HUD bị Thanh tra tố nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh BĐS
Tính đến thời điểm này, mặc dù Thanh tra Chính phủ đã có những kết luận cho thấy Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) mắc rất nhiều sai phạm nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có vụ việc nào được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra.
Hôm qua (23/7), tại cuộc họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ (TTCP), trả lời thắc mắc trên của PV Dân trí, ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, thẳng thắn cho biết: "Thứ nhất chúng tôi khẳng định, có việc HUD làm trái, buông lỏng hoạt động quản lý kinh doanh BĐS cho các đơn vị thành viên với quy mô rất lớn. Làm trái và buông lỏng có cả hai. Thứ hai là HUD kinh doanh BĐS trái quy định".
KĐT Văn Quán, Hà Đông là một trong những dự án có sai phạm của HUD |
Trước đó, theo nguồn tin từ Báo Công Lý, vào ngày 25/5, TTCP từng có Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của HUD. Theo đó, ông lớn này đã bị Thanh tra phơi bày hàng loạt thiếu sót, sai phạm…
Cụ thể, tại Dự án Việt Hưng (Hà Nội) do HUD làm chủ đầu tư xảy ra tình trạng thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả khối lượng các hạng mục công trình hạ tầng còn nợ. Ngoài ra, khối lượng GPMB của dự án chưa thực hiện đã lên tới 1.099 tỷ đồng (tin từ Vietnamnet).
Hàng loạt sai phạm khác của HUD cũng bị Thanh tra “điểm mặt”, chẳng hạn như việc HUD bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh dự án Văn Quán (Hà Đông) nhưng chưa quyết toán, trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đầu tư xây dựng sai quy định, quy hoạch chi tiết đã được duyệt, cụ thể là xây dựng tăng căn hộ và tăng diện tích sàn chung cư để trục lợi, dùng kinh phí bảo trì nhà chung cư không đúng mục đích...
Đó là chưa kể, việc quản lý các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của HUD cũng rất yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, gây thâm hụt vốn. Đơn cử, việc đầu tư vào Công ty CP xi măng Sông Thao mất 516.550 triệu đồng nhưng dự án này chậm tiến độ khiến chi phí phát sinh sớm. Tính đến cuối năm 2012, lỗ luỹ kế của HUD đã lên tới 305.000 triệu đồng (chiếm 45% vốn đầu tư của chủ sở hữu);
Hay việc HUD góp vốn vào Công ty CP Thép Sông Hồng số tiền 46.217 triệu đồng từ tháng 5/2005 đến tháng 1/2007. Mặc dù đã có thoả thuận thoái vốn nhưng đến nay HUD vẫn không thu hồi được và chưa xử lý. HUD còn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh vào Quỹ Đầu tư Việt Nam số vốn 72.000 triệu đồng (năm 2006) nhưng đến thời điểm kiểm tra (8/2013) chưa thu được hiệu quả...
Từ những nguyên nhân trên khiến các khoản nợ của HUD đội lên rất lớn (tổng cộng là 6.684.223 triệu đồng), khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền, hàng tồn kho nhiều (4.352.049 triệu đồng), thanh khoản chậm, hạch toán chưa đầy đủ các khoản nợ về tiền sử dụng đất, nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn chưa bàn giao được cho địa phương khối lượng lớn (trị giá 4.501.770 triệu đồng).
Phó Tổng TTCP, ông Ngô Văn Khánh chủ trì cuộc họp báo thường kỳ sáng 23/7. Ảnh Dân Trí |
Theo thông tin từ Báo Lao động, vào ngày 23/7, trong kiến nghị của mình, TTCP đã thể hiện rõ quan điểm “không bỏ được” những sai phạm diễn ra tại HUD. Biên bản kết luận thanh tra cũng nêu rõ: “Việc quản lý sử dụng vốn, tài sản và hoạt động kinh doanh của HUD hiện đang trong tình trạng hết sức khó khăn, khả năng nhiều việc sẽ mất vốn”. Do đó, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xử lý theo thẩm quyền và pháp luật để HUD có thể khắc phục tồn tại gắn với tái cơ cấu theo đề án được phê duyệt hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần “xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm theo đúng pháp luật”.
"Thời gian tới, nếu tiến trình tiếp theo xác định được hậu quả những sai phạm do HUD gây ra thì chắc chắn các cơ quan chức năng phối hợp sẽ chuyển sang cơ quan điều tra”- ông Khánh khẳng định.
Còn hiện tại, TTCP cho biết, nếu kết quả thanh tra chưa xác định được cấu thành tội phạm thì ngoài việc chuyển hồ sơ, TTCP cũng sẽ kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục xử lý để đảm bảo yêu cầu quản lý và không bỏ lọt tội phạm.
- 0
- By Admin
- 24/07/2015
- 17