 2009, dân số của quận Ba Đình là gần 22 vạn dân thì đến năm 2013 đã tăng lên 24 vạn dân; dân số tại quận Hoàn Kiếm đã tăng từ 14,5 vạn dân lên gần 16 vạn dân; quận Đống Đa tăng dân số từ 37 vạn dân lên gần 40 vạn dân; quận Hai Bà Trưng tăng từ 30 vạn lên 32 vạn dân…
Yêu cầu kiểm soát dân số đã từng được đặt ra thế nào đối với Thủ đô Hà Nội, thưa ông?
Quản lý dân số là yêu cầu đã được đặt ra nhiều lần, đặc biệt là khi Hà Nội được xác định là động lực phát triển vùng Thủ đô, là cầu nối của đất nước trong hội nhập với thế giới. Việc mở rộng Hà Nội từ năm 2008 cũng nhằm tạo quỹ đất để phân bổ lại dân cư. Trong suốt hơn 20 năm nay, yêu cầu quản lý dân cư của Hà Nội đã được đặt ra nhiều lần. Từ năm 1998, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô, theo đó đặt ra yêu cầu phát triển Hà Nội ra cả hai bên sông Hồng. Quy hoạch đã xác định phát triển đô thị tại Long Biên, Đông Anh có sức chứa 1 triệu dân và giảm dân số của 9 quận nội thành cũ còn 1,5 triệu dân. Năm 1996, dân số trong nội đô lịch sử (từ vành đai 2 trở vào đến đê sông Hồng) là 96 vạn dân. Sau khi nghiên cứu, chính quyền TP. Hà Nội đặt mục tiêu giảm xuống còn 80 vạn dân. Khi đó, khu phố cổ cũng được yêu cầu phải giảm mạnh dân số. Tuy nhiên, cuối cùng TP vẫn không thực hiện được. Điều đó dẫn đến việc dân số nội đô không những không giảm mà lại tăng lên 1,2 triệu dân vào năm 2009!
Hiện nay có nhiều dự án cao ốc đã gây ách tắc, quá tải nghiêm trọng cho hạ tầng nội đô. Phải chăng đang có tình trạng "nhồi" cao ốc vào nội đô, thưa ông?
Đúng là có tình trạng các tòa cao ốc đang gây áp lực lên hạ tầng nội đô vốn đã rất yếu. Theo tôi, khi phê duyệt dự án, các cơ quan chức năng mới chỉ căn cứ chủ yếu vào không gian kiến trúc mà chưa đặt ra các yêu cầu khắt khe về đường giao thông, cây xanh, bãi đỗ xen… Theo quy chuẩn, diện tích bãi đỗ xe phải chiếm 3% đất tự nhiên, nhưng hiện nay chúng ta mới đạt tỷ lệ là 0,3%! Điều này đồng nghĩa với việc thiếu nghiêm trọng các bãi đỗ xe, dẫn đến trình trạng xe đỗ trên khắp các hè phố, thậm chí cả lòng đường. Phải chăng, yêu cầu phân bổ dân cư chưa phải cơ sở pháp lý để phê duyệt các dự án? Tôi cũng phải nhắc lại về thực trạng cấp dự án tại Hà Nội là sau khi mở rộng, TP phải tạm dừng, rà soát tới khoảng 800 dự án. Đây là con số rất đáng lo ngại và nói lên nhiều điều!
Sau nhiều năm, dự án xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc vẫn “dậm chân tại chỗ” |
Vai trò của các đô thị vệ tinh trong việc giảm tải nội đô đã được xác định rõ ràng. Theo ông, cần tháo gỡ vướng mắc nào để phát triển các khu đô thị này?
Sau nhiều năm, nhiều dự án trong khu vực vành đai 2 - 3 vẫn còn dở dang. Điều đó cho thấy, việc phải xác định khu vực phát triển nhà ở cần phải cụ thể chứ không thểchung chung mãi được. TP cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư triển khai các khu đô thị theo hướng tạo dựng môi trường sống tốt hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, chúng ta đã đặt ra yêu cầu di dời một số trường đại học, trụ sở bộ ngành nhưng trên thực tế thì làm chưa được bao nhiêu, tiến độ vẫn rất chậm. Yêu cầu tiếp theo là chúng ta cần đẩy mạnh việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái. Theo quy hoạch chung được phê duyệt, Hà Nội được xác định là chùm đô thị. TP phải xác định được nguồn lực, tạo chính sách ưu đãi mạnh thì mới phát triển được các đô thị vệ tinh. Tôi lấy ví dụ như Hòa Lạc hiện có khoảng 6 vạn dân, nếu muốn tăng lên thành đô thị có 60 triệu dân trong 20 năm tới thì phải đẩy nhanh quy hoạch, đề ra các chính sách ưu đãi và dành sự quan tâm rất cao mới có thể thực hiện được. Với Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai… cũng vậy.
Xin cảm ơn ông.
- 0
- By Admin
- 11/05/2015
- 17