• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giải quyết nhà ở cho công nhân tại Hưng Yên

Thực trạng nhu cầu nhà ở của công nhân

Trong căn nhà trọ rộng chừng 14 m2, anh Lưu Chí Vịnh tâm sự: Tôi quê ở Kim Ðộng (Hưng Yên) làm ở Công ty điện lạnh Hòa Phát (Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên) được năm năm, vợ tôi quê ở Thái Bình làm cùng công ty. Cuộc sống sinh hoạt của gia đình hết sức khó khăn. Phòng nhỏ chỉ đủ kê được cái giường, bàn ăn cơm; điện thì mất liên tục, nước sinh hoạt luôn trong tình trạng không đủ dùng. Nhất là vào mùa hè, đi làm về mệt muốn nghỉ ngơi một lát, nhưng vào đến nhà điện mất, phòng nóng như chảo rang. Ðiều kiện sống như vậy cho nên phải gửi con chưa đầy một tuổi về bà nội nuôi.

Anh Nguyễn Văn Hòa, quê Thái Nguyên cho biết: Chúng em luôn mong muốn có được chỗ ở ổn định, không phải nay thuê chỗ này, mai trọ chỗ kia. Lương công nhân ăn theo sản phẩm, tháng nào có việc thì đôi, ba triệu đồng, những tháng ít việc lương chỉ hơn triệu đồng, thu nhập không ổn định; chúng em hai, ba người cùng góp tiền thuê chung một phòng trọ giá rẻ để ở. Cuộc sống như vậy, tụi em làm sao có thể yên tâm tạo dựng cuộc sống lâu dài ở đây được.

Giám đốc Công ty La-do-da Ðinh Quang Bào, nhận xét: Vấn đề nhà ở hiện nay cho công nhân đang là vấn đề nan giải. Sau mỗi một lần nghỉ lễ, nghỉ tết thì lượng công nhân rời bỏ nơi làm việc khá nhiều. Có doanh nghiệp công nhân bỏ việc lên tới hàng trăm người, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân công nhân bỏ việc thì có nhiều, nhưng cái chính là do chỗ ăn ở của công nhân không bảo đảm. Ðể giữ được công nhân, ổn định sản xuất, Công ty La-do-da ngoài việc thực hiện tốt chính sách đối với người lao động, tiền lương, tiền thưởng, công ty còn hỗ trợ tiền thuê nhà,  xây thêm  cả dãy  nhà tập thể. Mặc dù đã cố gắng đầu tư nhưng công ty chỉ mới đáp ứng 20% nhu cầu ở của công nhân.

Trao đổi ý kiến với Chủ tịch Liên đoàn lao động (LÐLÐ) tỉnh Hưng Yên  Cao Xuân Hồng về thực trạng điều kiện sinh sống của người lao động trong các khu công nghiệp, ông Hồng cho biết, hiện môi trường sống của công nhân xa nhà chưa bảo đảm tái tạo sức lao động. Phần lớn họ ở trong các nhà cấp bốn, nhỏ, hẹp, chưa đạt tiêu chuẩn, nằm rải  rác trong các khu dân cư gần khu, cụm công nghiệp; đời sống văn hóa, tinh thần khá nghèo nàn. Do vậy nhu cầu nhà ở, khu vui chơi, giải trí cho công nhân ngày càng trở nên bức xúc. LÐLÐ tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh xây dựng khu chung cư, khu tập thể cho công nhân lao động có thu nhập thấp thuê hoặc mua trả chậm với giá hợp lý, nhưng đến nay chưa đạt kết quả như mong muốn.

Ðất dự án đô thị bỏ hoang

Với vị trí gần Thủ đô Hà Nội, kinh tế phát triển năng động, giao thông thuận lợi, những năm qua tỉnh Hưng Yên  thu hút hàng chục dự án đầu tư phát triển đô thị với diện tích hơn một nghìn ha. Tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, phần lớn các dự án có quyết định giao, cho thuê đất  đều chậm tiến độ với nhiều lý do khác nhau, một phần lớn diện tích đất đã bàn giao cho các dự án đô thị đang bị bỏ 'hoang'.

