• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Gian nan bảo tồn không gian phố cổ Hà Nội

Bảo tồn, vẫn chỉ nằm trên giấy

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 100 ha với dân số 84.600 người nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm. Đây vừa là nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước cũng vừa là nơi có hoạt động thương mại diễn ra sôi động và còn lưu giữ nhiều giá trị vật thể, phi vật thể mà không phải khu phố cổ nào trên thế giới cũng có được. Vì vậy, đã có nhiều văn bản quan trọng của Trung ương và Hà Nội liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội.


Năm 1994, Bộ Chính trị đã có Thông  báo số 72-TB/TW về một số vấn đề quy hoạch, xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó nói rõ “việc bảo tồn phố cổ là cần thiết, nhưng phải xem xét, xác định phạm vi bảo tồn hợp lý. Giữ mặt ngoài các khu phố này những cảnh quan, dáng vẻ kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ. Mặt khác, phải cải tạo, nâng cao điều kiện sống và làm việc bên trong các khu phố này theo kịp mức sống văn minh, hiện đại”. Sau đó, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban quản lý phố cổ Hà Nội, ban hành các văn bản quy định về quản lý, bảo tồn, hợp tác để thu hút đầu tư, tôn tạo một số công trình đặc trưng của phố cổ. Cũng đã có rất nhiều cuộc hội thảo để bàn thảo cách bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên công cuộc bảo tồn phố cổ dường như mới chỉ dừng lại ở đó.

Trong một buổi làm việc mới đây với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, người đứng đầu thành phố Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị thực sự không hài lòng với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm do chưa phát huy được tính chủ động của các cấp chính quyền cơ sở; chưa tạo được cơ chế gắn kết quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân sống trong khu phố cổ với việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích, phát huy các giá trị của khu phố cổ. “Cách đây hai năm, tôi đã có dịp làm việc với Quận về vấn đề này, đã có sự chỉ đạo cụ thể. Nhưng hôm nay ngồi tại đây, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy các công trình có giá trị văn hóa ở khu phố cổ đang hàng ngày, hàng giờ xuống cấp nhiều hơn rất nhiều những công trình được tôn tạo”, Bí thư Thành ủy day dứt.

Chủ động cùng dân bảo tồn, tôn tạo phố cổ

Đó là yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, phải làm sao để cộng đồng dân cư hiểu được rằng họ có thể sống bằng chính di sản phố cổ - tài sản quốc gia. Để cùng với quận Hoàn Kiếm làm tốt hơn công tác quản lý khu phố cổ, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm xây dựng các quy hoạch cụ thể trên cơ sở các quy hoạch đã có. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, phân loại các khu phố, tuyến phố, các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử theo mức độ quan trọng trong việc quản lý, bảo tồn để đầu tư tu bổ, tôn tạo cho phù hợp. Đặc biệt, phải chỉ ra ngay những ngôi nhà, tuyến phố nào do nhà nước đầu tư, ngôi nhà nào do người dân tự làm để giữ gìn giá trị văn hóa của phố cổ.

Theo Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị, đối với những tuyến phố, ngôi nhà có tính chất đại trà, không phải là tiêu biểu về kiến trúc, văn hóa, nhất là những ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhà ở phía trong các tuyến phố, quận Hoàn Kiếm cần tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục, quy định để nhân dân có thể dễ dàng mua bán, chuyển nhượng, cải tạo, tu bổ, nâng cao chất lượng, giúp người dân cải thiện điều kiện sống. Bên cạnh đó cần quản lý chặt chẽ và có chính sách đầu tư thỏa đáng đối với những khu vực trọng điểm, công trình trọng điểm; hướng dẫn nhân dân và các tổ chức trong việc bảo tồn, tôn tạo và cải tạo theo kiến trúc được duyệt. Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các dự án trong khu phố cổ, trong đó có cải tạo hệ thống thoát nước và hè phố trong khu vực phố cổ.

