Giair ngân chậm gói 30.000 tỷ: Lỗi do người dân tìm hiểu chậm?
Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - cho hay sẽ “phía Bộ đã có hướng dẫn về đối tượng thu nhập thấp rõ ràng” rồi. Song quy định ở văn bản nào thì phải đợi “tra cứu lại, nhưng trong ngày một ngày hai tới Bộ Xây dựng sẽ có văn bản hướng dẫn về vấn đề này thật chi tiết, cụ thể hơn nữa.” Có thể thấy, đến lãnh đạo ngành còn không nhớ hướng dẫn nằm ở đâu thì dân thường cũng khó lòng biết được. Do đó, càng không thể “tìm hiểu, cân nhắc các lợi ích, khả năng tài chính, trả nợ…” như VnEconomy trích lời Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng được.
Bình thường ra, chuyện chậm triển khai chính sách, văn bản cũng không phải là câu chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Ngay như gói gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng (có hiệu lực từ ngày 1/6/2013 theo hai Thông tư của Bộ Xây dựng và NHNN) khi chính thức xuất hiện cũng đã chậm 5 tháng theo chỉ đạo từ Nghị quyết 02 của Chính phủ (có hiệu lực từ đầu tháng 1/2013). Thế nhưng, nếu không phải trong Thông tư còn chứa một quy định “bất thường” thì nếu có phải tiếp tục ăn món “mầm đá” này cũng chỉ thấy tư vị nhàm. Theo Thông tư 11 của Bộ Xây dựng, thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay “tối đa 10 năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp, nhưng không vượt quá thời điểm 01/06/2023.” Như vậy có nghĩa là, thời gian “tìm hiểu” càng lâu thì cũng có nghĩa người dân càng thiệt thòi bấy nhiêu. Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, chỉ trong vòng 10 ngày triển khai việc cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã phê duyệt cho hơn 10 doanh nghiệp vay 9.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30% của gói 30.000 tỷ). Như vậy, phần doanh nghiệp được thụ hưởng được hết. Giờ còn khoảng 21.000 tỷ thuộc về người dân. Nhưng hướng dẫn nay vẫn mờ mịt.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến được tổ chức tại Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - tiếp tục đưa ra tính toán đầy khó hiểu về đối tượng có khả năng thụ hưởng gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng (thực tế chỉ có 21.000 tỷ đồng). Tính toán của ông dựa trên giả định rằng nhóm này sẽ tìm đến những căn hộ diện tích 30 - 70m2. Chọn mức tối thiểu là 30m2 với giá 8,5 triệu/m2 thì toàn bộ căn hộ vào khoảng 250 triệu, mỗi tháng sẽ trả khoảng 1,8 triệu lãi 6%, những tháng đầu tiên chỉ phải trả là 2,8 triệu thì mỗi gia đình thu nhập 5 - 6 triệu/tháng vẫn có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, đây lại là một tính toán hoàn toàn vô nghĩa bởi Luật nhà ở hiện hành quy định mỗi căn hộ chung cư phải có diện tích sàn xây dựng không thấp hơn 45m2. Hơn nữa, cũng không hiểu ông Nam tìm đâu được căn nhà có giá 8,5 triệu đồng/m2 trong khi Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định “các dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội bắt đầu triển khai với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì sẽ có giá dưới 12 triệu đồng/m2”, tức là trong vòng 5 năm tới khi dự án hoàn thành thì mới xuất hiện những căn nhà như vậy (xét trong trường hợp không có biến động thị trường đáng kể). Như vậy, tính toán này còn không có nổi tính chất tham khảo.
Câu chuyện “ngồi trên trời mà làm chính sách” đã được bàn đến nhiều lần, nhưng nay lại lấy “độ thẩm thấu” của người dân ra để biện giải cho việc chậm triển khai hai Thông tư đã ra đời và có hiệu lực thì thực khó hiểu. Nếu các ngân hàng thực sự “tạo điều kiện tối đa để người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng gói này” theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng thì không thể xuất hiện những lời than thở kiểu như ngân hàng “không biết thu nhập của tôi có phải thu nhập cao không” hay trốn tránh thoái thác phóng viên đến tường minh bằng những lý do hiển nhiên không thể được nhà trường chấp nhận cho việc học sinh không làm bài tập: “Nhân viên phụ trách lĩnh vực này đang họp nên sau khi họp xong sẽ điện lại” (theo Thanh niên). Xét theo thực tế đó, giữa lời cam đoan sẽ không có tiêu cực trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam và lời úp mở “chuyện một anh làm nhà và một anh cấp vốn thông đồng cùng nhau” là không thể loại trừ của TS Cao Sỹ Kiêm (cựu Thống đốc NHNN) nói trên báo Đại đoàn kết, người dân sẽ tin bên nào hơn, không khó để dự kiến được.
- 169
- By Admin
- 29/06/2013
- 17