Giám sát đầu tư công đang bị buông lỏng
Tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản đang diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc trong dư luận. Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm, thất thoát lên tới hàng trăm tỷ đồng trong các dự án đầu tư xây dựng ở một số địa phương, tổng công ty Nhà nước. Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng này.Buông lỏng quản lý
Theo Báo cáo Kiểm toán năm 2008 của Kiểm toán Nhà nước, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún vẫn chậm được khắc phục, dẫn tới nhu cầu vốn cho các dự án vượt quá khả năng ngân sách, nhiều dự án phải kéo dài thời gian đầu tư. Chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế nên khi thực hiện dự án phải nhiều lần thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán làm ảnh hưởng đến công tác kế hoạch hóa vốn đầu tư; kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Ví dụ Dự án Trường cao đẳng xây dựng Nam Định điều chỉnh tới 3 lần, tổng mức đầu tư tăng 561%; Dự án quốc lộ 53 đoạn qua Vĩnh Long tăng gần 445 tỷ đồng, tương ứng tăng 278%; dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội - Dự án II gây lãng phí ngân sách Nhà nước 1,430 tỷ đồng...
Kết quả này cho thấy, công tác quản lý và giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại các dự án đang bị buông lỏng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các cơ quan đầu mối như các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế không có báo cáo giám sát và đánh giá dự án đầu tư hoặc có nhưng không đạt yêu cầu; nội dung các báo cáo sơ sài, thiếu số liệu và phân tích đánh giá tình hình, chưa đề xuất các biện pháp cụ thể. Ông Nguyễn Ngọc Long, Trưởng phòng giám sát thẩm định dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, thừa nhận: “Ngay từ khi hình thành dự án, doanh nghiệp, nhà thầu đã hăng hái vào cuộc rồi. Họ đi từ A đến Z, gần như thay thế cả chủ đầu tư, thay thế cả ban quản lý dự án. Chủ đầu tư chẳng có trách nhiệm gì, chỉ có việc ngồi chơi xơi nước”. Ông Long thẳng thắn: “Tổng mức đầu tư của dự án càng lớn thì lợi ích các bên càng tăng lên, mà không cần biết hiệu quả của nó thế nào”.
Cần phân rõ trách nhiệm của chủ đầu tư
Chỉ ra những tồn tại, ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, ở địa phương hiện có nhiều cái khó, chủ đầu tư thường là hiệu trưởng các trường, giám đốc các trung tâm, bệnh viện... đều không có chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý đầu tư. Trong khi đó, cán bộ của sở thì không đủ cả về số lượng cũng như nghiệp vụ để kiểm tra, giám sát.
Cùng quan điểm này, ông Trần Khánh Toàn - đại diện Bộ Công thương, dẫn chứng, Bộ Công Thương mỗi năm có khoảng hơn 4.000 dự án được triển khai. Với số lượng dự án này, Bộ không thể tổ chức kiểm tra giám sát toàn bộ được. Do vậy, cần có cơ chế giám sát, quản lý cụ thể của chính mỗi chủ đầu tư và mỗi doanh nghiệp. “Việc giám sát, đánh giá dự án không phải chỉ là việc của cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn là của các tập đoàn, các tổng công ty và kể cả bản thân doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước mà giám sát tất cả các dự án thì tôi nghĩ là không có bộ máy nào có thể làm được” - ông Toàn nói. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư hiệu quả, yếu tố quan trọng là phải chú trọng vào chủ đầu tư, ràng buộc trách nhiệm cụ thể và rõ ràng đối với chủ đầu tư mỗi dự án.
Nhiều ý kiến chuyên gia trong ngành cho rằng, chế tài thì đã đủ mạnh nhưng vấn đề thực hiện sao cho hiệu quả vẫn còn là một câu hỏi. Bởi thực tế ở nhiều bộ cho thấy, mặc dù có sự đôn đốc, công văn chỉ đạo mà chủ đầu tư vẫn không chịu nộp báo cáo giám sát nhưng cũng không kỷ luật được. Chẳng hạn, với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp Sở lập ra một ban quản lý, gọi là chủ đầu tư nhưng giám đốc đơn vị chủ đầu tư lại do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định nên khi xảy ra sai phạm, Sở muốn thuyên chuyển ông giám đốc đó cũng rất khó./.
Theo VOV
- 0
- By Admin
- 07/08/2009
- 17