Giao cho chủ đầu tư quản lý hạ tầng kỹ thuật là bất khả thi
Cụ thể, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm quản lý, duy tu và bảo dưỡng theo đúng chức năng quy hoạch đã được phê duyệt đối với những tuyến đường giao thông, điện nước, công viên cây xanh... mà không bàn giao lại cho Nhà nước quản lý như hiện tại. Trước quy định này, doanh nghiệp bất động sản nói gì?
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, Nhà nước nên đưa ra cả 2 phương án để chủ đầu tư được lựa chọn. Tùy quy mô và mức độ của dự án, chủ đầu tư mới quyết định bàn giao lại hay tự quản lý. Đơn cử, nhiều chủ đầu tư muốn được quản lý phần cây xanh trong những dự án, họ tự chăm sóc để cây cối tươi xanh, còn nếu để cho Nhà nước trực tiếp quản lý thì việc chăm sóc sẽ mất nhiều kinh phí, thời gian. Chủ đầu tư của những dự án chung cư có thể chăm sóc luôn cây xanh cũng giống như việc chăm sóc khuôn viên trong nhà. Chi phí không nhiều và có thể lấy ra từ phí bảo trì tòa nhà. Còn quản lý toàn bộ hạ tầng thì doanh nghiệp sẽ không kham nổi.
Trong khi đó, Phó giám đốc Công ty Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho rằng, doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý trong nội bộ dự án của mình là hợp lý. Đơn cử, Dự án chung cư Thái An của công ty, sau khi bàn giao phần hạ tầng cho quận 12, quận này cũng đã phải giao lại cho doanh nghiệp quản lý. Chủ đầu tư phải tự chăm sóc cây xanh và đường nội bộ. Nếu để Nhà nước thực hiện thì làm sao có thể một ngày tưới cây từ 2-3 lần, có khi cả tuần tưới 1 lần, cây doanh nghiệp mua rồi trồng tính ra cũng đống tiền, để chết đi thì quá lãng phí.
Theo vị đại diện chủ đầu tư này, cư dân của dự án đi lại đường nội bộ là chính, cư dân được hưởng lợi thì doanh nghiệp phải có chế độ hậu mãi, chủ đầu tư phải có trách nhiệm. Giao cho Nhà nước quản lý hệ thống cây xanh và đường nội bộ trong dự án là bất hợp lý, hàng năm Nhà nước sẽ bị thất thoát một khoản tiền lớn từ công tác bảo dưỡng, duy tu này.
Doanh nghiệp tự quản hệ thống cây xanh có thể tạo thêm sự hấp dẫn cho dự án. Ảnh: Hoài Nam |
Theo quan điểm của ông Nghĩa và ông Đực, nên phân định rõ những gì dự án được hưởng lợi thì nên giao cho chủ đầu tư quản lý, còn những tiện ích hạ tầng chung như điện, nước thì Nhà nước cần phải quản lý thống nhất.
Thực tế cho thấy, khi đầu tư vào dự án bất động sản, các doanh nghiệp đã phải bỏ chi phí đầu tư những hạng mục “không thuộc về mình”. Đơn cử, Luật Điện lực 2004 quy định, trách nhiệm (cũng là quyền lợi) đầu tư lưới điện tới đồng hồ căn hộ là của của công ty kinh doanh điện lực. Nhưng hầu hết những dự án bất động sản đều cần phải đầu tư đấu nối từ lưới điện quốc gia (cấp điện áp 15-22 kV) vào trạm biến thế ở khu vực dự án (phần lớn đều phải dùng cáp điện ngầm trung thế) sau đó hoàn thiện lưới điện ngầm hạ thế tới đồng hồ căn hộ rồi bàn giao cho công ty điện lực. Hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước cũng tương tự như vậy.
Hiện nay, Tp.HCM có 1.043 dự án bất động sản nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký quản lý hạ tầng dự án chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Chủ đầu tư trên thực tế cũng chỉ đăng ký quản lý 2 hạng mục là công viên cây xanh và giao thông nội địa, còn phần lưới điện, cấp nước sạch, điện chiếu sáng công cộng và thoát nước đô thị thì doanh nghiệp sẽ khó lòng quản lý.
Thực tế, doanh nghiệp sẽ quản lý ra sao khi bản thân họ không thể chủ động trong cấp nước, cấp điện. Đơn cử, tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Công ty Phú Mỹ Hưng đang nỗ lực để bàn giao hệ thống cấp nước cho Công ty CP Cấp nước Nhà Bè. Công ty còn đang quản lý toàn bộ hệ thống công viên cây xanh, đường nội bộ, chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước bẩn. Tại Dự án Sài Gòn Pearl, quận Bình Thạnh, Công ty SSG đang quản lý hệ thống công viên cây xanh, đường giao thông nội bộ. Dự án Khu đô thị Sa La (quận 2), Công ty CP Đại Quang Minh dự kiến sẽ bảo dưỡng, duy tu và quản lý hệ thống công viên cây xanh, đường giao thông nội bộ để bảo đảm chất lượng công trình phục vụ cư dân.
Trao đổi với phóng viên, đa phần các doanh nghiệp đều cho rằng, chủ đầu tư chỉ nên quản lý phần đường nội bộ và cây xanh. Đặc biệt, một số chủ đầu tư đã không còn muốn quản lý phần đường nội bộ bởi mức kinh phí bảo dưỡng, duy tu hàng năm là rất lớn. Thêm nữa, theo họ, khi tính toán giá bán dự án đã không đưa chi phí bảo dưỡng, duy tu này vào công trình.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, có những doanh nghiệp phát triển lâu dài, bền vững, họ muốn quản lý một phần đường nội bộ và cây xanh. Bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp hoạt động theo kiểu "đánh quả", làm xong dự án rồi xin giải thể. Thậm chí là cứ mỗi dự án thành lập 1 công ty. Kiểu kinh doanh này, thị trường không nên khuyến khích. Nhưng theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ có thể khuyến khích chủ đầu tư nhận quản lý toàn bộ hạ tầng dự án, không quy định bắt buộc chủ đầu tư phải nhận quản lý. Nếu quy định bắt buộc quản lý là bất khả thi.
- 0
- By Admin
- 28/05/2015
- 17