Giải quyết vướng mắc trong đền bù GPMB: Phải bám sát dân
Đoạn đường thi công đi qua xã Tân An đang bị đình trệ thi công |
Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền đã có những giải pháp thỏa đáng cùng nhiều chính sách bảo đảm quyền lợi của người dân sau khi bị thu hồi đất thì ở nhiều địa phương, một bộ phận nhỏ người dân vẫn có những hành vi cản trở, chống đối nhà thầu và sự việc càng trở lên phức tạp khi chính quyền địa phương vào cuộc muộn màng. Bài học ở Văn Bàn - Lào Cai vừa qua đã minh chứng để công tác đền bù giải phóng mặt bằng đạt kết quả tốt bên cạnh đảm bảo quyền lợi của người dân theo đúng quy định của pháp luật thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng như luôn phải bám sát dân là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của các dự án.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cao (giai đoạn 1) có tổng chiều dài toàn tuyến là 264km qua 5 địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Trong đó, đoạn đi qua địa phận Lào Cai có chiều dài 56,9km (bao gồm cả đường nhánh, rẽ) gồm: TP. Lào Cai và các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 2.481 hộ. Xác định đây là một công trình trọng điểm quốc gia nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Lào Cai chú trọng đẩy nhanh tiến độ đền bù, sớm giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số hộ dân tại xã Tân An và Tân Thượng của huyện Văn Bàn (Lào Cai) không đồng ý với mức giá đền bù, gây cản trở nhà thầu thi công với quy mô ngày càng lan rộng và diễn biến phức tạp khiến Văn Bàn trở thành điểm nóng về đền bù, giải phóng mặt bằng của Lào Cai - địa phương được đánh giá có tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhanh nhất trong toàn tuyến.
Bức xúc nhỏ - Bùng phát lớn
Ngày 21/9/2010, một số người dân xã Tân An đã cản trở và bắt giữ cán bộ kỹ thuật của nhà thầu phụ Tranconsin đang thi công gói thầu A7 đoạn đi qua xã Tân An, Tân Thượng của huyện Văn Bàn (Lào Cai). Phải đến hơn 12h trưa cùng ngày với sự can thiệp của chính quyền địa phương thì sự việc mới được giải quyết. Trước đó, ngày 2/7/2010 với lý do giá đền bù tại xã Tân An thấp hơn giá đền bù của xã giáp danh là Châu Quế Thượng thuộc huyện Văn Yên (Yên Bái), một số hộ dân thuộc các thôn Xuân Sang 1, Xuân Sang2, Khe Hồng 1, Khe Hồng 2 ra cản trở thi công tại lý trình km192+400. Sự việc đã được nhà thầu và Ban quản lý dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai báo lên chính quyền địa phương và chủ đầu tư là Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Nghiêm trọng hơn đến ngày 12/7 sự việc lan rộng sang toàn bộ các thôn khác của xã Tân An, đến ngày 15/7 toàn bộ chiều dài 6,702km đã giao mặt bằng qua địa phận xã Tân An phải dừng thi công. Sự việc tưởng chừng như đơn giản nhưng do sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền địa phương cùng với đó là sự kích động của một số đối tượng dẫn đến việc người dân cản trở nhà thầu thi công lan rộng từ xã Tân An sang đến xã Tân Thượng. Đến ngày 3/8, chiều dài thi công từ km 197+362 đến km 198+400 tiếp tục bị đình trệ. Ngày 10/8, số hộ dân ra cản trở đã lan ra trên diện rộng, chiều dài thi công bị cản trở tiếp là 3,638 km từ lý trình km 197+362 đến km 201+000.
Như vậy, sau sự việc cán bộ kỹ thuật của nhà thầu phụ bị dân bắt giữ ngày 21/9 thì đến 24/9 toàn bộ tuyến đường thi công đi qua 2 xã Tân An và Tân Thượng đã bị cản trở và đình trệ thi công là 3 tháng với chiều dài 10,34km không thi công được.
