Giải pháp phong thủy giúp cân bằng khi sống trên cao
Nhịp sinh học không chỉ là chu trình hít thở, ăn, ngủ, nghỉ ngơi, làm việc… mà còn nằm ở quá trình tiếp xúc giữa con người và không gian kiến trúc - thiên nhiên chung quanh.Nhưng, việc phát triển nhà cao tầng hiện nay đã phần nào xáo trộn các chu trình sinh hoạt tự nhiên, nơi cư trú trong cao ốc được tổ chức khác biệt so với kiểu không gian kiến trúc truyền thống đã gắn bó lâu nay. Ở trên căn hộ cao tầng hay làm con người mất đi cảm giác về mặt đất và thiên nhiên. Việc di chuyển từ tầng thấp lên tầng cao bằng thang máy cũng là bước chuyển đột ngột, dễ gây nên sự mất cân bằng về nhịp sinh học.
Phong thủy khi kết hợp với khoa học hiện đại đã nhận ra các vấn đề trên và không ngừng tìm kiếm giải pháp để đảm bảo duy trì, cân bằng nhịp sinh học trước tác động của khí hậu và đặc thù kiến trúc cao tầng. Các giải pháp cơ bản tập trung vào hai vấn đề chính, đó là chọn lựa chung cư hài hòa thiên nhiên, và đưa thiên nhiên vào căn hộ của mình trong điều kiện có thể.Chọn lựa căn hộ
Vì mua căn hộ là "mua" cả môi trường - tiện ích - cộng đồng chung quanh, nên cần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố này bên cạnh thông số kỹ thuật thường thấy, đó là các dữ liệu gia chủ khó lòng biến đổi được. Yếu tố phong thủy mà cha ông ta hay nói " nhất cận thị - nhị cận lân" đến nay vẫn nguyên giá trị để làm tiêu chuẩn chọn lựa vị trí chung cư gần nơi mua sắm tiện ích (thị) cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản, và có láng giềng thân thiện (lân). Đó cũng là những điều kiện giao tiếp xã hội mà nếu không có đủ thì chắc chắn sẽ tách cư dân ra khỏi môi trường sống, khiến họ luôn cảm thấy mình chỉ là "ăn nhờ ở đậu", khó có thể an cư lâu dài. Các khu chung cư có không gian sinh hoạt cộng đồng, sân đi dạo, sân bãi thể thao… luôn được thêm điểm cộng khi chọn lựa.Bản chất nơi sống luôn cần khoảng trống có ích, nên một không gian bao quanh, không gian hít thở, không gian nhìn ngắm… phải song hành với các tiêu chuẩn về diện tích (hình 1). Từ xưa phong thủy đã nêu tầm quan trọng của Minh Đường- khoảng trống trước nhà có ánh sáng, nắng, gió - hay Thanh Long, Bạch Hổ (các bên trái phải của ngôi nhà). Hiện nay cũng vậy, cần tránh mua chung cư theo kiểu chui vào cái hộp bít bùng hoặc mở ra gặp toàn gió lùa, nắng gắt thì rất bất lợi về sức khỏe.
Ảnh: Nguyễn Hưng |
Đưa thiên nhiên vào nơi ở trên cao
Cần tạo các cảm giác gần gũi thiên nhiên cho căn hộ của mình qua cách tổ chức tiểu cảnh, tạo âm thanh và màu sắc tự nhiên của cây xanh, tiếng nước chảy, chim hót,… tại các lớp không gian đệm, không gian nửa trong nửa ngoài của căn hộ như hành lang, ban công.
Tăng tỷ lệ dùng vật liệu tự nhiên hoặc gần với tự nhiên (gỗ, đá, gạch trần…) cho một số không gian cần thiết như góc thư giãn nghỉ ngơi, phòng sinh hoạt chung, ban công (hình 2). Cố gắng giảm ngăn chia kín tạo thêm khoảng hở để tăng cảm giác gần thiên nhiên, tăng góc quan sát cho nội thất bằng cách dùng tủ kệ hở, vách kính hoặc vách trượt.
Chọn lựa màu sắc phù hợp với không gian chức năng. Các màu sắc theo gam lạnh hợp hơn với các không gian nghỉ ngơi, thư giãn, phục hồi sức khỏe. Còn các gam màu nóng sử dụng trong các không gian hoạt động làm việc hoặc chỗ sinh hoạt vui vẻ. Tận dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới như vườn trên mái, kính cường lực cách nhiệt,… nhưng không xa rời không gian tự nhiên vốn có (hình 3).
KTS Hà Anh Tuấn
(Theo Thanh niên)
- 266
- By Admin
- 22/08/2011
- 17