"Gọi Việt Nam là thiên đường đầu tư là hơi quá trớn"
"Gọi Việt Nam là "thiên đường đầu tư" là hơi quá trớn"Không thể phủ nhận, bài học thành công và thất bại trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất hữu ích với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên vừa rồi nhìn lại, giới chuyên gia trong nước tâm tư rất nhiều: Việt Nam được coi là "thiên đường" đầu tư, nhưng là "thiên đường" cho ai? Là người đi nhiều, gặp nhiều và biết nhiều, ông chia sẻ thế nào với mối băn khoăn này của các vị ấy?
TS. Alan V. Phan: Trong nền kinh tế tự do toàn cầu, phải có một tư duy khách quan về FDI và phải coi FDI như một sản phẩm mình muốn bán ra trên nhiều trên thị trường. Sản phẩm FDI của mỗi quốc gia là môi trường đầu tư gồm rất nhiều yếu tố: cơ chế chính trị, thủ tục pháp lý, tăng trưởng kinh tế, chi phí vận hành (infrastructure), giá và chất lượng nhân công, hệ thống tiếp liệu (logistics), tài nguyên khoáng sản, thị trường nội địa, hệ thống tài chính, phí tổn bôi trơn (corruption), hỗ trợ đầu tư (subsidies) và vài nhân tố thứ yếu khác.
Như mọi sinh viên MBA đều biết sản phẩm phải được tiếp thị bằng 4P (price, position, place and promotion, giá, vị thế, nơi chốn và khuyến mãi). Mỗi quốc gia đều có những đặc thù cho sản phẩm mời gọi FDI của mình. Và mỗi sản phẩm đều có những loại khách hàng riêng biệt, từ hàng giá rẻ đến hàng xa xỉ nhất.
Nhìn theo số liệu thì Mỹ là nơi thu hút FDI cao nhất thế giới (năm 2009, Mỹ, Pháp, Anh dẫn đầu với gần 4.5 ngàn tỷ USD và Trung Quốc thứ 8 với khoảng 500 triệu USD).
Việt Nam không có mặt trong Top 30, cho nên gọi là "thiên đường đầu tư" là một danh từ hơi quá trớn. Âu Mỹ thu hút nhiều FDI nhất vì lý do dễ hiểu: cơ chế chính trị và tài chính tự do, thị trường nội địa lớn, hệ thống tiếp liệu tuyệt vời, chất lượng nhân công tốt... và do đó họ thu hút nhà đầu tư bài bản, có công nghệ cao, nghiêm túc và dài hạn.
Trong khi đó, xứ Nigeria với tài nguyên thiên nhiên phong phú, và hệ thống tham nhũng vĩ đại, dù vẫn thu hút FDI, nhưng toàn là những anh đầu tư qua đêm, nhằm chụp giựt và chia sẻ mối lợi phi pháp nhanh chóng với quan chức ("cò" dự án và trưng dụng đất công rất phổ biến ở các xứ như vậy). Còn thu hút FDI vì nhân công rẻ thì chỉ lấy được các dự án gia công kiếm chút tiền lẻ...
Họ còn nói, các nhà đầu tư thường rất lanh, và có bề dày kinh nghiệm thương trường. Để có giấy phép, có những nhà đầu tư đã giới thiệu những dự án vốn ảo khiến không ít địa phương thẩm định dự án dễ dãi bị hố. Bởi vậy hơn một lần các chuyên gia kinh khuyến cáo việc không ít dự án FDI thực chất là "cào tài nguyên đi bán". E rằng đến khi công nghiệp trong nước phát triển thì nguồn tài nguyên của chúng ta đã cạn kiệt mất rồi?
Phải nói những nhà đầu tư là những người rất khôn ngoan với túi tiền của họ. Họ có 193 quốc gia trên thế giới tức là có 193 sản phẩm để lựa chọn cho FDI của mình. Họ sẽ chọn môi trường đầu tư nào đem lại mức lợi nhuận cao nhất, nhanh nhất và ít rủi ro nhất.
Tuy nhiên, có những nhà đầu tư chiến lược, họ muốn có mặt ở các quốc gia đông dân, có tiềm năng thị trường về lâu dài và sẵn sàng chịu lỗ một thời gian để nuôi dự án. Hầu hết họ là những công ty đa quốc có tầm nhìn lâu dài; và Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam đã hưởng được những khoản FDI chiến lược này từ các công ty về tiêu dùng, các ngân hàng, các công ty điện máy, viễn thông, IT... hàng đầu trên thế giới.
