Giải quyết ra sao khi bị Việt kiều đòi nhà
Sau khi cha mẹ tôi lần lượt qua đời năm 2008, em tôi có đặt vấn đề đòi lại căn nhà. Hiện nay chúng tôi đã lớn tuổi, không có thu nhập thì làm sao có thể tự túc chỗ ở. Hiện giờ tôi vẫn đứng tên căn nhà. Tôi có quyền đứng ra bán nhà và trả lại số tiền mà em tôi đã gửi về mua và xây dựng, phần còn lại chúng tôi mua căn khác nhỏ hơn để ở hay không? Chúng tôi đã đề nghị như vậy nhưng em tôi không đồng ý, chỉ muốn lấy lại toàn bộ. Một bạn đọc
Trả lời
Theo pháp luật nhà đất, dân sự hiện hành, khi bạn đứng tên với tư cách là chủ sở hữu duy nhất trên giấy tờ sở hữu nhà do cơ quan có thẩm quyền cấp và giấy tờ này đang có hiệu lực pháp luật thì bạn có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhà này theo ý chí của mình, không ai có quyền yêu cầu, ép buộc, hạn chế quyền sở hữu của bạn đối với nhà này trừ khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án, cơ quan thẩm quyền.
Theo pháp luật Việt Nam thời điểm 1991-1993, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là Việt kiều) không được sở hữu nhà gắn liền quyền sử dụng đất (gọi tắt là nhà) tại Việt Nam. Từ ngày 20/11/2001, khi nghị định số 81/2001/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 5/11/2001 về người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực, tiếp đó là Luật đất đai năm 2003, Luật nhà ở năm 2005, Việt kiều mới có quyền này nhưng chỉ trong một số trường hợp luật định, ví dụ: Việt kiều về đầu tư lâu dài hoặc được phép sống ổn định tại Việt Nam.
Do vậy, nếu em bạn kiện ra tòa tranh chấp quyền sở hữu nhà này với lý do, tài liệu chứng minh đã gửi số vàng nêu trên về Việt Nam để mua nhà cho mình và nhờ bạn đứng tên giùm trên giấy tờ thì theo thực tế xét xử (thể hiện qua tham luận của tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao năm 2008) cho thấy tòa án có thể tuyên giao dịch này bị vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật.
Khi giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu này, tòa án sẽ thường định giá giá trị nhà và nếu người đã đứng tên trên giấy tờ có nhu cầu sở hữu nhà này thì công nhận quyền sở hữu cho người đó, đồng thời buộc người đó phải thanh toán cho Việt kiều bằng đúng số tiền Việt kiều đã bỏ ra mua nhà. Nếu sau khi thanh toán mà còn dư tiền thì Việt kiều và người đứng tên giùm mỗi người được hưởng nửa số tiền chênh lệch.
Trong trường hợp khi gửi tiền về mua nhà và nhờ người khác đứng tên giùm, Việt kiều chưa thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam nhưng khi tranh chấp xảy ra, họ đã thuộc diện được sở hữu nhà tại Việt Nam thì có nhiều khả năng tòa án sẽ công nhận cho Việt kiều được sở hữu nhà mà họ đã bỏ tiền ra mua và nhờ người khác đứng tên giùm.
Xin lưu ý thêm: Trong trường hợp bạn chứng minh được với tòa án là số vàng do em bạn gửi về là để tặng cha mẹ và các anh chị em hoặc cho mượn để mua nhà thì tùy từng tình huống cụ thể mà tòa án sẽ áp dụng pháp luật phù hợp để giải quyết.
Luật sư Nguyễn Bảo Trâm
(Theo Landtoday)
- 326
- By Admin
- 21/10/2011
- 17