Giải pháp kìm hãm "cơn sốt" giá đất
Trong cuộc Hội thảo quốc tế 2010 về chính sách nhà ở và thị trường BĐS diễn ra vào cuối tuần vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam nêu ra một thực trạng nhức nhối: “Giá BĐS đặc biệt là giá nhà ở hiện quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và làm cho việc tạo lập nhà ở của đại bộ phận các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn”.Một thực tế dễ dàng nhận thấy: Hàng năm, Nhà nước vẫn ban hành những cung giá đất nhưng trên thị trường, giá đất vẫn được giao dịch ở mức cao “chót vót”, vượt cung rất nhiều. Ông Hoàng Minh Quân, Phó tổng Giám đốc CTCP Đầu tư BĐS Việt Nam (Sàn giao dịch BĐS Worldlands), nhận định: “Hiện nay, giá đất vượt cung rất lớn và dường như không có giải pháp “giải nhiệt” nào để can thiệp. Thị trường BĐS vẫn mang tính bong bóng”.
Lý giải cho điều này, theo ông Quân, nguyên nhân thứ nhất phải kể đến là do trào lưu đám đông của Việt Nam. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng: Việc thiếu minh bạch hóa thông tin đã góp phần đẩy giá đất lên cao.
Ông Nguyễn Chí Thức, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Worldlands, nhận xét: “Nguyên nhân đẩy giá đất lên cao từ cơ chế của cơ quan chức năng, do mặt xấu tiêu cực của nhà đầu tư. Giá đền bù cho người dân nhất là người dân bị mất ruộng đất và giá nhà đầu tư bán ra chênh lệch quá nhiều tạo ra kẽ hở cho nhà quản lý”.
Nhiều dự án chưa được hoàn thiện xong đã được giao dịch, mua - bán với giá rất cao (Ảnh chụp: Khu đô thị mới Văn Khê, Hà Đông). |
Thảo luận xung quanh vấn đề này, ông Quân cho rằng: Luật ban hành khá đầy đủ bao gồm: Luật nhà ở, luật kinh doanh BĐS, luật đất đai,… Tuy nhiên, “luật” có nhưng “lệ” chưa có, luật chưa đi vào cuộc sống, chưa bắt buộc người dân phải làm theo.
Giải pháp đưa ra để giá đất trở về đúng giá trị thực của nó, theo ông Quân: Phải minh bạch hóa, công khai thông tin đồng thời những người tham gia giao dịch BĐS phải thực hiện một cách nghiêm khắc theo đúng luật định.
Cũng nhằm mục đích kìm hãm cơn sốt giá nhà ở và thị trường BĐS, trong một cuộc trao đổi bên lề với báo chí, ông Phạm Khang Cường, giám đốc một công ty thiết kế nội thất, nhìn nhận: Trước hết phải ban hành luật thuế nhà đất, phải đánh thuế nhà đất từng mét vuông và nộp thuế hàng tháng.
“Từ khi 1.000 m2 đất của tôi mức giá 45 triệu đồng/m2 lên mức giá 200 triệu đồng/m2 là 10 năm. 10 năm đó, tôi để đất chờ giá mà chẳng phải đóng xu thuế nào cả. Nếu phải đóng thuế từng mét một, với mức thuế hợp lý thì có cho kẹo, tôi cũng không dám để đất chờ giá như thế”, ông Cường dí dỏm phân tích.
Để minh chứng cho hiệu quả của giải pháp này, ông Cường đưa ra dẫn chứng: “Nhật Bản không nhiều đất hơn Việt Nam nhưng nhờ có luật thuế nhà đất mà giá trị quỹ đất của nước Nhật nhiều hơn Việt Nam 138 lần”.
Ông Cường đã làm phép so sánh để thấy được sự khập khiễng đến vô lý khi giá đất của Việt Nam tăng quá cao: “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 1.000 USD, thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản là 50.000 USD, vậy mà giá đất ở Việt Nam và Nhật Bản ngang nhau?”.
Để tránh tình trạng thị trường BĐS đội giá lên vùn vụt do đầu cơ và người ta đầu cơ được là do những kẽ hở của chính sách, theo ông Cường: Việc thứ hai phải làm để quản lý tốt thị trường địa ốc là bỏ chế độ hai giá đất. “Còn hai giá đất là còn đầu cơ đất và còn tham nhũng từ đất đai”, ông Cường khẳng định.
“Thật vô lý, khi GPMB tôi chỉ phải đền bù cho bà con nông dân 165.000 đồng/m2 mà sau đó tôi lại bán 200 triệu đồng/m2. Không nên có 2 giá đất. Ai muốn làm gì, đầu tư vào lĩnh vực nào thì tùy thích nhưng đất thì phải đấu giá. Thế là hết đầu cơ và quan lại cũng hết cửa gặm vào đất", ông Cường thẳng thắn cho biết.
(Theo VTC)
- 0
- By Admin
- 30/11/2010
- 17