Góc học tập của con- không đơn giản
Một trong những điểm cộng thêm để tăng khả năng nhận được sự trợ giúp từ các chương trình mang tính hỗ trợ hay từ thiện (như chương trình Ngôi nhà mơ ước quen thuộc của HTV chẳng hạn) là các đứa con trong nhà phải học giỏi. Như một công thức quen, để miêu tả cảnh nghèo nàn, bần cùng máy quay sẽ lia khắp các nơi rách nát, xiêu vẹo của ngôi nhà để ghi hình, sau đó, bằng vài lời dẫn giới thiệu thành tích học tập, người xem sẽ chứng kiến cảnh các em nhỏ hiếu học đã phải học hành trong hoàn cảnh tồi tàn như thế nào.
Để tránh ướt mưa, có em phải gói sách vào các bịch nilông, bàn học thì dùng bàn ăn của gia đình. Cũng có em cất toàn bộ sách vở trong một cái rương gỗ, khi học thì cái rương gỗ ấy cũng chính là bàn… Nói chung, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà một… góc học tập. Góc học tập được hiểu đơn giản nhất là nơi để ngồi học bài. Từ hoàn cảnh khó khăn của các em nhỏ thiếu may mắn nhưng vẫn học hành giỏi giang, không biết có bao nhiêu em nhỏ khác giật mình, nhận thức được rằng, học hành, để có kết quả tốt, cần ánh sáng đến từ tâm thức, từ sự chuyên cần và khao khát chứ không nhất thiết, kết quả tốt đến từ những tiện nghi, những màu mè chấp chới.
Ở thành thị, trẻ em trong những gia đình có điều kiện thường có phòng riêng, các em có bàn học đặt cạnh giường ngủ, có ghế xoay, dĩ nhiên là có kệ sách, có vi tính, có đèn bàn… đầy đủ hết. Ấy là một mẫu hình lý tưởng mà hầu hết các ông bố bà mẹ hễ lo được là lo không đắn đo. Tôi không biết nó có thật sự tốt hay không, thỉnh thoảng thấy phim truyền hình và cả ở ngoài đời thực, cảnh đêm đêm, bà mẹ sẽ cốc cốc gõ cửa, mang vào cho quý tử của mình một ly sữa hay một dĩa trái cây, bảo con dừng học một chút để ăn để uống, xoa xoa đầu xót con ham học đến bơ phờ. Bà mẹ thấy con đang ngồi ở chỗ dành cho sự học ấy thì yên tâm quay ra, miệng nở nụ cười hạnh phúc. Cửa vừa đóng, màn hình vi tính ở góc học tập ấy sáng lên, tiếp tục trận chiến võ lâm đang còn dang dở… Không có điều kiện để con cái có một chỗ học hành đàng hoàng là một nỗi ngậm ngùi chua xót, là một bất hạnh có thể gọi tên, nhưng có một căn nhà đẹp, trang bị đầy đủ cho con những tiện nghi hiện đại nhưng bản thân chúng lại ham chơi hơn ham học cũng là một bất hạnh mịt mù không kém.
Ảnh minh họa |
Khi suy nghĩ về góc học tập của mỗi con người, không hiểu sao tâm trí tôi cứ dắt về cái bàn học của chị Quyên bạn tôi khi còn ở quê. Lúc đó tôi chừng lớp 6, còn chị thì lớp 7, một lần xuống nhà chị Quyên chơi, thấy chị ngồi học bài với cái bàn xếp trước sân nhà, dưới bóng một cây xoài to, phóng mắt thẳng ra cánh đồng làng lúa xanh mởn, gió trưa liu riu liu riu thổi. Trên bàn có một chén chè đậu xanh ăn dở, một chén muối ớt và một trái ổi cũng ăn dở. Kế bên hai món ăn đó là một thứ không ăn được cũng không biết để làm gì, một nhành bông dừa trắng ngà với vài bông đã bị tuốt ra nằm rơi vãi khắp bàn. Chị Quyên hồi đó học giỏi nhất khối, tôi nể chị nhiều mà mê say cái chỗ học của chị thì nhiều hơn. Dĩ nhiên, bác Năm có xếp cho chị Quyên có một chỗ học đàng hoàng trong nhà nhưng có những ngày “nổi hứng” chị khiêng bàn ra học dưới bóng cây như thế, chị nói đứa nào được cây che bóng thì viết tập làm văn sẽ hay hơn. Lúc đó tôi tin sái cổ nên lâu lâu, cũng bắt anh tôi khiêng bàn ra đặt dưới gốc xà cừ trước nhà để tôi ngồi làm tập làm văn! Ngặt nỗi nhà tôi không nhìn ra đồng lúa mà nhìn thẳng ra quốc lộ, nhiều người ngang qua nhìn tôi rất “ngộ”. Giờ nhắc lại thấy mắc cỡ xen lẫn buồn cười khủng khỉnh.