Khi lợi ích thấp hơn người “ hàng xóm”
Công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tính đến nay chỉ còn 12 hộ trên tổng số 2.481 hộ chưa nhận tiền đền bù. Trong đó đoạn qua xã Tân An, Tân Thượng huyện Văn Bàn có chiều dài 14km (từ lý trình km 190+640 đến km 204+680) đã được Ban quản lý dự án Giải phóng mặt bằng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của Tỉnh Lào Cai phối hợp với UBND huyện Văn Bàn, UBND các xã Tân An, Tân Thượng tổ chức thống kê, kiểm đếm áp giá đền bù và chi trả tiền bồi thường cho nhân dân hai xã này từ năm 2008. Cả hai xã có 395 hộ dân bị ảnh hưởng trong đó Tân An là 158 hộ và Tân Thượng là 237 hộ. 394 hộ đã đồng ý nhận tiền đền bù, bồi thường và giao mặt bằng cho đơn vị thi công từ tháng 8/2009. Chỉ còn hộ ông Tạ Đình Hải thôn Xuân Sang 2 xã Tân An chưa nhận tiền bồi thường.
Khi phóng viên chúng tôi tìm đến nhà ông Hải để tìm hiểu thì không có ai ở nhà, tuy nhiên theo thông tin mà chúng tôi có được cũng như từ Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cung cấp trong cuộc họp liên ngành ngày 4/10/2010 thì được biết gia đình ông Hải cách mốc chỉ giới đến bù 100m nhưng lại đòi mức đền bù, bồi thường như những gia đình cách mốc lộ giới 10-20m. Theo chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án giải phóng mặt bằng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của tỉnh Lào Cai thì đòi hỏi này là hoàn toàn không hợp lý.
Sao chỉ một hộ dân chưa nhận tiền đền bù lại có thể gây ra sự cản trở lớn và lan rộng sang 2 xã như vậy?. Tiếp xúc với người dân địa phương cùng nhà thầu và chính quyền địa phương chúng tôi được biết nguyên nhân chính là do giá đền bù của hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái tại các xã giáp ranh Tân An của Văn Bàn (Lào Cai) với xã Châu Quế Thượng của huyện Văn Yên (Yên Bái) có sự chênh lệch khá lớn: ví dụ: Tại Yên Bái áp giá đất đền bù ruộng lúa là 25.000 đ/m2, đất rừng trồng sắn là 16.000đ/m2 (áp giá cây hàng năm khác, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), còn tại Lào Cai mức áp giá đền bù cho đất ruộng lúa là 17.000đ/m2, đất rừng là 3.000đ/m2 (áp giá đất rừng sản xuất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thêm vào đó, có 10 trường hợp hộ dân có hộ khẩu ở Yên Bái nhưng nhờ 10 người ở địa bàn Lào Cai đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa bàn xã Tân An, do vậy khi thấy giá đền bù chênh lệch cũng đã tham gia lôi kéo, kích động người dân tham gia cản trở nhà thầu thi công.
Người dân nhìn vào mức áp giá nên có sự so sánh. Họ chỉ cần biết cùng là đất ruộng, hay đất rừng thì phải có giá đền bù như nhau mà không tính đến mục đích sử dụng, loại đất, vị trí địa lý… và điều kiện thu nhập của từng địa phương là những quy định chính của Luật Đất đai để làm căn cứ tính giá đất. Hơn nữa cùng là loại đất trồng lúa, nếu đất trồng lúa 1 vụ sẽ có giá khác với đất trồng lúa 2 vụ hoặc 3 vụ, hoặc căn cứ trên sản lượng thóc cho 1ha để tính giá đền bù theo khung giá quy định tại Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004. Như vậy nếu người dân chỉ so sánh đất trồng lúa đơn thuần mà không tính đến các yếu tố trên thì cũng rất khập khiễng và không phù hợp. Tuy nhiên ý kiến của các cấp chính quyền địa phương Lào Cai về sự việc này như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vào số báo sau./.
(Theo VEN)
- 0
- By Admin
- 13/11/2010
- 17