• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giảm thuế "cứu" BĐS: Nhiều đại biểu quốc hội chưa đồng tình

Thông cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), nhưng ông Chu Sơn Hà (ĐBQH TP.Hà Nội) vẫn rất băn khoăn: “Giải phóng vốn cho nhà kinh doanh bất động sản bằng ngân sách vẫn là một vòng luẩn quẩn”. Vì thế, vị này đề nghị Ban soạn thảo và Chính phủ phải báo cáo tác động của chính sách này.

 

 


Đặc biệt, trong điều kiện từ 1/7, Luật Thủ đô có hiệu lực với nhiều chế định liên quan hạ tầng cấp thoát nước, điện, hạ tầng xã hội, “nếu chia nhỏ các căn hộ (với số lượng tồn cuối năm 2012 là 20.000 căn hộ, trong đó có 5.200 căn hộ thấp tầng) thành căn hộ dưới 70m2 và giá thành 15 triệu đồng/m2 sẽ không phù hợp với Luật này, gây sức ép cho hạ tầng cơ sở, thiệt hại cho ngân sách dù về hình thức là để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở và “phá băng” thị trường bất động sản” – ông Hà lưu ý.

Cùng quan điểm, ông Phan Đình Trạc (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cũng cho rằng, chia nhỏ căn hộ liên quan đến hệ số kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến kết cấu công trình. Hơn nữa, một số đại biểu cũng nhận thấy sự bất khả thi trong qui định này, vì “không dễ để chuyển đổi nhà thương mại thành nhà xã hội vì đầu tư cho nhà thương mại lớn hơn rất nhiều nhà xã hội nên khó đạt giá 15 triệu đồng/m2”.

Chưa hoàn toàn “nhất trí” với giải pháp được cho là để “cứu doanh nghiệp bất động sản” này, ông Nguyễn Hồng Sơn (ĐBQH TP.Hà Nội) đặt vấn đề, số lượng doanh nghiệp ngừng và chuẩn bị ngừng hoạt động tăng so với năm 2012 nhưng chưa có thống kê ngành nghề nào có doanh nghiệp giải thể lớn nhất, mà “chưa chắc đó là những doanh nghiệp bất động sản”.

Thậm chí ông Trần Ngọc Vinh (ĐBQH TP.Hải Phòng) còn bức xúc: “Khi kinh doanh có lãi, các doanh nghiệp bất động sản có hoàn thành các nghĩa vụ tài chính không và có đóng góp gì cho xã hội không hay chỉ vào túi cá nhân, mà giờ làm ăn không được Nhà nước phải giải cứu”?

Một số ĐBQH các tỉnh Nghệ An, TP.Hải Phòng cũng bày tỏ băn khoăn với qui định điều kiện “dưới 70m2 và 15 triệu đồng/m2” áp dụng chung cho toàn quốc khi nhu cầu và thị trường nhà đất ở các địa phương là không giống nhau. Ông Trạc cho rằng, “chủ yếu Hà Nội và Tp.HCM mới khó khăn về nhà ở, chứ các tỉnh thì điều kiện đáp ứng được” nên cần tính toán lại qui định ưu đãi thuế giá trị gia tăng này.

Còn theo bà Hồ Thị Thủy (ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc), luật là phải lâu dài nên những qui định chỉ là giải pháp tình thế như qui định giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra (từ 1/7/2013 đến 30/6/2014) đối với các hợp đồng bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội đã hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 có giá bán 15 triệu đồng/m2 này chỉ nên để Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng, chứ không nên đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng như hiện nay.

Thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhiều ĐBQH đã “lên tiếng” đề nghị “có ưu đãi đặc thù dành cho báo chí”. Bà Nguyễn Thị Thùy Trang (ĐBQH Tp.HCM) cho rằng, “sửa đổi lần này đưa ra thuế suất TNDN ưu đãi đối với báo chí giảm xuống 10%. Báo chí cũng rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền và kinh doanh có lãi. Ưu đãi thuế TNDN chỉ có ý nghĩa với những báo đang có lãi, còn không ít báo đang gặp khó khăn, không có lãi thì ưu đãi thuế TNDN không có ý nghĩa gì nên đề nghị hỗ trợ cho báo in bằng cách giảm chi phí đầu vào, đưa những vật tư đầu vào in báo vào danh mục chịu thuế giá trị gia tăng 5%”.

  • 152
  • By Admin
  • 22/05/2013
  • 17