"Gối canh" - Phương thức đối phó với tình hình mặt bằng đắt đỏ
Quán xá đua nhau "gối canh"
Trên địa bàn Hà Nội, những nơi tập trung dân cư đông đúc, đặc biệt trong những ngõ ngách nhỏ không khó để bắt gặp kiểu một cửa hàng ngày kinh doanh hai, ba loại mặt hàng của nhiều chủ khác nhau. Thời gian bán hàng được phân theo giờ. Các mặt hàng chẳng cần phải liên quan tới nhau mà chỉ cần đem lại sự tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng cho những người chủ này là được. Chiêu "thuê chung, gối vụ" mà các chủ cửa hàng kinh doanh đang áp dụng được cho là giải pháp mới không kém phần hiệu quả, giúp các chủ cửa hàng này sống sót được trong thời kỳ khó khăn.Chị Hồ Thị Thơm, chủ một cửa hàng hoa quả trên đường Hoàng Công Chất (Cầu Diễn, Từ Liêm, HN) cho biết, buôn bán ngày càng khó khăn, hàng hóa ế ẩm hơn trước rất nhiều. Để có thể sống chung trong thời kỳ khủng hoảng, chị và một người bạn gần đó quyết định cùng thuê chung một cửa hàng nhằm giảm chi phí thuê mặt bằng cho mỗi người mà việc buôn bán vẫn được đảm bảo như trước.
Theo đó, thời gian phân chia cũng khá rõ ràng. Ban ngày chị Thơm bán hoa quả. Nhưng chỉ đến 5h30 chiều là phải dọn hàng. Lúc đó, người bạn cùng thuê với chị sẽ lấy lại mặt bằng chuẩn bị công việc bán hàng ăn đêm. "Vì là thuê chung nên tất cả mọi thứ đều được chia đôi từ tiền thuê cửa hàng cho tới tiền điện, nước... kể cả thời gian bán hàng của mỗi người cũng được chia tương đương nhau sao cho hợp lý", chị Thơm nói.
Tương tự, chủ một tiệm vàng ở cổng chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, HN) cũng đang áp dụng hình thức "thuê chung, gối vụ" này với một chủ quán nước.
Một cửa hàng ngày là quán nước. |
Theo người chủ tiệm vàng bạc này, những năm về trước, làm ăn khá, một mình thuê một cửa hàng tại đây vẫn có thể sống khỏe. Nhưng sang năm nay, công việc làm ăn bắt đầu khó khăn hơn nhiều. Số lượng trang sức bán ra mỗi tối giảm chỉ còn một nửa so với trước. "Vì đặc thù ở gần chợ đêm, khách hàng mua chủ yếu vào buổi tối khi chợ đêm diễn ra chứ ban ngày chợ bán thực phẩm, đồ trang sức vàng bạc đâu có bán được nên ban ngày thường đóng cửa. Tiệm vàng chỉ bán hàng vào buổi tối", chủ tiệm vàng này cho biết.
Từ đầu năm đến giờ, để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng tại đây hàng tháng, anh cho một người khác bán hàng nước thuê chung và chuyên bán vào ban ngày. Làm như vậy sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của tiệm vàng vào buổi tối bởi thời gian bán không trùng nhau. Đặc biệt, mỗi tháng anh có thể tiết kiệm được một khoản kha khá tiền thuê cửa hàng do người kia cùng đóng góp, người chủ này chia sẻ.
Tối chuyển thành tiệm vàng |
Có những cửa hàng, diện tích mặt bằng chỉ vào khoảng 25m2 nhưng chủ thuê chung lên đến con số 3. Cùng dịch vụ ăn uống, sáng, trưa, đêm mỗi người đều có một mặt hàng kinh doanh khác nhau. Chị Bùi Thị Hiền, một trong ba người chủ thuê chung một cửa hàng ở ngõ 175 Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN) cho biết: "Tiền thuê được chia ba, thời gian bán hàng trong ngày cũng chia ba luôn. Quán trà chanh của chị được hoạt động từ 8h tối cho tới đêm".
Theo lời chị Hiền, nhờ thuê chung như thế này, mỗi tháng chị chỉ phải đóng 3 triệu đồng tất cả thay vì một tháng đóng 9 triệu nếu một mình mình thuê.
