• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giấy phép xây dựng quy định cả màu sắc, vật liệu xây dựng

Cụ thể, tại các tuyến phố chính, các trục đường chính của đô thị, khu vực quảng trường trung tâm thì việc dùng màu sắc, vật liệu hoàn thiện bên ngoài công trình phải đảm bảo sự hài hòa chung cho toàn tuyến, cho khu vực và phải được quy định trong giấy phép xây dựng. Tùy theo vị trí mà thể hiện tính trang trọng, tính hài hòa hoặc yêu cầu bảo tồn theo nguyên trạng.

Quy định khuyến khích việc kết hợp các khu đất nhỏ thành khu đất lớn hơn để xây dựng công trình hợp khối đồng bộ, hình thành khoảng không gian công cộng, cảnh quan đô thị.

"Con đường ăn nói" của TP.HCM: trục Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa mới trình làng
với bộ mặt kiến trúc cao thấp, lổn nhổn - Ảnh: P.P.H.

Không lấn chiếm không gian

Không chỉ màu sắc, vật liệu mà ghế ngồi nghỉ, tuyến dành cho người khuyết tật, cột đèn chiếu sáng, biển hiệu, biển chỉ dẫn tại những tuyến đường trên cũng phải đảm bảo mỹ quan, hài hòa với tỉ lệ công trình kiến trúc. Hè phố, đường đi bộ trong đô thị phải xây dựng đồng bộ, phù hợp về cao độ, vật liệu, màu sắc từng tuyến phố, khu vực đô thị. Hố trồng cây cũng phải có kích thước phù hợp, đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đặc biệt đối với người khuyết tật.

Việc quản lý không gian đô thị được chia làm các khu vực nhằm chức quản lý: khu vực mới phát triển, khu vực bảo tồn, khu vực giáp ranh nội, ngoại thị…

Đối với kiến trúc đô thị, quy định nêu rõ: không được chiếm dụng trái phép không gian đô thị nhằm mục đích tăng diện tích sử dụng công trình. Diện tích, kích thước khu đất xây dựng công trình, nhà ở phải đảm bảo theo quy định mới được cấp phép xây dựng. Nếu thực hiện nghiêm quy định này thì tình trạng tự cơi nới, lấn chiếm không gian tại các chung cư cũ, tình trạng xây nhà siêu mỏng… vốn đang rất phổ biến sẽ khó có thể tồn tại.

Nhà ở mặt phố xây sau ngoài phù hợp quy hoạch còn phải căn cứ vào chiều cao, độ vươn ô văng, màu sắc của nhà xây trước để tạo sự hài hòa, thống nhất toàn tuyến. Mặt ngoài công trình kiến trúc đô thị không đ­ược sử dụng màu sắc, vật liệu gây ảnh hưởng đến thị giác, sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh và an toàn giao thông.

Riêng khu vực bảo tồn, chiều cao tối đa của công trình xây mới phải tuân thủ các quy định kiểm soát chiều cao theo quy hoạch đô thị. Mặt đứng các hướng cũng như hình thức vật liệu, màu sắc của mái, cổng, tường, rào duy trì theo hình thức và cảnh quan vốn có của khu vực… để đảm bảo sự hài hòa giữa công trình mới và cũ.

Tăng cây xanh tại khu vực mật độ xây dựng cao

Nghị định trên phân cấp cho UBND tỉnh, thành, UBND quận huyện quản lý toàn diện không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị trong phạm vi địa giới hành chính thuộc thẩm quyền quản lý và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Đối với đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị của Thủ tướng Chính phủ thì trước khi ban hành các quy chế phải lấy ý kiến các bộ ngành liên quan. Địa phương phải công khai rộng rãi các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cho người dân biết. Trường hợp không tuân thủ quy chế trên sẽ bị xử phạt hành chính, dỡ bỏ công trình theo quy định.

Để giám bớt cảm giác ngột ngạt từ các khối “bêtông” tại các khu đô thị cũ, khu vực trung tâm đô thị có mật độ xây dựng cao, quy định khuyến khích tăng diện tích cây xanh, diện tích dành cho giao thông, không gian công cộng và giảm mật độ xây dựng. Chính quyền địa phương quy định cụ thể mật độ xây dựng tối đa, tỉ lệ tối thiểu về cây xanh, đất dành cho không gian công cộng theo quy chuẩn hiện hành và có lộ trình để thực hiện các chỉ tiêu này.

Những công trình dạng tổ hợp kiến trúc đô thị được khuyến khích tăng khoảng lùi để tạo không gian và tăng diện tích cây xanh, giảm mật độ xây dựng. Các công trình xây mới tại góc đường phải chừa tầm nhìn, thuận tiện cho người tham gia giao thông.

Tại các khu vực giáp ranh nội, ngoại thị hạn chế tối đa việc chia nhỏ các khu đất có nhà vườn nông thôn, có giá trị truyền thống thành những khu đất nhỏ hơn. Khi xây dựng mới công trình trong khuôn viên loại nhà này phải có ý kiến của cơ quan thẩm quyền. Quy định cũng yêu cầu hạn chế xây nhà ở có mật độ cao, nhà cao tầng, nhà ống mái bằng, nhà liền kế kiểu nhà phố tại khu vực giáp ranh nội, ngoại thị.

Nhà chung cư, nhà tập thể đã quá niên hạn sử dụng, thuộc danh mục nhà nguy hiểm, chính quyền phải có phương án di chuyển dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và cải tạo, xây dựng mới theo quy hoạch. Có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới các khu nhà ở mặt tiền đường đang xuống cấp hoặc có phương án hỗ trợ người dân cải tạo. Nhà ở tại các khu phố cũ, biệt thự, nhà vườn có khuôn viên riêng trong đô thị thuộc danh mục bảo tồn phải giữ nguyên trạng, đảm bảo số tầng, kiểu dáng kiến trúc.

Chợ, siêu thị xây dựng mới trong đô thị phải có bãi giữ xe. Chính quyền địa phương phải có biện pháp cải tạo hoặc xây mới các trạm biến thế ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Có kế hoạch dỡ bỏ các thiết bị và đường dây điện thoại, dây thông tin… không còn sử dụng, tiến tới ngầm hóa toàn bộ các loại dây trên.

Theo quy định, trạm bán xăng, dầu, trạm cung cấp hơi đốt… ngoài điều kiện phải bố trí theo quy hoạch thì hình thức, màu sắc công trình cũng phải đảm bảo mỹ quan, có khoảng cách hợp lý và an toàn cho khu dân cư, nơi tập trung đông người. Cấu tạo miệng cống thoát nước phải đảm bảo an toàn, phù hợp với cảnh quan toàn tuyến…

Theo Tuổi Trẻ
  • 224
  • By Admin
  • 13/04/2010
  • 17