Hà Nam: 5000m2 đất cưỡng chế được đền bù hơn 2 triệu đồng!
Ba năm khiếu nại hàng trăm lá đơn
Theo phản ánh của ông Lê Hồng Ngọc (79 tuổi) trú tại xóm 2 thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đến báo Giáo dục Việt Nam về việc năm 2009, nhằm xây dựng con đường liên xã, UNBD xã Tiên Tân (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã cưỡng chế 5022 m2 đất mà ông canh tác với mức hỗ trợ đền bù là 2.294.611 đồng. Trước đó, gia đình ông đã nhiều lần lập dự án phát triển kinh tế trang trại và được GĐ Sở Tài nguyên môi trường phê duyệt, tuy nhiên không hiểu lý do gì mà UBND huyện Duy Tiên và UBND xã Tiên Tân không chấp nhận?.Hàng trăm lá đơn kêu cứu gửi đến các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của ông Lê Hồng Ngọc |
Từ năm 2009 đến nay, gia đình ông Ngọc đã gửi hàng ngàn lá đơn đề nghị UBND xã Tiên Tân, UBND huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam và các cơ quan ban ngành xem xét giải quyết hỗ trợ việc tôn tạo đất trong 29 năm của gia đình ông Ngọc trên diện tích 5.022 m2 mà chỉ được đền bù hơn hai triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, gia đình ông Ngọc vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng và có trách nhiệm từ phía chính quyền.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ kiểm tra, kết luận khiếu nại đơn thư của ông Lê Hồng Ngọc. Bên cạnh đó phải tổ chức đối thoại công khai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Theo ông Ngọc cho biết, năm 1982, Hợp tác xã Tiên Tân có gọi nhân dân 3 thôn đến chia phần đất giao cho Quân đội X10 bỏ không nhưng không ai nhận. Sau đó, diện tích đất này được đem ra đấu thầu nhưng cũng bị trả lại bởi rất khó cải tạo để canh tác. Lúc đó, khi đang làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, ông Ngọc được cán bộ HTX và UBND xã Tiên Tân vận động cải tạo 4,68ha đất "thùng đào, thùng đấu" do đơn vị quân đội X10 trả ra vì không sản xuất được cộng với 5,7ha đất mặt nước.
Vốn tính chịu khó, không ngại gian nan thử thách, thời điểm ấy, kinh tế gia đình đang khó khăn trong khi vợ chồng ông có tới 7 người con (hai trai, 5 gái), tuy nhiên không quản khó khăn trước mắt gia đình ông đã mạnh dạn nhận số đất nói trên và vay vốn từ người thân để thuê người làm cùng với nhân lực gia đình san lấp, đắp bờ. Tiếp đó ông đào hố chôn phân xanh, cải tạo đất để trồng lúa và đào sâu ao thả cá, nuôi vịt.
Con đường trục xã nằm trên diện tích 5.022 m2 bị thu hồi của gia đình ông Ngọc đến nay vẫn chưa thi công xong |
Sau nhiều vừa canh tác, vừa cải tạo đất, diện tích đất cằn cỗi trước đây đã được phủ xanh và mang lại năng xuất cao cho gia đình ông. Mỗi năm gia đình ông thu lãi vài trăm triệu từ sản lượng lúa, hơn năm trăm triệu từ ao cá và nuôi vịt, bên cạnh đó gia đình ông tạo việc làm theo thời vụ cho hàng trăm người dân địa phương.
Năm 2000, ông Ngọc làm xây dựng Đề án: “Xây dựng mô hình trang trại đa canh (lúa, cá, gia cầm) trên vùng đất trũng xã Tiên Tân”. Sau khi trình UBND tỉnh Hà Nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam, ông Nguyễn Trí Ngọc, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam đã ký duyệt dự án và đề nghị UBND tỉnh, Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh xét duyệt cho gia đình ông Lê Hồng Ngọc thực hiện.
Tiếp đó gia đình ông Ngọc gửi đến UBND huyện Duy Tiên và UBND xã Tiên Tân, tuy nhiên gia đình ông bị từ chối thẳng thừng và không được chính quyền sở tại đồng ý ký duyệt.
