• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Hà Nội: 80.000m2 đất công “lách luật” thành đất riêng tại xã Nam Phương Tiến

Thậm chí chính UBND huyện Chương Mỹ cũng gần như "quên" hoặc không hay biết sự chỉ đạo bằng "giấy trắng mực đen" của mình, liệu cơ sở có thực hiện hay không?

Bán trái thẩm quyền hàng chục nghìn mét vuông đất

Những năm nửa cuối thập kỷ 9 của thế kỷ trước, với lý do các công trình phúc lợi xã hội như trạm bơm, trường học, trạm y tế xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND xã Nam Phương Tiến đã "mạnh dạn" ra nghị quyết giao đất công cho các hộ dân để có kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thực hiện sự "chỉ đạo" này, từ năm 1994 đến 1997, UBND xã Nam Phương Tiến đã "kịp" giao gần 80 nghìn mét vuông đất công cho 122 hộ dân trong xã ở 7 xứ đồng, gồm khu vườn Táo, đồng Chiềng, Đất Đỏ, đồng Chòi, Gò Côn, đồi Miễu và đồng Sắc. Bảy năm trời, UBND huyện Chương Mỹ hầu như chẳng biết gì, chỉ đến khi có đơn tố cáo của công dân xã Nam Phương Tiến thì sự việc mới vỡ lở.

Tháng 1/2005, sau khi thanh tra, UBND huyện Chương Mỹ kết luận, nêu rõ xã Nam Phương Tiến giao đất trái thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai. Cụ thể, UBND xã đã giao đất cho các hộ sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thu tiền một lần (tổng số tiền đã thu là hơn 840 triệu đồng) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; giao vượt quá thời gian quy định (thời gian giao đất lâm nghiệp là 50 năm; đất trồng cây hằng năm là 20 năm và đất trồng cây lâu năm là 50 năm). Đã có 64 hộ tự chuyển mục đích sử dụng một phần sang làm nhà ở trái phép; 53 hộ sử dụng vượt so với diện tích được giao lên đến hơn 10 nghìn mét vuông.

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Hồng Kiến (những năm 1994-1999 là cán bộ địa chính xã) thừa nhận, xã cho giao thầu dài hạn nhưng thực ra là "lách luật" để biến thành đất ở thu tiền một lần.

Trước những sai phạm này, UBND huyện Chương Mỹ kết luận, trách nhiệm thuộc về tập thể Đảng ủy, HĐND và UBND xã Nam Phương Tiến, trực tiếp là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã nhiệm kỳ 1989-1994 và 1994-1999, yêu cầu xã Nam Phương Tiến kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân. UBND huyện cũng chỉ đạo xã Nam Phương Tiến làm rõ trình tự, thủ tục giao đất ở từng thời điểm, hiện trạng sử dụng, đề xuất hướng xử lý đối với từng vị trí, từng đối tượng được giao cụ thể, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

Xử lý trên... giấy

Đã 6 năm trôi qua, những vi phạm ở Nam Phương Tiến vẫn chưa được xử lý hoặc chỉ xử lý chiếu lệ. Ông Nguyễn Hồng Kiến cho biết, Đảng ủy có họp nhưng chỉ kiểm điểm "miệng" về trách nhiệm chung của tập thể, không quy trách nhiệm cá nhân.

Bên cạnh đó, tháng 10/2006, UBND xã xây dựng đề án xử lý tồn tại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được UBND huyện phê duyệt. Theo đó, đây là những sai phạm trước năm 2003 nên trong đề án, UBND huyện đã "nới lỏng", chỉ đạo UBND xã hợp lý hóa phần diện tích đất bán trái thẩm quyền trên cơ sở phù hợp quy hoạch khu dân cư, không có tranh chấp và tổ chức thực hiện việc giao đất đúng trình tự, thẩm quyền quy định của pháp luật.

Thực hiện đề án, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và hội đồng đăng ký đất xét duyệt đơn; hướng dẫn các hộ dân kê khai theo quy định, lập danh sách niêm yết công khai. Nhưng đáng ngạc nhiên là trong đề án không đưa ra khung thời gian thực hiện nên cuối cùng mọi việc vẫn chỉ dừng trên giấy, với lý do mà theo Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến đương nhiệm Nguyễn Huy Phong là cơ chế, chính sách thay đổi khi Hà Nội mở rộng, giá thu tiền sử dụng đất gấp 3 lần so với giá quy định cũ, do vậy các hộ không có điều kiện nộp tiền sử dụng đất.

Thực tế là vậy, nhưng thiết nghĩ, đề án được duyệt cuối năm 2006, qua năm 2007 và đến tháng 8/2008 (thời điểm TP Hà Nội mở rộng), gần 2 năm đề án vẫn "nằm im" cho thấy, UBND xã đã thiếu quyết liệt trong khắc phục sai phạm do chính mình gây ra.

Làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng cho biết, việc khắc phục sai phạm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân tại Nam Phương Tiến theo đúng quy định của pháp luật, hiện vẫn chưa tổng hợp được vì chưa có báo cáo từ cơ sở. Ông Hùng cũng khẳng định, ngay sau cuộc làm việc với Báo Hànộimới sẽ đề nghị xã Nam Phương Tiến báo cáo kết quả thực hiện kết luận của UBND huyện để tìm hướng chỉ đạo tiếp theo.

Sai phạm đất đai ở cơ sở là rất nghiêm trọng, UBND huyện đã kết luận rõ ràng, cụ thể qua nhiều năm, nhưng khi làm việc với lãnh đạo xã Nam Phương Tiến, chúng tôi cũng không tiếp cận được các văn bản phê bình hay đốc thúc tiến độ xử lý của UBND huyện.

Lúc này, nhiều người dân Nam Phương Tiến đã nghi ngờ về tính nghiêm túc, hiệu lực pháp lý trong văn bản chỉ đạo và trách nhiệm của UBND huyện trong theo dõi, đôn đốc thực hiện vụ việc.

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Huy Phong cho rằng, tồn tại này do lịch sử để lại, qua nhiều thế hệ lãnh đạo nên rất phức tạp. Trong hoàn cảnh hiện nay, đề nghị UBND huyện sớm có biện pháp kiên quyết bảo đảm nghiêm Luật Đất đai cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của các hộ dân.


(Theo HNM)


  • 143
  • By Admin
  • 15/06/2011
  • 17