• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: Bế tắc khâu GPMB khiến hàng loạt công trình ì ạch

Việc chậm GPMB không chỉ gây lãng phí lớn mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của hàng nghìn người dân trong diện phải giải tỏa.

Tính đến thời điểm này, theo ông Trịnh Hòa Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, toàn TP đang có 1.047 dự án phải GPMB với tổng diện tích đất phải thu hồi 10.358ha. Đến hết tháng 7,  TP đã hoàn thành thu hồi đất 67 dự án và 43 dự án theo phân kỳ đầu tư, với tổng diện tích đất đã GPMB 747,32ha, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 4.407 tỷ đồng cho 17.177 tổ chức, cá nhân và bố trí tái định cư cho hơn 400 hộ dân.

Đặc biệt, tại một số dự án trọng điểm của Bộ GTVT và 37 dự án trọng điểm của TP, các quận, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác GPMB, đến nay, một số dự án đã cơ bản hoàn thành và bàn giao mặt bằng từng phần cho chủ đầu tư thi công như: dự án Cung Hữu nghị Việt - Trung; cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu; đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân; Hà Nội - Hải Phòng… Tuy nhiên, nhìn vào số lượng ít ỏi các dự án đã được GPMB, có thể thấy, ngay cả nhiều dự án đã GPMB được từng phần cũng rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP như dự án Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cải tạo nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên…


Hà Nội: Bế tắc khâu GPMB khiến hàng loạt công trình ì ạch | ảnh 1
Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 32, một trong những công trình “nổi tiếng rùa” vì không giải tỏa được mặt bằng. Ảnh: Xuân Tùng.


Nhiều công trình trọng điểm quan trọng của TP cũng vướng tình trạng ì ạch, chậm tiến độ mà nguyên nhân chính là vướng, thậm chí bế tắc ở khâu GPMB. Đơn cử như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, một tuyến đường được đánh giá là xương sống của Thủ đô với mức đầu tư “khổng lồ” 550 triệu USD, có nhiệm vụ vận chuyển hành khách từ nội đô ra các khu ngoại ô của thành phố dự kiến sẽ đưa vào chạy thử trong quý I/2015 đang có nguy cơ khó hoàn thành đúng tiến độ vì vướng GPMB.

Ông Trần Văn Lục - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, theo kế hoạch, công tác GPMB đường dẫn vào depot (trạm, nhà ga, khu bảo dưỡng, trung tâm điều hành...) phải hoàn thành trong tháng 6, nhưng hiện đang bị chậm tiến độ. Về Công tác giải ngân, tổng số tiền đã giải ngân đạt 1.248 tỷ đồng, bằng 15% giá trị dự án. Uớc tính giá trị khối lượnga thực hiện đạt 682 tỷ đồng, bằng 8% giá trị dự án, trong đó: GPMB (266 tỷ đồng), khảo sát thiết kế (216 tỷ đồng), xây lắp (200 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, đường dẫn vào depot Hà Đông phải hoàn thành GPMB trong tháng 6, nhưng đến nay 6,8 trong tổng số 23ha diện tích khu depot vẫn chưa xong. Riêng việc di dời nghĩa trang thôn Vân Nội (quận Hà Đông) cố gắng hoàn thành trong tháng 11/2012. Bên cạnh đó, việc GPMB qua các khu dân cư thuộc 2 quận Đống Đa và Thanh Xuân cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, đoạn ngõ Thái Thịnh I (quận Đống Đa) do chưa có phê duyệt nhà ga chính thức nên cơ quan chức năng chưa thể GPMB và cũng chưa thống kê được cụ thể có bao nhiêu hộ dân phải di dời.

Còn theo Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo cho biết, với dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), TP đã tháo gỡ bằng cách nâng giá đền bù cao nhất có thể như hệ số k=1,8 (là mức cao nhất từ trước đến nay) và cả chính sách đặc thù về tái định cư, nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Các dự án đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục), đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) cũng đang bị đình trệ vì chậm GPMB.

Ngoài ra, do chưa có quy hoạch phân khu, Hà Nội cũng còn khoảng 500 dự án vướng quy hoạch, chưa được phép triển khai. Trong số đó, những dự án thuộc địa bàn Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất (thuộc tỉnh Hà Tây và Hòa Bình trước đây) gặp nhiều khó khăn nhất trong công tác đền bù, GPMB. Việc chậm GPMB không chỉ gây lãng phí lớn mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của hàng nghìn người dân trong diện phải giải tỏa.

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh mới đây đã có ý kiến chỉ đạo giao chính quyền các quận, huyện vận dụng tối đa các quy định của luật về giá đền bù theo hướng có lợi nhất cho dân, nhưng không trái luật. Đối với quỹ nhà tái định cư, TP khuyến khích chính quyền cơ sở chủ động lựa chọn quỹ đất, thậm chí sử dụng quỹ đất xen kẹt nếu thấy phù hợp. Việc xác định nguồn gốc đất đền bù phải vào sổ đỏ. Nếu trong quá trình GPMB xảy ra khiếu kiện, thì giải quyết khiếu kiện sau, còn dự án vẫn phải triển khai để đảm bảo tiến độ…

(Theo CAND)

  • 154
  • By Admin
  • 21/11/2012
  • 17