Hà Nội: Ai bảo vệ quyền lợi cho 22 hộ dân phường Xuân La?
Các hộ này đã sinh sống ổn định từ năm 1992. Nay bỗng dưng lãnh đạo nhà trường lại làm công văn đề nghị thu lại khu đất trên làm nhà chung cư thương mại mà không có một phương án cụ thể giải quyết quyền lợi cho người dân. 22 hộ dân với gần 100 nhân khẩu đang đứng trước nguy cơ bị ra đứng đường với hai bàn tay trắng.Ông Lê Đình Tuyên: Năm 1997, để có một căn hộ 28m2 thế này, chúng tôi phải nộp 30 triệu đồng. Ảnh: X.H |
Mua chứ không phải được phân căn hộ tập thể!
Năm 1992, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải Hà Nội (nay là Trường Trung cấp Nghề giao thông công chính HN) được phép chuyển cơ sở đào tạo về địa điểm mới ở Minh Khai, Từ Liêm. Khu nhà xưởng cấp 4 cũ ở phường Xuân La, Tây Hồ bị bỏ không.Ngày 18.12.1992, nhà trường đã có văn bản đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng khu nhà xưởng trên và nhượng lại cho 22 gia đình cán bộ giáo viên. Việc nhượng lại các căn hộ này không căn cứ vào bất kỳ tiêu chuẩn nào. Hộ nào có nhu cầu nhà ở và nộp tiền theo giá thị trường khi đó thì được vào ở. Cụ thể, với các căn hộ khu A1 là 30 triệu đồng, khu A2 là 27 triệu đồng, khu A3 là 20 triệu đồng.
Theo các gia đình ở đây, số tiền 30 triệu đồng thời điểm đó có thể mua được diện tích đất bằng hoặc hơn ở khu tập thể trên. Ông Thiều Tăng Kiến - nguyên Hiệu trưởng nhà trường, người trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp phân đất - cũng đã khẳng định với báo chí: “Đây là khu vực nhà tập thể được phân cho các CBCNV để ở, nhưng thủ tục để hợp thức hoá chưa hoàn thiện thôi. Khi đó, họ cũng đã phải đóng góp một khoản kinh phí tương ứng với giá trị thực của nó trên thị trường tại khu vực ấy”.
Luật Đất đai năm 2003 cũng như Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25.5.2007 của Chính phủ quy định: “Đất được giao không đúng thẩm quyền nhưng người đang sử dụng đất có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất trước ngày 1.7.2004, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Ngày 15.10.2007, UBND phường Xuân La đã có công văn số 114/TP-UB hướng dẫn các hộ dân hoàn tất hồ sơ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do lãnh đạo nhà trường không hợp tác nên việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 22 hộ dân trên không thực hiện được.
Ai bảo vệ quyền lợi 22 hộ dân?
Đáng lẽ phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng và 22 hộ dân để khắc phục hậu quả theo kết luận thanh tra các sai phạm về quản lý đất đai và thu chi tài chính số 380/KL-TTTP ngày 17.3.2010 của Thanh tra TP.Hà Nội và làm các thủ tục hợp thức hoá khu đất trên theo luật định, thì lãnh đạo Trường lại ra các văn bản đề nghị thu hồi khu đất trên để giao cho Cty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 52 xây nhà chung cư cao tầng để bán.Các hộ dân ở đây sẵn sàng hợp tác để cải thiện điều kiện sống vì thực tế, hơn 10 năm nay, 22 hộ dân phải sống chật chội, ẩm thấp vì muốn xây dựng cũng không được phép. Ai đang công tác mà vi phạm sẽ bị nhà trường kỷ luật. Tuy nhiên, quyền lợi của họ như thế nào thì không được ai chỉ rõ.
Ông Nguyễn Minh Đề - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề giao thông công chính Hà Nội - mặc dù khẳng định là sẽ “bảo vệ quyền lợi của anh em đến cùng”, nhưng khi được hỏi cụ thể sẽ bảo vệ quyền lợi của 22 hộ dân trên - những người từng là đồng nghiệp và đang là cán bộ công chức dưới quyền - thế nào thì ông lại thoái thác: “Việc này là của nhà đầu tư, nhà trường chỉ có trách nhiệm phối hợp”.
Mặt khác, ông Đề lại cho rằng, những sai phạm trên là của lãnh đạo tiền nhiệm. Trong khi đó, tất cả các văn bản phân chia căn hộ cho CBCNV trước kia đều có chữ ký của ông với tư cách chủ tịch công đoàn, Trưởng ban tổ chức và chữ ký của ông Hoàng Quốc Cường - Hiệu trưởng nhà trường hiện nay. Như vậy, việc giải quyết vấn đề của ban lãnh đạo nhà trường hiện nay là đương nhiên chứ không phải do lãnh đạo tiền nhiệm để lại.
22 hộ dân cho rằng, họ đã phải bỏ tiền ra mua nhà và đất với giá thị trường thì nay có chủ trương thu hồi xây chung cư cũng phải tính toán quyền lợi của họ theo giá thị trường. Lãnh đạo nhà trường, chủ đầu tư cần ngồi bàn bạc với tập thể 22 hộ dân. Đó là yêu cầu hoàn toàn chính đáng.
Chủ tịch UBND phường Xuân La Trần Bá Viêm cho rằng: “Các cấp có thẩm quyền cần quan tâm giải quyết quyền lợi các hộ dân một cách thoả đáng. Nếu chưa có cơ chế thì xin cơ chế đặc thù. Trước kia họ đã phải bỏ tiền ra mua với giá trị trường, nay xây chung cư không thể đẩy họ ra đường tay trắng được”.
Hơn 20 hộ dân là cán bộ, giáo viên nhà trường đã cống hiến suốt cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Họ đã hết sức vất vả mới vay được số tiền nộp cho nhà trường. Gia đình họ đã sống yên ấm hơn 10 năm ở đây.
Nay không thể đẩy họ với gần 100 nhân khẩu ra đường với hai bàn tay trắng. Còn những sai phạm của lãnh đạo Trường Trung cấp Nghề giao thông công chính Hà Nội trong việc quản lý đất đai, thu - chi tài chính sẽ phải làm rõ theo quy định của pháp luật.
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 07/10/2011
- 17