• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giãn dân phố cổ Hà Nội: Cần dân chủ và minh bạch

Theo kế hoạch đặt ra, đến cuối năm 2015, 1.800 người đang sinh sống tại các di tích, trường học, hộ quá đông người... ở khu phố cổ Hà Nội sẽ di chuyển đến nơi ở mới. Đây là giai đoạn 1, khởi đầu cho việc thực hiện mục tiêu giảm mật độ dân phố cổ từ 840 người/ha còn 500 người/ha vào năm 2020. Vấn đề mấu chốt để thực hiện đề án này thành công là gì? Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư và cũng là một người dân phố cổ, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có cuộc trao đổi cởi mở về vấn đề này với chúng tôi.

- Ông hãy cho biết cách nhìn nhận của mình đề án giãn dân phố cổ Hà Nội?

Nhu cầu của người dân phố cổ được cải thiện chỗ ở, môi trường sống là chính đáng và cấp bách. Mật độ dân số ở phố cổ hiện nay rất cao, có những hộ gia đình có rất đông người nên phải sống trong điều kiện chật hẹp, chất lượng cuộc sống rất thấp. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, chủ trương giãn dân chỉ là một trong nhiều giải pháp và cũng nên nhìn nhận, giãn dân phố cổ không phải là sự dịch chuyển cơ học về dân số. Theo tôi, đây còn là sự di chuyển về lối sống, văn hóa. Phố cổ có cách đây vài thế kỷ và đến nay có gần 7 vạn người đang cư trú. Văn hóa Tràng An được tích tụ, chắt lọc qua rất nhiều thế hệ. Thế nên khi thực hiện đề án giãn dân, các cơ quan chức năng không chỉ quan tâm đến vấn đề chính sách mà còn phải lưu tâm đến cả việc di chuyển văn hóa, lối sống, khả năng thích nghi.

Giãn dân phố cổ Hà Nội: Cần dân chủ và minh bạch | ảnh 1
Đền Bạch Mã sau khi trùng tu.

- Một trong những vấn đề mà người dân thuộc diện di dời và cả những người quan tâm đến phố cổ Hà Nội đều muốn biết là sau giãn dân, diện mạo phố cổ sẽ như thế nào, cá nhân ông có ý kiến gì về việc này?

Đề án giãn dân phố cổ được đưa ra từ năm 1998, tại sao suốt 12 năm qua chưa thực hiện được? Mấu chốt vấn đề ở đây là lợi ích. Ai là chủ sở hữu phố cổ Hà Nội? Nhà nước, người dân phố cổ hay là một nhóm người nào đó? Cần phải rất thẳng thắn, minh bạch và có phản biện xã hội để nhà quản lý, người làm chính sách, học giả và đặc biệt là người dân phố cổ lên tiếng. Tôi đồng ý với quan điểm, tất cả những hộ dân đang sống ở phần đất lấn chiếm di tích, trường học phải bị cưỡng chế di chuyển. Theo Hiến pháp, mọi công dân đều có quyền lựa chọn chỗ ở và Luật Di sản cũng quy định, không ai được phép xâm phạm di sản. Từng có thời kỳ, chỗ này, chỗ kia buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm di tích nên mới có việc, người ta biến di tích thành nhà. Nhà nước ta rất nhân đạo khi yêu cầu họ di chuyển và tạo điều kiện về chỗ ở cho họ.

- Nếu nói như vậy thì bản thân ông có đưa ra giải pháp nào để bảo tồn phố cổ không?

Năm 1996, Hà Nội có cuộc bàn thảo về quản lý phố cổ. Hai năm sau, thành phố cho ra đời quy định tạm thời về quản lý phố cổ. Nếu chúng ta cứ "tạm thời" như vậy sẽ khó làm thay đổi được cách quản lý phố cổ sao cho phù hợp. Cần phải xác định, khu phố cổ có giá trị gì? Theo tôi, phố cổ Hà Nội là một không gian đô thị cổ với những ô phố hình ô cờ, nhà ống truyền thống. Những ngôi nhà trên phố cổ chỉ nên gọi là nhà cũ chứ không phải nhà cổ. Cần thay đổi quan điểm bảo tồn khu phố cổ. Những công trình nào có đặc trưng về kiến trúc, có niên đại, gắn với danh nhân... nên bảo tồn, giữ gìn. Có thể, có những đoạn phố cần phải phá bỏ để xây dựng những không gian xanh, không gian công cộng, nhà cao tầng (tùy từng trường hợp để có độ cao phù hợp) để tái định cư tại chỗ cho người dân phố cổ. Phố cổ tồn tại bởi chính người dân phố cổ vì họ là người tạo ra nó, tạo ra sự sống động của phố cổ. Phố cổ là một di sản đặc biệt và cần tôn trọng người dân phố cổ.

- Ông kỳ vọng gì vào đề án giãn dân phố cổ?

Để bảo tồn phố cổ cần phải thay đổi tư duy, cách làm. Khi thực hiện giãn dân cần phải tính đến cả khả năng, người dân sẽ quay về. Tôi thấy có ý kiến cho rằng, sẽ xây dựng một khu phố cổ 2 ở nơi tái định cư cho người dân phố cổ. Về vấn đề này, tôi cho rằng khó thực hiện bởi văn hóa cần có thời gian chứ không thể thực hiện được trong một chốc, một lát. Tôi cũng nghĩ rằng cần có các cuộc hội thảo để tìm ra tư duy mới, những đóng góp cần thiết cho đề án. Dù có những băn khoăn nhưng tôi vẫn mong rằng đề án được triển khai thuận lợi. Tôi tin rằng khi thực hiện một cách dân chủ và minh bạch, vấn đề này sẽ giải quyết.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Năm 1998, UBND TP Hà Nội lập đề án giãn dân phố cổ. Ngày 13/7/2011, UBND TP Hà Nội quyết định thành lập tổ nghiên cứu cơ chế giãn dân phố cổ với 11 thành viên do ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm làm Tổ trưởng. Trước ngày 15/8/2011, tổ nghiên cứu cơ chế giãn dân phố cổ sẽ trình thành phố nội dung chi tiết thực hiện đề án.

"Chung cư giãn dân phố cổ - Mỏ vàng lộ thiên"

Trong khi phê duyệt chi tiết về giãn dân phố cổ như chế độ chính sách, nơi tái định cư... chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt thì trên các trang mạng mua bán bất động sản đã rao bán chung cư giãn dân phố cổ với những lời mời chào - Mỏ vàng lộ thiên. Theo những gì quảng cáo ở đây thì, chung cư giãn dân phố cổ nằm trong khu đô thị Việt Hưng, giá gốc 14 triệu/m2, giá bán từ 15-15,5 triệu/m2 với phương thức đặt cọc 100 triệu đồng sau 3-5 ngày chủ đầu tư ký hợp đồng góp vốn... Đáng chú ý là có những trang mạng còn đăng tải chi tiết, chung cư giãn dân phố cổ gồm 16 tòa nhà cao 9 tầng, mỗi tầng 14-26 căn... Trước những thông tin này, đề nghị người tiêu dùng hãy cẩn trọng.

(Theo CAND)

  • 0
  • By Admin
  • 25/07/2011
  • 17