Giới đầu tư yên tâm "giữ" đất khi sắp có chuỗi đô thị dọc Nhật Tân - Nội Bài
Thời gian gần đây, để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, liên tục các địa phương trong cả nước đã xin cơ chế đặc thù, xây dựng những dự án hướng tới nâng tầm đô thị và giải quyết vần đề an sinh.
Đầu tiên là TP. Đà Nẵng, Kết luận 75/KL-TW (12/11/2013) của Bộ Chính trị khóa IX đã nêu, sớm ban hành một số chính sách, cơ chế có tính đặc thù cho thành phố này.
Tỉnh Quảng Ninh là đơn vị hành chính thứ hai được đón nhận nhiều tin vui, 1 trong 3 cực tam giác phát triển của vùng Bắc bộ. Đặc biệt, chủ trương xây dựng khu kinh tế Vân Đồn thành đặc khu kinh tế với ngoại lệ ưu đãi về vốn đã được chấp thuận.
Tin tưởng vào cơ chế đặc thù
Thủ đô Hà Nội cũng cũng tỏ ra không "thua kém" khi vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng đối với Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Sự kiện giới chức Hà Nội chính thức báo cáo cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực xây dựng chuỗi đô thị dọc Nhật Tân - Nội Bài đã hâm nóng giới kinh doanh, đầu tư nhà đất Thủ đô.
Theo đó, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã đưa ra gợi ý đáp số phân chia toàn bộ khu vực hai bên đường thành 8 dự án thành phần, mỗi dự án do 1 chủ đầu tư xây dựng và quản lý cho bài toán tổng kinh phí đầu tư lên tới 33.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, TP. Hà Nội còn đề nghị, Thủ tướng ủy quyền toàn bộ cho UBND thành phố trong việc thẩm định, phê duyệt và cho phép đầu tư các dự án thành phần phát triển đô thị có quy mô từ 100 ha trở lên và từ 20 ha đến dưới 100 ha không phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng.
Giới đầu tư nhà, đất tại đây đang nung nấu kế hoạch dài hơi |
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, từ năm 2015, theo định hướng, các ban ngành chức năng sẽ “khởi động” đại dự án này và phấn đấu hoàn thành trong 10 năm.
Khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài trải suốt 12km trên 2 huyện Sóc Sơn, Đông Anh có diện tích nghiên cứu tới 2.080 ha. Khu vực này dự kiến sẽ trở thành cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội với các trung tâm quy mô lớn về kinh tế, văn hóa và giao lưu quốc tế với quy mô dân số 14 vạn người.
Người dân tại 2 huyện Đông Anh, Sóc Sơn đang hy vọng Hà Nội sẽ được chấp thuận cơ chế đặc thù đối với kế hoạch quy mô này sau sự kiện thông cầu Đông Trù và Đường 5 kéo dài. Liệu giá đất nơi đây có tăng vọt khi giao thông thuận tiện, kinh tế và dân trí được cải thiện?
Anh Hoàng, đại gia BĐS với 5 mảnh đất rộng hàng trăm m2 tại Sóc Sơn tự tin nói, phải đợi 10, 15 năm anh cũng đợi, đất đai, nhà cửa ở đây chắc chắn sẽ lên giá.
Chờ đợi nhà, đất lên giá
Nhiều lô đất vị trí đẹp (bám theo chân cầu Nhật Tân, sát mặt đường) ở Vĩnh Ngọc (Đông Anh) trong quý III đều đồng loạt đưa ra mức giá 60-75 triệu đồng/m2. Nằm trong làng thôn, xấu hơn thì khoảng 55-60 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ rộng đủ quay đầu xe ôtô 4 chỗ cũng có giá 30-35 triệu đồng/m2. Tại mặt đường 23B (xã Nam Hồng), nhiều thửa đất làng vuông vức có giá trị “chóng mặt” với 40-50 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, nhiều người đầu tư nhà, đất đã lỗ nặng. Đơn cử, người nào bỏ tiền tỷ mua đất ở Đại Mạch, Ngọc Chi, Đông Hội, Vĩnh Ngọc từ 2-3 năm trước thì hiện chuyển nhượng thành công lỗ 40 - 50% là may mắn.
Khi cơ quan quản lý quyết tâm thực hiện đồ án chuỗi đô thị dọc Nhật Tân - Nội Bài cả bằng lời nói lẫn hành động thì mọi chuyện đã khác. Các chủ sở hữu đất thuộc hai bên đầu cầu Đông Trù, Nhật Tân và ở những địa bàn liên quan trực tiếp trục quy hoạch này ngay lập tức đã có lý do để vui mừng.
Theo Đức, đại diện một nhóm đầu tư địa ốc sành sỏi ở Hà Nội nhiều năm qua, hiện đang hình thành xu hướng chủ nhà tỏ ra hờ hững với người tìm mua đất tại khu vực này. Tương tự, dân đầu cơ (đang sở hữu nhiều mảnh đất đẹp) cũng “đủng đỉnh” với khối BĐS trị giá nhiều tỷ đồng mà họ sở hữu từ trước.
Ông Tiến, đại diện một doanh nghiệp xây dựng ở Cầu Giấy cho hay, các chủ sở hữu đất ai cũng lắc đầu không bán, một người quen của ông đã chờ quy hoạch thực hiện nên có miếng đất 300m2 ngay sát Uy Nỗ quyết tâm giữ lại đến hết năm nay. Với điều kiện kế hoạch thực hiện chuỗi đô thị được cơ quan chức năng thực hiện bước đầu, sang năm 2015 mới hy vọng chuyển nhượng đất với giá trị trung bình trở xuống.
Trên thực tế, ở những mảnh đất rộng hàng trăm m2, giá trị vị trí rõ rệt (hai bên đầu cầu hoặc mặt đường) mới xuất hiện tâm thế "chờ đợi quy hoạch tiến hành rồi tính”. Còn những khu đất được giao dịch với giá chỉ 6-10 triệu đồng/m2 phần lớn đều do chủ nhân thật sự cần tiền nên bán.
Đơn cử như mảnh đất 200m2 nằm cạnh bệnh viện Bắc Thăng Long đổi chủ với đơn giá 5 triệu đồng/m2; cách đường dẫn cầu Đông Trù 800m, mảnh đất ngót 350m2 được sang tên với giá 10 triệu đồng/m2.
- 0
- By Admin
- 31/10/2014
- 17