Trên diễn đàn Quốc hội, khi thảo luận về việc này, nhiều vị đại biểu chỉ trích rằng: sở dĩ chất lượng FDI vào Việt Nam thấp là do chúng ta không có định hướng cụ thể, nên gần như nhà đầu tư nào vào cũng được chào đón?
Thường thường, ở các nước Âu Mỹ, chính phủ không có một định hướng cho FDI. Ai muốn đem tiền vào Mỹ đầu tư cho bất cứ dự án gì cũng đều được hoan nghênh, miễn là dự án phải tuân theo pháp luật địa phương, có an toàn cho môi trường và người dân, phải trung thực và minh bạch trên mọi khía cạnh (trừ các dự án liên quan đến an ninh quốc gia).
Phần lớn, vì không có rào cản nên chính phủ không hỗ trợ tiền bạc hay đất đai gì.
Tại Trung Quốc và Việt Nam, vì bệnh hình thức và tiền lại quả khi cấp giấy phép, nên các chính quyền địa phương thường lạm dụng FDI, nhất là những dự án liên quan đến địa ốc, biến đất ruộng trưng dụng hay những thắng cảnh thiên nhiên thành đất xây biệt thự.
Cuối cùng, ai có tiền và biết chi đúng chỗ, đều được chào đón, kể cả những "cò" dự án, nợ như chúa chổm.
Kiểm soát lỗ, lãi của doanh nghiệp FDI mà để lợi ích riêng chi phối thì bó tay
Ông Trần Đình Thiên, một chuyên gia kinh tế có uy tín dẫn số liệu: "phân nửa số Doanh nghiệp (DN) FDI hoạt động ở Việt Nam khai lỗ. Không phải chỉ lỗ 1, 2 năm mà lỗ triền miên". Tại sao tại một thiên đường đầu tư mà đa số các nhà đầu tư vẫn kêu lỗ? Mà kêu lỗ triền miên như vậy mà không thấy mấy nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi? Liệu có phải chính vì cái sự "lỗ" này mà Việt Nam trở thành thiên đường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài? Vậy thì phải làm thế nào để kiểm soát vấn đề "lỗ giả lãi thật" của các doanh nghiệp FDI?
Đây là vấn đề thực thi luật pháp một cách nghiêm chỉnh. Có cả trăm cách kiểm toán và định giá để phát hiện những vi phạm về thuế vụ, cũng như ô nhiễm môi trường hay tệ nạn tham nhũng. Tất cả những chuyên viên trong nghề, tư nhân và chính phủ, đều biết rõ các thủ thuật này. Nhưng nếu các quan chức về kiểm sát có những "lợi riêng" để nhìn ngơ chỗ khác, thì chúng ta cũng bó tay.
Thực sự, nhà đầu tư thì luôn tham lam: nếu trả 10% dưới gầm bàn mà tiết kiệm cho họ tiền thuế khoảng 30% thì đây là một bài toán vô cùng đơn giản.
Bởi vậy, nhiều vị chuyên gia đã khuyến cáo Việt Nam cần sớm hình thành một chiến lược mới về FDI trong giai đoạn tới. Vậy, theo ông chiến lược mới này cần phải như thế nào để Việt Nam chúng ta giảm thiểu được thua thiệt như lâu nay?
Hãy để sản phẩm FDI cạnh tranh tự do trên thị trường tư bản (thực sự, không tự do cũng không được, ta cần nước ngoài hơn là họ cần ta). Muốn thay đổi tính chất của dòng tiền FDI, thì thay đổi lại môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trung thực, minh bạch, tăng chất lượng nhân công và quản lý, trừng trị nghiêm túc mọi vi phạm, cởi bỏ những rào cản về thủ tục hành chính, tài chính, cải thiện hệ thống hạ tầng... thì không cần hỗ trợ về đất đai hay thuế vụ, chúng ta sẽ có những nhà đầu tư FDI loại chất lượng cao.
Việt Nam với 86 triệu dân, tăng trưởng cao, vị trí chiến lược ở Đông Á, kinh tế đang còn nhiều cơ hội... sẽ là một điểm đến đích thực (không phải tiềm ẩn như quảng cáo trên CNN..)
Rõ ràng, Việt Nam vẫn cần kênh vốn FDI, nhưng phải là những nhà đầu tư đàng hoàng. Vậy theo ông, Việt Nam cần phải có những chính sách riêng biệt như thế nào để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược từ các nước đối tác lớn cũng như hạn chế được những luồng đầu tư không mong muốn?
Như đã nói, mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có sản phẩm FDI khác nhau. Mình không thể rập khuôn Hàn Quốc, hay Singapore; vì hoàn cảnh lịch sử, hệ thống chính trị tài chính, mức độ tăng trưởng cũng khác nhau nhiều. Nhưng các quốc gia này có chia sẻ một tương đồng đó là một cơ chế kinh tế khá cởi mở kiểu Âu Mỹ. Thực ra, chúng ta đã rập khuôn theo mô hình FDI của Trung Quốc.