Tôi có anh bạn khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình, nhà anh dĩ nhiên là đẹp và không thiếu tiện nghi gì nhưng góc ấn tượng nhất của tôi khi ghé thăm lại là góc nhỏ mà anh hay ngồi đọc sách. Một cái bàn gỗ thông, một cái ghế gỗ có tựa lưng, trước mặt là khung cửa sổ treo một bình trầu bà dây rủ. Ngoài kia là sân vườn, có lích chích tiếng chim sâu. Chiếc bàn ấy chỉ có sách, một ống cắm bút bằng tre, một cây đèn dầu và một khung hình gỗ rất cũ, hình cả gia đình anh với nước màu đen trắng. Anh nói còn một thứ nữa mà anh không thể có được để hoàn chỉnh cái góc học tập bé nhỏ của mình là cái gối mẹ anh dồn gòn, vỏ gối là những miếng vải nhiều màu mẹ anh ráp lại rất công phu và đẹp mắt, bà làm để anh ngồi cho êm ái. Tôi nói nó ấn tượng là vì so với căn nhà, góc này giản dị mà mang lại cảm giác quen thuộc ghê lắm. Hỏi ra thì biết, đây chính là tái hiện góc học tập của anh thời còn ở quê nhà miền Trung nghèo khó. Con cái anh không thích ngồi ở đây, chúng có góc riêng trong phòng của chúng, và nữa, vì ở đây anh không đặt máy vi tính.
Góc học tập là cần thiết cho bất cứ đứa trẻ nào, đó là thế giới riêng đầu tiên của mỗi cá nhân, để tập tính ngăn nắp, trách nhiệm với chính cuộc sống của mình. Nếu để ý một chút, cá tính từng đứa trẻ thể hiện hết ở góc này. Đứa tính ngăn nắp thì sắp xếp gọn gàng sách vở đâu ra đó. Đứa có “tâm hồn ăn uống” thì thế nào cũng có gói bánh, hộp kẹo đặt cạnh ly cắm bút. Con gái điệu đà thế nào cũng có hoa treo, có bướm giăng… Thằng luộm thuộm bê bối thì hôm nay mẹ có dọn dẹp giúp thì hôm sau cũng như chiến trường lại như cũ. Góc học tập, đừng có dại mà kêu ai đó tả ra cho mình nghe như tôi, đó sẽ là mạch nước tuôn xối, không dừng được đâu, bởi nó thân thương, nó gắn bó, và hơn hết mọi thứ, nó là điều cụ thể nhất để tuổi hoa niên treo vào. Lủng lẳng như chiếc đèn lồng, sáng ấm ở trên cao. Bây giờ có điện có đèn, có quạt và máy lạnh. Góc học tập đặt đâu cũng sáng cũng mát. Không như hầu hết các thế hệ học sinh những năm xưa cũ, góc học tập thường thấy nhất là ở cửa sổ, để lợi dụng ánh sáng trời và gió mát (nhưng đôi khi, sẽ có tai nạn mưa tạt làm ướt sách vở nếu quên đóng cửa). Còn lại như anh em nhà tôi thì góc học tập thường là ở phòng thờ nhà nội, vì nó yên tĩnh tuyệt đối, không có ai lai vãng, trừ khi giỗ chạp nhà thờ mở cửa mà thôi.
So sánh có thể khiên cưỡng nhưng tôi thấy có vẻ như, cách một đứa trẻ tổ chức, chăm sóc góc học tập của mình, cách người trẻ đổ mồ hôi và khao khát của mình trên góc học tập sẽ quyết định “chiếc ghế” sự nghiệp và công danh của đứa trẻ ấy khi nó trưởng thành. Như một phần gốc rễ của đời người, góc học tập quyết định độ vững chắc của cây đời không phải vì giá trị vật chất của nó. Mà chính xác, nó là sự quan tâm của gia đình, của cha mẹ để thu vén cho con cái một chỗ ngồi tươm tất, sáng sủa tiện học hành. Đó mới chính là chiếc gối êm ái nhất, đẹp đẽ trên những chuyến bay sau này của mỗi con người.
- 251
- By Admin
- 19/09/2013
- 17