Giám sát cho vay bất động sản: Có bớt bong bóng?
“Cần phải biết rõ nguồn vốn đang đổ vào khu vực nào, biểu hiện của thị trường bất động sản khu vực ấy ra sao thì mới giám sát được”, ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết.Dư địa cho vay còn lớn
“Ví dụ mức khống chế là 10% cho vay bất động sản trong năm 2010 và tăng trưởng tín dụng năm 2010 đạt 25% thì hệ thống ngân hàng còn 1,7% mức tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm để cho vay bất động sản. Dư địa này là khá lớn. Thực tế, năm 2009, dư nợ tín dụng bất động sản đạt xấp xỉ 200.000 tỉ đồng, tương đương 11,76% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế”, ông Thành cho biết.
Với tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm gần 8% và dư nợ cho vay bất động sản chiếm 10% trong tổng dư nợ tín dụng, tương đương 192.000 tỉ đồng, ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa trong lĩnh vực này.
Còn phía ngân hàng, việc đẩy mạnh cho vay bất động sản trong bối cảnh lãi suất đang cao như hiện nay giúp họ giải quyết chuyện tăng trưởng tín dụng. Về phía doanh nghiệp bất động sản, việc siết lại tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sẽ khiến nhiều doanh nghiệp ngành này gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn tại Hà Nội cho biết, công ty ông đang có nhu cầu vay 20 tỉ đồng để kinh doanh bất động sản nhưng ngân hàng không khuyến khích vay trong lĩnh vực này. Chính thực tế này, lãi suất liên quan đến bất động sản luôn cao hơn lãi suất cho vay bình thường, có khi lên tới 4 – 7%/năm khi ngân hàng được phép cho vay thoả thuận.
Phải chịu lãi suất cao hơn, nhưng với một số người biết chớp thời cơ, lợi nhuận vẫn hấp dẫn. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Với đợt sốt đất ở một số khu vực dọc đường Láng – Hoà Lạc, huyện Gia Lâm, quận Tây Hồ, Ba Vì (Hà Nội… hơn một tháng trở lại đây, tâm điểm là với mức tăng nóng 35 – 40%, thì lãi suất 17 – 18%/năm của ngân hàng vẫn đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư bất động sản”.
Thực thi thế nào?
Việc siết lại hoạt động cho vay bất động sản của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước nhằm nhắc nhở các ngân hàng chú trọng, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất, khu vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời tránh những tác động xấu đối với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế nếu có bong bóng bất động sản.
Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20.5.2010 của ngân hàng Nhà nước về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng nêu rõ các khoản cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản thuộc loại tài sản “có” có hệ số rủi ro bằng 250% (cao). Tài sản “có” có hệ số rủi ro bằng 0% gồm tiền mặt; vàng; tiền gửi tại ngân hàng Chính sách xã hội…
Về phía hiệp hội Ngân hàng, bà Dương Thu Hương, tổng thư ký cũng khẳng định, việc hạn chế cho vay bất động sản là hợp lý. Nhưng giám sát và quản lý ra sao thì ngân hàng Nhà nước còn phải cân nhắc, dựa vào tình hình thực tế của nền kinh tế.
Ông Võ Trí Thành cũng cho rằng, việc áp mức tỷ lệ cố định là 10%, 15% đối với lĩnh vực cho vay bất động sản là rất khó. Bởi trong điều kiện, tình hình kinh tế vĩ mô khác nhau thì tỷ lệ cho vay bất động sản cũng phải khác nhau, chứ không phải năm nào cũng là mức tỷ lệ cụ thể như vậy.
Tuy ông Nguyễn Ngọc Bảo, vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ ngân hàng Nhà nước khẳng định trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 rằng những biến động trên thị trường bất động sản trong thời gian qua không có nguồn gốc từ hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực này, song với các chuyên gia kinh tế như ông Võ Trí Thành hay các nhà phân tích, khó thuyết phục nếu không đưa ra số liệu cụ thể cho vay từng khu vực.
Còn theo ông Hoàng Việt Phương, phó giám đốc khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng Hàng hải Việt Nam, các khoản cho vay bất động sản của các ngân hàng thể hiện rất rõ trong hợp đồng tín dụng. Ông Phương cho hay, nếu cho vay tiêu dùng, hạn mức tín dụng chỉ là 100 triệu đồng, nếu cao hơn thì phải giải trình mục đích sử dụng. Nếu ngân hàng nào cố tình ghi cho vay bất động sản dưới hình thức tiêu dùng, thanh tra ngân hàng Nhà nước sẽ phát hiện ra và xử phạt.
Từ trước tới giờ ngân hàng Nhà nước chưa có một chế tài cụ thể nào xử lý các ngân hàng thương mại khi vi phạm cả. Nói như vậy để hiểu rằng, việc nhắc nhở của ngân hàng Nhà nước chỉ mang tính răn đe và đến lúc phải đưa ra chế tài cụ thể.
Theo SGTT
- 243
- By Admin
- 09/06/2010
- 17