Tôi muốn đưa ra một số liệu để cảnh báo: theo một báo cáo từ Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cần khoảng 4.2 ngàn tỷ USD để làm sạch môi trường, đem trạng thái ô nhiễm trở về mức khởi điểm 30 năm trước. Nếu tính vào các chi phí để điều trị các bệnh tật do ô nhiễm gây nên và những chi phí xã hội khác, con số phải lên gấp đôi.
Như vậy, trong sự thu hút FDI, ai là người lợi hơn? Nhân dân Trung Quốc hay các nhà đầu tư nước ngoài?
Quản vốn FII: "Đổ thừa cho triệu chứng mà không soi kỹ nguyên nhân thực sự đã gây bệnh"
Vẫn là vốn đầu tư, nhưng xin được chuyển sang một câu chuyện khác đó là sử dụng vốn đầu tư gián tiếp (FII). Thưa TS. Alan, bên cạnh kênh đầu tư FDI, xét về trung và dài hạn, vốn đầu tư gián tiếp cũng được xem là kênh dẫn vốn quan trọng cho nhiều nền kinh tế? Việc rộng cửa đón dòng vốn FII, Việt Nam sẽ được lợi đến mức nào?
Cũng như FDI, FII cũng là dòng tiền có thể giúp nhiều cho việc phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư FII có cùng những quan điểm với các nhà đầu tư FDI, làm thế nào để thu lợi nhuận nhiều nhất, nhanh chóng nhất và ít rủi ro nhất.
Cái khác biệt về FII là tính thanh khoản, đây là những đầu tư ngắn hay dài hạn, cần được giải ngân hay thoái vốn nhanh chóng khi vận hành.
Sự thu hút FII cũng không khác gì FDI: Một cơ chế tài chính tự do, minh bạch trung thực, những tài sản có giá trị thực, những cơ hội tiềm năng tăng trưởng cao và trên hết, tính thanh khoản phải dồi dào.
Một thị trường chứng khoán năng động sẽ giúp cho các doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, bền vững nhờ vào dòng vốn FII (thường nhiều gấp 10 lần FDI) và giúp họ cải tiến kỹ năng quản trị thường trực vì đòi hỏi về kỷ cương công ty (corporate governance) của những nhà đầu tư FII này.
Nhưng nhìn vào bài học thực tiễn ở các thị trường láng giềng, nhiều người vẫn ngần ngại bởi những ảnh hưởng tiêu cực mà kênh FII sẽ gây ra? Vì FII là vốn ngắn hạn, thoắt vào thoắt ra, không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế? Vậy làm thế nào để kênh dẫn vốn này trở nên hữu ích nhất, và chính sách giám sát phải làm sao đảm bảo an toàn hệ thống...?
Người ta thường đổ thừa cho triệu chứng của bệnh mà không nhìn kỹ những nguyên nhân thực sự đã gây bệnh. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Chấu Á 1998, lãnh đạo nhiều quốc gia đã đổ tội cho các nhà đầu cơ FII về tiền tệ làm nổ tung đồng Thái baht, Malaysian ringgit, Korean won...
Tại sao các nhà đầu cơ lại nhắm vào những ngoại tệ này? Lý do rất đơn giản: chúng đã có một giá trị ảo cao hơn giá trị thật rất nhiều. Yếu kém này là do sự điều hành tồi tệ của các quan chức kinh tế, không phải do các nhà đầu cơ: Dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào quá nhiều rồi các doanh nhân (với sự cổ vũ của nhà nước) đem đổ vào các dự án dàn trải không hiệu quả, tạo nên những bong bóng về địa ốc, về dự án, về tài sản ngân hàng.
Nói tóm lại, FII là một con dao hai lưỡi, nó có thể đẩy nhanh sự phát triển kinh tế chất lượng (nhìn vào mô hình Hồng Kông và Singapore), nhưng nó có thể giết chết những bệnh nhân đang thoi thóp bệnh (cũng tốt vì không nên kéo dài cuộc sống của "zombies" - xác chết biết đi. Chúng thu hút tài nguyên, làm kiệt quệ những công ty mạnh).
Trong bối cảnh lúng túng về tỷ giá của VND và giá trị thực của các công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam, có thể kết luận là chúng ta đang may mắn được che chở bởi rào cản FII đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chứ không, thì rất nhiều zombies đã phải ra nghĩa địa.
(Theo TuanVNN)
- 0
- By Admin
- 07/10/2010
- 17