Tại khu đô thị của Công ty cổ phần đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long, nơi có hơn 80 ha đất bỏ 'hoang' nhiều năm, ông Nguyễn Ngọc Nhã, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: Sở dĩ tiến độ triển khai dự án chậm do bị điều chỉnh quy mô, nhường một phần đất cho dự án khác; tỉnh chậm giao tuyến đường giao thông làm theo phương án đổi đất lấy hạ tầng...

Dự án xây dựng khu chung cư của Công ty cổ phần Cao Hà sau khi được giao hơn 4 ha đất, đã xây dựng được một số công trình hạ tầng kỹ thuật và một nhà chung cư cao tầng thì mọi việc lại dẫm chân tại chỗ; nhà, đất bỏ hoang. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị sau khi nhận bàn giao hơn hai ha để làm nhà ở, văn phòng, khu thương mại ở khu vực trung tâm TP Hưng Yên, nay khu đất này vẫn là bãi đất trống...

Dự án đô thị, thương mại và du lịch của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng, sau những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, công ty được bàn giao khoảng 54 ha đất (giai đoạn 1), công ty đang xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở theo quy hoạch, nhưng giá bán cao ngất ngưởng. Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng Vũ Mai  Phong, cho biết: Hiện công ty 'bán' giá một mét vuông nhà hơn 1.000 USD. Với giá như vậy đến bao giờ người công nhân mới mua được nhà?

Cần quan tâm nhà ở cho công nhân

Hiện, tỉnh Hưng Yên có 14 khu, cụm công nghiệp, thu hút hơn 800 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 425 dự án đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho gần một trăm nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ. Những người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Hưng Yên, bình quân hơn 11%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 15%/năm, năm 2010 thu ước đạt 3.000 tỷ đồng.  Hơn 50% số lao động đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp là những người ở xa nhà, có nhu cầu về nhà ở.

Tuy nhiên tỉnh Hưng Yên đến nay chưa có khu nhà ở nào cho người lao động. Người lao động tự phải thuê nhà trọ tại các khu vực dân cư gần nơi làm việc. Các khu nhà trọ cho thuê do dân đầu tư xây dựng mang tính tự phát, tạm thời, cho nên chưa bảo đảm được các điều kiện sinh hoạt như điện, nước, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... Nhiều dự án đô thị đất bỏ hoang, chưa thực hiện việc xây dựng khu nhà chung cư cao tầng được phê duyệt. Ðể tình trạng đất hoang hóa trong các dự án đô thị là lãng phí của cải của xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng đồng vốn đầu tư, góp phần làm căng thẳng nguồn cung bất động sản trên thị trường, đẩy giá bất động sản lên cao... càng làm cho người lao động khó mua được nhà. Ðiều kiện sống của người lao động chưa bảo đảm, không ổn định dẫn đến tình trạng người lao động bỏ việc hàng loạt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vậy, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động, tỉnh Hưng Yên cần sớm triển khai quy hoạch quỹ đất sạch cho việc xây dựng nhà ở cho người lao động. Huy động đa dạng nguồn vốn trong xã hội từ doanh nghiệp sử dụng lao động,  một phần tiền sử dụng đất của các dự án đô thị, vốn vay ưu đãi... để đầu tư xây dựng nhà chung cư. Rà soát các dự án đô thị, nhằm có biện pháp xử lý đối với những dự án triển khai chậm, để đất bị hoang hóa lâu ngày. Bảo đảm nguồn cung nhà ở cho thị trường, góp phần làm giảm căng thẳng nguồn cung, hạ giá nhà để người lao động có điều kiện tiếp cận mua nhà ở.

(Theo Nhân Dân)

  • 137
  • By Admin
  • 25/10/2010
  • 17