 

Dãn dân để bảo tồn phố cổ

Theo tổng kết khảo sát, điều tra số liệu phục vụ cho việc dãn dân khu phố cổ mới đây thì có khoảng trên 24.000 dân trong diện cần di chuyển ra khỏi khu vực phố cổ. Qua khảo sát, điều tra 953 hộ (trong đó có 577 hộ dân đang sống tại các di tích, 63 hộ sống tại các công sở, 14 hộ sống tại các trường học, 182 hộ ở các ô phố thí điểm, 117 hộ ở các khu vực phố cổ khác) thì chỉ có khoảng 15,9 % hộ dân đồng ý di chuyển sang khu đô thị mới Việt Hưng (huyện Gia Lâm). Ông Hoàng Công Khôi, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, có 6 đối tượng ưu tiên di chuyển khỏi khu vực phố cổ là: các hộ đang sống trong các di tích đã được xếp hạng và chưa xếp hạng; các hộ đang sống trong khuôn viên quản lý của các công sở, trường học; các hộ đang sống trong khu vực cần giải phóng mặt bằng cho các dự án của thành phố và quận; các hộ đang sống trong công trình có nguy cơ sụp đổ; các hộ sống tại các công trình cần dỡ bỏ để trả lại diện tích công cộng chung cho các số nhà, khu vực nhằm cải thiện môi trường sống và các hộ tự nguyện di dời.

Ông Khôi cho biết, sau khi có chủ trương của UBND thành phố và  giao cho UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư Dự án dãn dân phố cổ, UBND thành phố tiếp tục có văn bản chỉ đạo việc lập quy hoạch và dự án khu đô thị mới tại xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm trong đó có nêu “sau khi dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật được duyệt, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) phải tập trung xây dựng ngay hạ tầng kỹ thuật khu vực 28,6 ha để bàn giao cho UBND quận Hoàn Kiếm phục vụ cho việc dãn dân phố cổ”. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã có văn bản về việc nghiên cứu lập Dự án khu phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng - Gia Lâm trong đó có Dự án dãn dân phố cổ theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt với tổng diện tích 22,73 ha. Tuy nhiên đến ngày 14/11/2004, Tổng công ty HUD mới chỉ được giao 13,7ha để triển khai Dự án này và đến ngày 1/12/2008, UBND quận Hoàn Kiếm mới chính thức nhận bàn giao 6,75ha  từ Tổng công ty HUD để thực hiện Dự án dãn dân phố cổ. Chính sự ách tắc trong việc bàn giao đất dãn dân của Tổng công ty HUD và sự thiếu chủ động của UBND quận Hoàn Kiếm đã làm cho tiến độ thực hiện cải tạo khu phố cổ bị chậm trễ.

 

“Phải làm sao để cộng đồng dân cư hiểu được rằng họ có thể sống bằng chính di sản đó; điều đó đồng nghĩa với việc người dân bảo vệ tốt được di sản bao nhiêu thì chất lượng cuộc sống của họ sẽ ngày càng được cải thiện, được nâng lên bấy nhiêu”.

Giáo sư sử học Phan Huy Lê

Để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả Dự án dãn dân phố cổ, đồng chí Phạm Quang Nghị yêu cầu, Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phải nhanh chóng xem xét, bố trí đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu dãn dân. Vấn đề này phải làm thật nhanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quận Hoàn Kiếm thực hiện Dự án dãn dân Phố cổ đúng tiến độ. Đồng thời, quận Hoàn Kiếm phải thật sự chủ động hơn nữa, cùng với UBND thành phố, các sở ngành có liên quan đưa ra được những cơ chế chính sách phù hợp, động viên người dân trong diện dãn dân phố cổ đến nơi ở mới. Trước mắt, phải động viên, tuyên truyền nâng cao nhận thức về yêu cầu bảo tồn Khu phố cổ gắn với nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân đang sống trong khu phố cổ. Điều quan trọng là quận Hoàn Kiếm phải phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu thiết kế công năng sử dụng trong khu đô thị mới dãn dân sao cho phù hợp với cuộc sống và sinh hoạt của người dân phố cổ. Chỉ có như thế, với những ưu thế về diện tích, công trình công cộng, thiết kế phù hợp, người dân ở phố cổ sẽ đồng thuận với Nhà nước sang nơi ở mới vì lợi ích của Thủ đô nói riêng và lợi ích của đất nước nói chung trong việc nâng tầm giá trị văn hóa lịch sử của một Thủ đô 1000 năm văn hiến và đủ sức làm nên một khu phố mới với cái “chất” của người dân phố cổ.

 

Theo Báo Xây dựng
  • 240
  • By Admin
  • 03/03/2009
  • 17