Giảm diện tích canh tác, tăng hiểm họa môi trường
Giữa tháng 8-2008, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản kiến nghị trung ương theo định hướng từ nay đến năm 2010-2015 xây dựng dự án sân golf rộng khoảng 200 ha nằm trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.Sân golf “nuốt chửng” cù lao, đầm, hồ...
Hồ Dầu Tiếng đang cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng chục ngàn hộ dân Tây Ninh và TP.HCM. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, hồ Dầu Tiếng sẽ thành hồ chứa nước thải thuốc trừ sâu và nhiều loại hóa chất khác từ sân golf.
Tương tự, hồ Đạ Ròn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng sẽ được cho phép đầu tư sân golf với 750 ha đất và mặt nước. Cũng ở Lâm Đồng đã cho phép đầu tư dự án sân golf ở hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) trên diện tích hơn 340 ha mặt đất và 280 ha mặt nước.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cù lao cũng được cho làm sân golf như cù lao Thới Sơn (Tiền Giang). Đây là điểm du lịch nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm thu hút hơn 300.000 lượt khách, trong đó 2/3 là khách quốc tế. Cù lao Thới Sơn có diện tích tự nhiên 1.200 ha giữa sông Tiền, gần cầu Rạch Miễu sắp thông xe, có 600 ha cây ăn trái quanh năm... sẽ bị giải tỏa trắng để làm sân golf 36 lỗ. Dự kiến hơn 1.600 hộ dân sẽ được dồn về khu tái định cư ở cuối cù lao.
Tương tự, UBND tỉnh Bến Tre cũng chấp thuận chủ trương đầu tư sân golf trên cù lao Bảo, nằm trong khu vực trồng cây ăn trái đặc sản của huyện Châu Thành, tổng diện tích đất nông nghiệp dự kiến thu hồi hơn 1.500 ha và giao Công ty Bất động sản Phước Kiển - một doanh nghiệp tại địa phương làm chủ đầu tư. Nếu dự án này triển khai thì sẽ có hơn 2.500 nhà vườn bị mất đất.
Hay ở cù lao Giêng (An Giang) - một vùng có cảnh quan thiên nhiên sông nước, vô vàn chủng loại cây trái đặc sản, nơi có nhiều công trình văn hóa và mỹ thuật là di tích quốc gia cũng sẽ biến thành sân golf.
Và tàn phá rừng phòng hộ
Ở phía bắc vùng Tam Đảo, Vĩnh Phúc, khu vực chân đập hồ Xạ Hương cũng được cấp phép sân golf diện tích 137 ha. Đây là khu vực dưới chân núi Tam Đảo, cận kề khu bảo tồn thiên nhiên, có suối, có thác nước tự nhiên... tạo nên cảnh quan rất đẹp, cách Hà Nội hơn 60 km. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Tam Đảo đã dành tới hơn nửa diện tích (90 ha) làm biệt thự.
Ở Ninh Bình có hai hồ đẹp là Yên Thắng và Đồng Thái thuộc huyện Yên Mô phục vụ tưới tiêu cho xã Yên Đồng và vùng phụ cận cũng biến thành sân golf 54 lỗ tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất Việt Nam trên diện tích 3.000 ha. Đương nhiên ở đây không chỉ có sân golf.
Tại trung tâm Hà Nội, bên bờ sông Hồng cũng dành 500 ha ở giữa hai cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì trùm cả ba phường Long Biên, Cự Khối, Thạch Bàn thuộc quận Long Biên và một phần xã Đông Dư thuộc huyện Gia Lâm để xây dựng sân golf Long Biên 36 lỗ...
Cả rừng phòng hộ cũng được cấp phép làm sân golf. Năm 2004, UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép cho Công ty cổ phần AVE xây dựng khu du lịch sinh thái tại khu rừng phòng hộ đầu nguồn Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy) diện tích hơn 300 ha. Nhưng đầu năm nay, tỉnh này lại cấp giấy chứng nhận đầu tư cho công ty trên chuyển sang đầu tư sân golf 36 lỗ và tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng.
