Giao lại dự án Rusalka - Khánh Hòa cho chủ cũ?
Trả lại tài sản vì kê biên không đúng
Dự án du lịch nghỉ dưỡng Rusalka được đầu tư xây dựng từ hơn 10 năm trước trên diện tích gần 45 ha, chủ đầu tư cũ là Công ty Rus-invest Tur (RIT) do ông Nguyễn Đức Chi là chủ sở hữu, đồng thời cũng là đại diện duy nhất.Năm 2006, sau khi ông Nguyễn Đức Chi bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) thực hiện kê biên tài sản dự án Rusalka với lý do đây là “vật chứng của vụ án hình sự”. Sau đó cơ quan này có văn bản nhận định Nguyễn Đức Chi lừa đảo cơ quan chức năng để được cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka và đề nghị thu hồi giấy phép đầu tư, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì thành lập hội đồng định giá bán đấu giá tài sản của dự án.
Dự án Rusalka xuống cấp vì bị bỏ hoang từ năm 2006 khi đang xây dựng dở dang. Ảnh: ĐỨC HIỂN |
Sau đó Bộ KH&ĐT đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép đầu dư, chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka khi chưa có quyết định của tòa án. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã định giá tài sản dự án trị giá hơn 131 tỉ đồng.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, việc bán đấu giá tài sản của dự án sau đó đã được hoãn lại để chờ phán quyết của tòa án.
Kết quả phán quyết của các cấp tòa án cho thấy Nguyễn Đức Chi không bị kết án với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đầu năm 2011, TAND Tối cao có văn bản khẳng định hành vi Nguyễn Đức Chi bị kết án “không liên quan đến việc xin cấp giấy phép vào dự án Rusalka” như lý do được nêu trong công văn của Bộ Công an.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại Quyết định Giám đốc thẩm vào tháng 4-2010 kết luận: “Khi bị TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, ông Nguyễn Đức Chi cũng không bị buộc phải có nghĩa vụ liên quan đến tài sản (bồi thường dân sự, tịch thu tài sản). Vì vậy, không có căn cứ pháp luật để tiếp tục kê biên tài sản của Nguyễn Đức Chi”. Sau đó TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn Nguyễn Đức Chi liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền nhận lại tài sản.
Nên giao dự án lại cho… “người cũ”?
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị giao lại dự án lận đận Rusalka cho chủ cũ là ông Nguyễn Đức Chi. Tuy nhiên đề xuất này tiếp tục bị các chủ nợ của dự án phản đối.Theo văn bản dày 6 trang, lãnh đạo Khánh Hòa đã đưa ra nhiều lý do để khẳng định việc giao lại dự án cho Công ty cổ phần Du lịch Trọng Điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) - doanh nghiệp do em trai ông Nguyễn Đức Chi sáng lập - là phương án duy nhất khả thi.
Cụ thể, địa phương xác định Focus Travel Nha Trang là pháp nhân mới, được thành lập dựa trên khối tài sản cũ có tại Rusalka. Trong khi các tài sản này được văn bản trả lời khiếu nại từ Tòa án Nhân dân tối cao xác nhận là của ông Nguyễn Đức Chi (bị kê biên trong vụ án trước đó). Do đó, việc giao lại tài sản cho Focus Travel Nha Trang là phù hợp. Pháp nhân này sẽ đứng ra thanh toán, xử lý nợ nần với các nhà thầu của dự án cũ. Trường hợp không giải quyết được, sẽ phân xử tại tòa.
Ngoài ra, theo lãnh đạo tỉnh, có 2 phương thức để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án, vốn giậm chân tại chỗ từ năm 2005 đến nay: Đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, việc đấu giá quyền sử dụng đất không thể áp dụng vì tại đây, chủ đầu tư đã tiến hành đầu tư, có công trình. Do đó, Rusalka không thuộc diện đất sạch, không đấu giá quyền sử dụng đất.
Đáp lại quan điểm của UBND tỉnh, chủ nợ lớn nhất, đồng thời là nhà thầu chính của dự án trước đây - Công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại của Bộ Công Thương (BMC) lại tiếp tục đưa ý kiến phản đối. Đơn vị chiếm đến 90% công nợ của Rusalka cho rằng kiến nghị của Khánh Hòa chỉ là một trong 7 ý kiến của các cơ quan, bộ ngành trong cuộc họp do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức giữa tháng 6 về việc giải quyết khiếu nại của BMC. Trong văn bản này, lãnh đạo Khánh Hòa có viện dẫn một số kết luận của cuộc họp này, nhưng không đầy đủ.
Theo BMC, việc xác nhận tài sản của Tòa án Nhân dân tối cao thực chất chỉ là văn bản trả lời đơn thư, không có tính pháp lý như một bản án tuyên, nên không lấy làm căn cứ khẳng định. Thêm vào đó, ngoài 2 phương thức lựa chọn nhà đầu tư nêu trên, theo quy định của pháp luật, còn có thể tiến hành đấu thầu dự án và đền bù, hỗ trợ tái định cư các công trình trên đất dự án nếu có. Đây cũng là phương thức mà BMC mong muốn, kiến nghị cho áp dụng để giải quyết dự án Rusalka.
Được cấp giấy phép năm 2000 nhưng sau 5 năm, dự án mang cái tên Nga - Nàng tiên cá - buộc phải dừng do chủ dự án lúc bấy giờ là Nguyễn Đức Chi bị bắt và bị truy tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận 5 năm 6 tháng tù. Đất đai, tài sản của dự án phải kê biên, giấy phép đầu tư và sổ đỏ dự án bị thu hồi.
Sau khi được tự do, ông Chi xin tiếp tục đầu tư Rusalka. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã thông báo thanh lý dự án để tiếp tục thành lập pháp nhân mới, dự án mới tái khởi động Rusalka theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng cho đến nay, việc thanh lý chưa hoàn thành do không thể thỏa thuận công nợ với 4 chủ nợ, trong đó có nhà thầu chính BMC. 4 nhà thầu yêu cầu được thanh toán tổng cộng 294,3 tỷ đồng, bao gồm cả nợ gốc (56,4 tỷ đồng), lãi và tiền phạt vi phạm hợp đồng do ngưng dự án trong một thời gian dài… nhưng ông Nguyễn Đức Chi không đồng ý.
Mới đây lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã công bố chọn Focus Travel Nha Trang làm chủ đầu tư mới cho Rusalka. Công ty này do em trai ông Nguyễn Đức Chi và một số người thân thành lập. Quyết định này tiếp tục bị phía BMC phản đối và có các văn bản gửi lên Thủ tướng. Theo BMC, nếu đưa tranh chấp công nợ ra tòa, sẽ khó cho các nhà thầu vì chủ thể bị khiếu nại là RIT - Công ty cũ của ông Chi - đã “biến mất” từ lâu.
(Theo PLTPHCM)
- 0
- By Admin
- 18/07/2012
- 17