Gói 2 tỷ đồng mua nhà cho công chức: Không nên mở rộng đối tượng vay
* Ông Phan Huy Khang (tổng giám đốc Sacombank): Các NH đều có thể tham gia được
Theo tôi, gói hỗ trợ công chức mua nhà mà NH Nhà nước dự kiến đưa ra nên làm như chương trình kết nối doanh nghiệp mà Tp.HCM đang triển khai rất hiệu quả.
Cụ thể, mỗi NH tham gia chương trình này đều dành ra vài ngàn tỷ đồng, lãi suất cho vay được tính theo nguyên tắc lấy lãi suất huy động (ba tháng, sáu tháng) bình quân của một số NH lớn rồi cộng thêm 1-1,5%. Do chương trình kết nối chỉ cho vay ngắn hạn nên lãi suất cho vay căn cứ trên lãi suất huy động bình quân ngắn hạn.
Còn với chương trình hỗ trợ mua nhà, với thời hạn 10 năm, có thể căn cứ trên lãi suất huy động dài hạn hơn. Chẳng hạn, lãi suất huy động dài hạn bình quân của một số NH lớn hiện nay chưa đến 6%/năm. Nếu cộng thêm 1-1,5%/năm, mức lãi suất cho vay cũng chỉ chưa đến 7,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này có thể điều chỉnh theo từng năm và các NH tùy theo năng lực vốn của mình có thể tham gia một vài ngàn tỷ đồng.
* Bà Đào Hải Ninh (giám đốc NH TMCP Phát triển Mê Kông - MDB, chi nhánh Hà Nội): Lãi suất cho vay chỉ nên giữ ổn định trong năm đầu
Lãi suất cho vay nên cố định ít nhất trong một năm khi bắt đầu triển khai, nhưng nếu giữ ổn định suốt nhiều năm liền sẽ không thể thực hiện được. Bởi với các NH thương mại, cơ cấu tiền gửi có kỳ hạn 1-3 tháng chiếm tới 85% tổng vốn huy động, còn kỳ hạn trên 1 năm chỉ chiếm 15%. Việc giữ lãi suất cho vay trong suốt 3-5 năm sẽ làm mất cân đối nguồn của các NH.
Trường hợp NH Nhà nước xác định đây là sản phẩm ưu đãi phải có yêu cầu nhất định với các NH, nhất là các NH thương mại mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Theo đó, các NH thương mại phải dành một tỉ lệ vốn nhất định so với tổng doanh số cho vay trong một năm của mình để cho vay gói này. Lãi suất cho vay đối với gói này sẽ thấp hơn lãi suất cho vay đối với bất động sản thông thường từ 1-2%/năm.
Khách hàng tìm hiểu thông tin về một dự án chung cư ở Q.12, Tp.HCM |
Ngoài ra điều kiện, tiêu chí để xác định đối tượng vay cũng phải được quy định hết sức cụ thể, rõ ràng. Ngay cả tiêu chí về thu nhập, mức thu nhập 25 triệu đồng/tháng được đánh giá là khá trong xã hội nhưng có thể lại không cao với các NH khi cho vay tới 2 tỷ đồng để mua nhà.
* Bạn đọc Hữu Nhơn (Q.9, Tp.HCM): Cần sớm triển khai gói hỗ trợ công chức mua nhà
Đầu năm 2013, tôi thế chấp sổ đỏ vay 400 triệu đồng tại một NH, với thời hạn 10 năm để xây nhà. Lãi suất của khoản vay này ban đầu là 15,37%/ năm, mỗi tháng tôi phải trả gần 9 triệu đồng, trong đó tiền lãi bao giờ cũng cao hơn khoản trả nợ gốc. Dù đã trải qua nhiều lần được giảm lãi suất (ba tháng điều chỉnh một lần), song hiện tại vẫn còn ở mức 13,3%/năm.
Như vậy, chỉ riêng lãi suất đã cao gấp đôi dự kiến của NH Nhà nước. Nếu được vay theo ý tưởng của NH Nhà nước, tôi sẽ chỉ phải đóng 50% tiền lãi hiện nay.
Khi gói hỗ trợ này được triển khai sẽ giúp hàng trăm ngàn cán bộ, công chức an cư lạc nghiệp, yên tâm công tác, họ sẽ không còn tâm lý nôn nóng kiếm nhiều tiền để mua nhà, chắc chắn góp phần giảm bớt tiêu cực. Việc xúc tiến nhanh gói hỗ trợ này ngoài hỗ trợ người có nhu cầu nhà ở, còn ảnh hưởng tích cực dây chuyền đến nhiều lĩnh vực khác.
* Anh Lê Văn Lâm (Q.Tân Phú, Tp.HCM): Lo không đủ điều kiện vay
Gói hỗ trợ với lãi suất ổn định 6-7,5%/năm kéo dài trong vòng 10 năm là cơ hội cho nhiều công chức vay mua nhà.
Với thu nhập của hai vợ chồng tôi hiện nay cộng lại khoảng 15 triệu đồng/tháng, nếu được vay 500 - 700 triệu đồng để mua một căn hộ, lãi suất cho vay ổn định ở mức 6-7,5%/năm như NH Nhà nước đưa ra, chúng tôi nghĩ có thể nằm trong khả năng xoay xở trả nợ được.
Tuy nhiên, chẳng biết điều kiện cho vay có thông thoáng hay lại “trần ai” như làm thủ tục đi vay gói 30.000 tỷ đồng mà chúng tôi trầy trật mãi trong thời gian qua vẫn không vay được. Hơn nữa, với các khoản thu nhập ngoài lương, được công ty xác nhận nhưng liệu NH có chấp nhận điều này không?
* Ông Nguyễn Văn Đực (phó giám đốc Công ty bất động sản Đất Lành): Không nên mở rộng đối tượng vay
Nhà nước đang khuyến khích người dân ở nhà chung cư, bởi các dự án đều buộc phải dành 30-40% quỹ đất để làm chung cư. Do đó, chỉ nên hỗ trợ người vay tiền mua nhà chung cư. Còn mở rộng cho nhiều đối tượng, kể cả mua nhà phố, xây dựng nhà phố, theo tôi là quá đà và không giải quyết được gì cho thị trường.
Hơn nữa, chỉ nên hỗ trợ người có nhu cầu nhà tối thiểu chứ không phải nhu cầu tối đa, tức là những người cần nhà ở thật sự, với khoản cho vay 500-700 triệu đồng.
Bởi lẽ sẽ có người lợi dụng chính sách này để xây nhà riêng với lãi suất thấp. Chẳng hạn, anh có một miếng đất 4 tỷ đồng, anh cần tiền xây nhà và được vay 2 tỷ đồng. Như vậy, anh là một người có điều kiện lại được hỗ trợ thêm.
Nguồn tiền của Nhà nước đâu có nhiều để hỗ trợ những đối tượng có nhu cầu nhà ở cao cấp. Nếu muốn mua nhà ở cao cấp, các đối tượng đó phải tự vay thương mại của NH chứ Nhà nước không nên hỗ trợ.
- 0
- By Admin
- 20/09/2014
- 17