Năm 2008, gia đình ông Ngọc lại tiếp tục xây dựng đề án cải tạo, xây dựng khu kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái tại vị trí nói trên. Vẫn như những lần trước, UBND huyện Duy Tiên vẫn từ chối ký duyệt mà không có lý do thỏa đáng. Trong khi chính quyền và người dân địa phương đều thừa nhận ông Ngọc là một điển hình tiên tiến trong sản xuất Nông nghiệp ở thời kỳ đổi mới thì việc chính quyền từ chối ký duyệt dự án phát triển kinh tế là có ẩn ý gì trong cách hành xử của chính quyền sở tại?!
5000m2 đất cải tạo đền bù bằng đàn vịt đẻ trứng một đêm?
Gia đình ông Ngọc cho biết, sau 30 năm cải tạo đất hoang và cấy lúa, đào ao, nuôi vịt. Năm 2009, chính quyền xã Tiên Tân đột nhiên thu hồi diện tích 5.022m2 đất ruộng lúa để làm tuyến đường trục xã và hỗ trợ gia đình ông số tiền 2.294.611 đồng (hai triệu hai trăm chín tư ngàn sáu trăm mười một đồng). Theo ông Ngọc, số tiền này bằng tiền bán trứng của đàn vịt trang trại gia đình ông đẻ một đêm.Ông Lê Hồng Ngọc bức xúc: "Sau 30 năm đổ mồ hôi nước mắt cải tạo đất hoang, giờ đây số tiền đền bù hơn 2 triệu đồng cho 5.022 m2 chỉ bằng tiền bán trứng của đàn vịt đẻ sau một đêm" |
“Ngày 10/2/2010, 26 tết âm lịch khi gia đình tôi đang thu hoạch ao cá và chuẩn bị Tết thì UBND huyện Duy Tiên cùng với UBND xã Tiên Tân huy động 40 công an, 60 cán bộ các cơ quan ban ngành đến để cưỡng chế khu đất 5.022 m2 trên. Khi tôi hỏi văn bản thu hồi và quyết định cưỡng chế thì họ bảo không có và yêu cầu gia đình phải giao đất cho UBND xã. Khi gia đình chưa hết bàng hoàng thì lực lượng này đưa máy xúc, máy ủi xúc đất. Thử hỏi giữa thanh niên bạch nhật họ làm thế với gia đình tôi thì có chấp nhận được không?”, ông Ngọc bức xúc.
Việc UBND huyện Duy Tiên và xã Tiên Tân cưỡng chế phần đất 5.022m2 của gia đình ông Lê Hồng Ngọc đang canh tác để sản xuất nông nghiệp khiến không khí vùng quê chiêm trũng Hà Nam trở nên ồn ào, xáo trộn. Rất nhiều người dân địa phương tỏ ra bất bình, phản đối với sự việc, đặc biệt đây đang là thời điểm gần Tết âm lịch. Bên cạnh đó, 26 hộ dân lân cận được đền bù số tiền 20.900.000 đồng/ sào thì gia đình ông Ngọc chỉ được nhận được số tiền 2.296.611 đồng trong tổng diện tích hơn 5.000 m2.
Ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết UBND xã không giữ văn bản nào liên quan đến vụ việc gia đình ông Ngọc? |
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Đức Hạnh, chủ tịch UBND xã Tiên Tân cho biết: “Số tiền hơn hai triệu đồng trên là tiền hỗ trợ gia đình ông Lê Hồng Ngọc vì công đắp bờ. Bởi diện tích đất trên là đất công ích thuộc quyền sở hữu của UBND xã còn đất ruộng của 26 hộ dân khác là đất công khoán”.
Ông Hạnh cũng khẳng định việc thu hồi đất hoàn toàn đúng quy định của Pháp luật, nhưng khi PV hỏi về việc thu hồi theo nghị quyết nào và các văn bản liên quan thì ông Hạnh ấp úng cho biết tất cả có trong hồ sơ và nằm trên huyện, tỉnh chứ UBND xã không giữ bản nào?!
Dư luận băn khoăn, vấn đề lớn nhất trong việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc không chỉ đền bù trên diện tích 5.022 m2 mà còn là khung cơ chế cho diện tích còn lại mà gia đình ông Ngọc đã khai hoang và đang canh tác...
(Theo GDVN)
- 0
- By Admin
- 21/03/2012
- 17