Giải quyết tranh chấp lối đi chung
Tại thời điểm mua, trong biên bản phân thửa ba hộ A, B, C đều có diện tích tương đương nhau, lần lượt hộ A ở trước, hộ B, rồi đến hộ C và hai hộ A, B vẫn chừa lối đi rộng 2m cho hộ liền kề ở phía sau.
Hiện tại sau khi ở một thời gian, hộ A' thay đổi, chỉ muốn để lối đi chung 1m và muốn 2 hộ B và C' ở phía sau mua lối đi rộng 1m đó (tức 3 hộ A', B, C' cùng nhau chia 3 theo giá thị trường tại thời điểm); trong lúc hộ B vẫn chừa lối đi rộng 2m như cũ.
Nhiều lần 2 hộ B và C' đề nghị hộ A' để lối đi chung rộng 2m như lịch sử để lại và hứa có trách nhiệm đền bù những thiệt thòi cho hộ A' (trong đó hộ C' sẽ bỏ ra kinh phí nhiều nhất để bù cho cả 2 hộ A' và B) nhưng hộ A' vẫn khăng khăng muốn thu hẹp lối đi chung từ 2m xuống 1m.
Xin hỏi, có quy định pháp lý nào về lịch sử tồn tại lối đi chung cũng như việc giải quyết khi có tranh chấp? Mong Địa ốc Online tư vấn để có cách giải quyết hợp lý nhất. Cảm ơn.
(phongdien.dnbk@...)
Trả lời
Theo thư bạn trình bày, chủ nhà X có bán cho ba hộ A, B, C ở phía trong (lối đi chung 2m qua chủ hộ phía trước đã được chừa lại). Sau đó, tại thời điểm ba hộ A, B, C nhận chuyển nhượng thì trong biên bản phân thửa đều có diện tích tương đương nhau.
Nhưng thông tin chưa hoàn toàn cụ thể nên bạn cần xác định chính xác lại xem diện tích thật sự trong biên bản phân thửa khi chủ X chuyển nhượng cho các hộ A, B, C là bao nhiêu, có bao gồm 2m lối đi chung hay không. Từ đó xác định quyền sử dụng đất chính xác của hộ A’, B và hộ C'.
Nếu ngay từ đầu chủ X chuyển nhượng cho hộ A đã không bao gồm 2m lối đi chung thì khi hộ A chuyển nhượng cho hộ A’ cũng không bao gồm phần diện tích đó.
Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 1, Điều 275 Bộ luật Dân sự: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản, nếu không có thỏa thuận khác”.
Như vậy, trường hợp của bạn, việc đền bù chỉ áp dụng khi 2m lối đi chung thuộc quyền sở hữu của A và B.
Nếu 2m lối đi chung thuộc quyền sở hữu của A, B thì theo quy định tại Khoản 2, điều 275 Bộ luật Dân sự: “Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định”.
Về nguyên tắc khi xác định diện tích lối đi chung, các bên tự thỏa thuận với nhau nhưng phải đảm bảo tiện lợi cho các bên.
Trân trọng.
Luật sư Lê Thị Hoài Giang (VPLS Lê Nguyễn)
- 222
- By Admin
- 17/09/2013
- 17