Gian nan tìm chỗ đứng cho vật liệu xây không nung
Được đánh giá là có nhiều ưu điểm, đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, tuy nhiên, việc tiêu thụ, sử dụng vật liệu xây không nung vào công trình xây dựng còn nhiều hạn chế, không tương xứng với năng lực đầu tư khi mới chỉ đạt khoảng 50% sản lượng.
Khó khăn về nguồn vốn
Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương phát triển dòng vật liệu xây không nung, nhiều doanh nghiệp đã chủ động để đi trước đón đầu. Đó là những doanh nghiệp tiên phong đi học hỏi, chuyển giao công nghệ và đầu tư nhà máy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng đến nay phần lớn các doanh nghiệp này vẫn chưa thu được thành quả.
Câu chuyện của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng An Thái - đơn vị tiên phong sản xuất gạch bêtông khí chưng áp là một ví dụ điển hình. Theo ông Nguyễn Thi Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng An Thái, đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. So với công suất thiết kế là 300.000 m2/năm tương đương với khoảng 200 triệu viên gạch đỏ thì sản lượng tiêu thụ hiện nay của An Thái chỉ bằng 10%.
Lý giải về những khó khăn trong khâu tiêu thụ, ông Sỹ cho rằng hiện người dân chưa quen sử dụng loại vật liệu mới này cho dù nó có nhiều ưu điểm vượt trội. Cùng đó, giai đoạn này ngành xây dựng đang gặp nhiều khó khăn do bất động sản trầm lắng, đầu tư công hạn chế nên các công trình có vốn nhà nước hầu như không và chưa sử dụng đến dòng vật liệu này.
Ảnh minh họa |
Là ngành mới nên khi xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải đưa nhân viên sang đào tạo tại nước ngoài học về công nghệ sản xuất mới. Tuy nhiên, do sản xuất bị đình trệ nên lực lượng lao động này phải đi tìm công việc mới. Bởi vậy, doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong tuyển mới, đào tạo mới. Thậm chí, có năm đơn vị phải đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất tới 2-3 lần, ông Sỹ chia sẻ.
Bên cạnh đó, dòng sản phẩm này có suất đầu tư lớn nên khó thoát khỏi sức ép về lãi vay. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ hạn chế nên nhiều nhà máy phải dừng dây chuyền sản xuất, thậm chí đóng cửa khiến máy móc dần bị hư hỏng. Hiện sản xuất gạch cũng chỉ làm theo đơn đặt hàng chứ không sản xuất rộng rãi vì sợ bị đọng vốn.
Theo khảo sát, nguồn vốn vẫn là bài toán gây nhiều trăn trở cho doanh nghiệp. Mong muốn lớn nhất của các đơn vị là được vay vốn với lãi suất ưu đãi khi sản xuất loại vật liệu mới này. Cùng đó, quy định về tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định tại các Nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan cần được thực hiện nghiệm túc.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống nên người dân chưa hiểu và ngay cả các công trình vốn nhà nước cũng vẫn đang sử dụng vật liệu truyền thống.
Hiện các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn giữ thói quen sử dụng thông số kỹ thuật của gạch đỏ, gạch nung, nên khi đưa dòng sản phẩm mới này vào các công trình thì e ngại sẽ phải thay đổi thiết kế. Mặt khác, vì đây là dòng vật liệu mới nên chủ đầu tư vẫn có tâm lý chần chừ khi lựa chọn.
Thực hiện chưa nghiêm
Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, đến nay Việt Nam đã có 12 nhà máy gạch bêtông khí chưng áp, 30 cơ sở sản xuất bêtông bọt và hơn 100 cơ sở sản xuất gạch ximăng cốt liệu, đưa tổng số gạch không nung lên hơn 6 tỷ viên/năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do chương trình ra đời đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bất động sản đóng băng nên sản phẩm tiêu thụ chậm, nhiều đơn vị chưa nghiên cứu kỹ công nghệ. Việc tiêu thụ chỉ chiếm 27% trong tổng số vật liệu xây dựng, riêng bêtông nhẹ chỉ khai thác dưới 15% công suất.
Ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, nhận xét cách triển khai của các doanh nghiệp chưa đồng bộ. Sản phẩm mới ra đời chưa kịp thời được đưa vào hệ thống tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, định mức vật tư trong công trình xây dựng và các tài liệu hướng dẫn cũng như hệ thống tuyên truyền để người dân hiểu. Do đó, khi sử dụng vẫn bị “vấp” về kỹ thuật.
Hơn nữa, các địa phương, đơn vị tư vấn-thiết kế, nhà thầu xây dựng chưa tuân thủ triệt để Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về việc đưa vật liệu xây dựng không nung vào các công trình.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho hay tại một số nơi sử dụng vật liệu xây không nung, đặc biệt là công trình có vốn nhà nước chưa đạt tỷ lệ 100% như yêu cầu đặt ra. Đối với các công trình này, thời gian tới cần phải kiểm soát nghiêm để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Muốn vậy, các địa phương phải nhập cuộc và thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện những quy định này.
Đây cũng là ý kiến chung của nhiều chuyên gia cũng như cơ quan quản lý. Thậm chí, có ý kiến đề xuất ngoài quy định bắt buộc đưa vật liệu xây không nung vào các công trình sử dụng vốn nhà nước, nhà ở xã hội, nhà cao tầng... thì cần có chế tài cụ thể để tăng tính nghiêm minh khi thực hiện giám sát.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất, yêu cầu đặt ra là phải đăng ký công khai nhãn mác, chất lượng và sản phẩm cung cấp ra thị trường phải đúng chất lượng sản phẩn theo tiêu chuẩn quốc gia.
Ông Lê Hoài An, Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch Khang Minh chia sẻ bên cạnh các giải pháp để tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung, bản thân các doanh nghiệp sản xuất loại hàng hóa này cần tập hợp để có chung tiếng nói trong định hướng phát triển. Từ đó, hướng tới mục tiêu thỏa mãn giá trị đích thực và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Khi ấy, sản phẩm vật liệu xây không nung sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xây dựng, ông An kỳ vọng.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu mới, thân thiện với môi trường thì việc giảm thuế VAT là cần thiết. Do đó, các địa phương cũng nên xem xét việc thực thi chính sách ưu đãi miễn giảm thuế đất xây dựng nhà máy. Điều này cũng góp phần giúp doanh nghiệp bớt gánh nặng trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn./.
- 217
- By Admin
- 11/04/2014
- 17