Giải pháp nào để tháo gỡ "nút thắt" BĐS Đà Nẵng?
Theo chia sẻ của ông Đàm Quang Tuấn, thị trường BĐS năm 2014 có dấu hiệu hồi phục nhờ những nỗ lực của Chính phủ thông qua các giải pháp vĩ mô nhưng chưa rõ ràng. Từ những biến cố thị trường, trong việc cho vay, các ngân hàng đã cẩn trọng hơn, tuy đã cởi mở hơn nhưng cơ chế chính sách vẫn chưa thông thoáng để tạo điều kiện thị trường BĐS phát triển.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Đà Nẵng Đàm Quang Tuấn |
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố tác động đến thị trường là thu nhập của người dân chưa được cải thiện.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất chính là các dự án treo, bao gồm cả dự án nước ngoài và trong nước tại Đà Nẵng còn quá lớn. Thị trường vẫn chưa gượng dậy, các dự án chưa tái khởi động được mặc dù Chính phủ đã có những bước tháo gỡ với các giải pháp thiết thực, các ngân hàng đã hạ lãi suất.
Nguyên nhân của việc này xuất phát từ nội tại dự án vì trước khi thị trường khả quan, để vay vốn triển khai, phần lớn các nhà đầu tư đã thế chấp dự án tại ngân hàng.
Các nhà đầu tư đã dùng phần lớn khoản vốn để đóng tiền sử dụng đất cho thành phố và đầu tư khi khởi động dự án. Nhà đầu tư hết vốn khi thị trường “đóng băng”. Trong khi đó, ngân hàng thì không thể tiếp tục cho vay, Nhà nước không thể thu hồi dự án vì đã cấp sổ đỏ, thu tiền đất của nhà đầu tư. Nếu thu lại thì trả lại nhà đầu tư một khoản tiền lớn, trong khi ngân sách địa phương có hạn, thành phố đã dùng khoản tiền thu được từ sử dụng đất của nhà đầu tư để đầu tư các dịch vụ công công, hạ tầng...
Theo ông, hiện nay, "nút thắt" lớn nhất của thị trường chính là làm thế nào để giải quyết vòng luẩn quẩn giữa chính quyền thành phố, nhà đầu tư và ngân hàng. Để giải quyết được nút thắt đó, Chính phủ phải đưa ra cơ chế Nhà nước phù hợp và cởi mở hơn đối với các dự án BĐS đang triển khai trong việc chuyển nhượng, hợp tác.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Đà Nẵng, để tháo gỡ "nút thắt" BĐS Đà Nẵng cần đẩy mạnh hoạt động M&A (ảnh minh họa, nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp) |
Từ đó, ba bên bao gồm chính quyền thành phố, nhà đầu tư và ngân hàng cùng ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung nhằm đưa ra một mức giá hợp lý nhất cho dự án BĐS mà qua đó có thể kêu gọi được sự hợp tác. Khi nút thắt được tháo gỡ sẽ mang lại niềm tin và khơi thông dòng tiền cho thị trường.
Các dự án thông qua hoạt động M&A tìm được nhà đầu tư mới sẽ mang lợi cho tất cả các bên tham gia, dự án tiếp tục được triển khai theo quy hoạch của thành phố. Như vậy, Đà Nẵng sẽ có thêm nguồn thu từ chính giao dịch hợp tác, dự án tiếp tục triển khai sau này sẽ giải quyết lao động và tạo nguồn thu cho địa phương. Khi dòng tiền được thông suốt, các ngân hàng được lợi hơn, tránh được vấn đề nợ xấu và mang lại hiệu quả nguồn vốn.
Ông Tuấn cũng cho rằng, sự phát triển BĐS Đà Nẵng cần gắn liền với du lịch, tạo ra hiệu ứng cho thị trường bằng du lịch. Phải có tầm nhìn chiến lược phát triển nguồn nhân lực, thương mại tạo hậu cần dịch vụ phát triển tương ứng bên cạnh sự phát triển vượt bật của các dự án BĐS. Để tạo nên một sản phẩm hấp dẫn và hoàn thiện hơn phải tổng hợp những yếu tố này.
Bên cạnh đó, tuy Đà Nẵng đã có những bước phát triển đáng kể nhưng để tạo ra sự đột phá mang tính bước ngoặt, cần phải mạnh dạn phá vỡ những cái cũ và tạo ra những thay đổi rõ nét hơn.
- 0
- By Admin
- 01/12/2014
- 17