Nhìn nhau mà sống
Cùng thuê chung một mặt bằng rồi sử dụng hình thức "gối canh" để kinh doanh đã giúp các chủ cửa hàng tận dụng tối đa thời gian và tiết kiệm được phân nửa tiền thuê mặt bằng và các khoản chi phí phát sinh khác. Tuy nhiên, để có được cái lợi đó các chủ cửa hàng cũng gặp không ít khó khăn, đôi khi mâu thuẫn còn xảy ra với những người cùng thuê chung với nhau. Nhưng rồi cũng vì làm ăn, nên phải nhìn nhau mà sống.Chị Hồ Thị Thơm chia sẻ: "Sử dụng triệt để thời gian tại cửa hàng để kinh doanh, đặc biệt là tiền thuê mặt bằng có thể san sẻ cho người cùng thuê. Đó chính là cái lợi trước mắt mà ai cũng có thể nhìn ra".
Tuy nhiên, để duy trì được hình thức này không phải là điều dễ dàng. Mới một, hai tháng đầu, mọi thứ đều khá ổn, số hoa quả bán không hết chị có thể để luôn tại cửa hàng hôm sau sẵn đó bày ra. Nhưng càng về sau càng phát sinh ra nhiều phiền toái. Nhiều lần khách của quán ăn đêm sẵn hoa quả đó lấy ra dùng mình không thể biết được. Ngày hôm sau người kia bảo khách ăn thêm một chút hoa quả của mình và trả tiền. Tuy nhiên, số lượng bao nhiêu mình không thể kiểm chứng", chị Thơm cho biết.
Có lần, khách ăn đêm xảy ra mâu thuẫn, nhiều khi còn đập phá đồ đạc, hoa quả để qua đêm tại cửa hàng bị hất tung lên dập nát hết cả. Rồi chuyện đền bù thiệt hại cho nhau cũng xảy ra lắm mâu thuẫn khi chẳng ai muốn chịu phần thiệt về mình.
Chị Thơm nói: "Để có thể tiếp tục chuyện thuê chung và kinh doanh theo hình thức gối canh tại cửa hàng, hàng ngày khi hết thời gian bán hàng, để yên tâm, chị phải chở toàn bộ số hàng còn về nhà trọ".
Không đến mức phải đối diện với nhau để giải quyết hậu quả từ chuyện xô xát của khách trên, chủ tiệm vàng ở cổng chợ Dịch Vọng cho biết: "Mới đầu cho một người khác thuê chung nhưng không có giấy tờ hợp đồng, chỉ nói miệng với nhau, hẹn 3 tháng đóng tiền một thể. Đến kỳ đóng tiền người đó bùng bỏ không thuê nữa, thế nên tiền cho thuê cũng mất hút luôn".
Rút kinh nghiệm, lần này anh làm hợp đồng rõ ràng, tiền thuê thanh toán theo tháng. Tháng thứ nhất mọi việc đều ổn. Tuy nhiên, sang tháng thứ hai, người thuê chung để bán quán nước kia viện ra đủ lý do đòi giảm bớt tiền thuê. Mặc dù thời gian đã được chia đôi nhưng để tiếp tục, anh phải đóng 2/3 chi phí thuê cửa hàng.
Tương tự, kiểu thuê chung rồi "gối canh" kinh doanh của những cửa hàng khác cũng gây ra phiền phức không kém. Một ngày kinh doanh ba mặt hàng của ba người chủ khác nhau lại đều là dịch vụ ăn uống, ai cũng muốn kéo dài một chút thời gian bán hàng. Còn việc hàng quán bừa bộn, đồ đạc lung tung, rồi chuyện vệ sinh quán sau khi hết giờ kinh doanh của mình luôn là câu chuyện muôn thuở để phát sinh ra mâu thuẫn của các chủ kinh doanh loại hình dịch vụ ăn uống đang gặp phải.
Nhiều chủ cửa hàng được hỏi đều khẳng định việc thuê chung để kinh doanh gối canh giữa các chủ cửa hàng mặc dù cái lợi, cái hại đều có cả nhưng họ bằng lòng chấp nhận tất cả để có thể tiếp tục tồn tại trong cơn khốn khó.
(Theo VEF)
- 0
- By Admin
- 15/06/2012
- 17