Ngay sau đó, cánh rừng này bị chặt phá, hồ nước sinh thủy Đồng Tâm bị san lấp. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, chỉ trong vài tháng đầu năm 2008, rừng đầu nguồn Đồng Tâm đã bị Công ty cổ phần AVE cày xới vượt ra ngoài diện tích được giao, lòng hồ sinh thủy Đồng Tâm bị san lấp làm nghẹt dòng chảy. Khi người dân phản ứng dữ dội, UBND tỉnh Hòa Bình mới ra quyết định đình chỉ hoạt động xây dựng sân golf của Công ty cổ phần AVE và yêu cầu phải đền bù những thiệt hại (gỗ rừng), đồng thời trồng trả lại rừng phòng hộ, khơi thông lòng hồ Đồng Tâm. Từ tháng 5 đến nay, dự án sân golf Đồng Tâm đã bị bỏ hoang.
Tốn kém và độc hại
Thực tế, nhiều ao đầm, cù lao, bờ bãi ven sông, thậm chí ngay cả bên bờ bãi sông Hồng sẽ biến thành sân golf và hàng triệu người dân có nguy cơ sử dụng nước thải... sân golf.
Vì sự tốn kém cho xã hội, độc hại về môi trường, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã chọn ngày 29-4 hàng năm là “Ngày thế giới không có golf” (World no golf day) và thế giới đã có cả một phong trào toàn cầu chống sân golf (The Global Anti-golf Movement). Môn chơi golf được ghi nhận là môn thể thao cực kỳ tốn kém.
Sân golf còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Theo một thống kê, để chăm sóc 1 ha cỏ sân golf hàng năm phải sử dụng đến 1,5 tấn hóa chất, cao gấp ba lần cùng diện tích đất nông nghiệp. Để chăm sóc cỏ trên sân, một sân golf 18 lỗ cần đến khoảng 150 ngàn m3 nước sạch mỗi ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình. Cỏ mặt sân golf cần nhiều nước nhưng lại không chịu được úng, phải làm sao để nước tiêu thoát thật nhanh. Với lượng nước khổng lồ và lượng hóa chất trừ sâu, dưỡng cỏ khổng lồ làm cho môi trường xung quanh không khỏi bị ô nhiễm.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Khuyên - Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM, người có nhiều công trình nghiên cứu về nông nghiệp đánh giá: “Với lượng hóa chất trừ sâu, tăng trưởng dùng cho một sân golf trung bình 1 ha là 1,5 tấn, trong đó có axit xilic, ôxít nhôm và ôxít sắt là các tác nhân có tiềm năng gây ung thư. Chất xúc tác làm cứng đất để gia cố nền và bờ các hồ nhân tạo ở sân golf có sử dụng acrylamide là một chất cực độc. Hóa chất ngấm xuống đất và nguồn nước ngầm khiến người dùng nước có thể bị nhiễm độc và rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Do ảnh hưởng của sử dụng hóa chất trong sân golf, gần như không thể thực hiện được chương trình quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM) tại các diện tích canh tác nông nghiệp xung quanh”. Tiến sĩ Khuyên nhấn mạnh: “Hóa chất không chỉ ngấm vào đất theo nguồn nước mà còn phát tán vào không khí!”.
Giáo sư Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Chính phủ:
Trong quá trình công nghiệp hóa, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là tất yếu nhưng phải do nhu cầu phát triển. Lấy đất nông nghiệp làm sân golf hiện nay là theo phong trào, thiếu sự cân nhắc lợi, hại. Số lượng sân golf hiện quá nhiều và danh sách đề xuất lấy đất canh tác xây sân golf còn hơn 100 dự án, hơn 120 ngàn ha (tổng diện tích đất canh tác của đồng bằng sông Hồng chỉ 800 ngàn ha - PV).
Nếu động cơ làm sân golf để đầu cơ bao chiếm đất thì sẽ rất khó quản lý trong tình hình luật pháp đất đai vẫn còn nhiều kẽ hở. Thực tiễn đầu tư xi măng lò đứng, gạch tuy nen, nhà máy đường cần rút ra bài học cho đầu tư các dự án sân golf. Vấn đề đặt ra: Ai sẽ đảm bảo sự cân đối vĩ mô này trong đầu tư?
Theo Pháp Luật TP
- 0
- By Admin
- 15/09/2008
- 17