Giải pháp chống nóng nhà ở mùa hè
Trước khi tìm giải pháp chống nóng cho ngôi nhà, bạn cần phải hiểu rõ khí nóng được truyền đi như thế nào trong không khí. Có 3 cách truyền nhiệt như sau:
1. Dẫn nhiệt
* Dẫn nhiệt là sự truyền nhiệt trong nội bộ vật thể (các phân tử nằm cạnh nhau trong vật chất) hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp trên bề mặt.
* Ví dụ: Nhiệt từ bếp truyền sang ấm kim loại đun nước, rồi truyền sang nước làm nước nóng.
2. Bức xạ nhiệt
* Bức xạ nhiệt là sự truyền nhiệt (năng lượng nhiệt) dưới dạng sóng điện từ xuyên qua khoảng không. Khi tia bức xạ đập vào một bề mặt, năng lượng bức xạ mới sinh ra nhiệt làm bề mặt này nóng lên.
* Ví dụ: Bức xạ nhiệt từ mặt trời, đập vào vách và mái nhà. Các vật liệu này sẽ hấp thụ nhiệt lượng đó và nóng lên.
3. Đối lưu
* Đối lưu là cách truyền nhiệt bằng sự chuyển động của chất lỏng hay chất khí. Khí nóng luôn di chuyển trên và khí lạnh chìm xuống. Qui trình này được gọi là đối lưu tự nhiên.
* Ví dụ: Khí nóng trong lò đốt tự bốc lên ống khói.
Hiểu được nguyên lý truyền nhiệt, hẳn rằng bạn đọc đã hình dung ra ngôi nhà của mình trong những ngày giữa hè như thế này bị biến thành cái lò nung là vì sao. Theo các kiến trúc sư, các nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc ngôi nhà nóng lên bao gồm:
* Hướng nhà nằm đúng hướng có mặt trời chiếu vào.
* Chưa có vật liệu cách nhiệt cho mái nhà.
* Thiếu sự lưu thông không khí trong nhà.
Như vậy, việc chống nóng cho nhà ở vào mùa hè cần phải được định hình và quy hoạch ngay từ khi bạn bắt đầu xây dựng cho ngôi nhà. Dưới đây là những giải pháp chống nóng do mà các chuyên gia khuyên bạn nên áp dụng cho căn nhà của mình.
1. Giải pháp quy hoạch
Từ xưa, ông cha đã có câu: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam”. Đó là một cách thức qui hoạch rất tự nhiên và đơn giản để tránh hướng mặt trời mọc đằng đông, lặn đằng tây là bất biến. Hướng Nam là hướng đón gió mát, tránh được bức xạ của mặt trời.
Tất nhiên đó là nhà ở dân gian trong cấu trúc làng - nông thôn. Đô thị hiện đại phụ thuộc nhiều yếu tố khác nên không thể chủ động tự lựa chọn hướng nhà. Nói như vậy không có nghĩa là vấn đề hướng bị phụ thuộc. Trong những điều kiện có thể, phải tối ưu hóa hướng cho công trình.
Tiêu chuẩn Việt Nam về chống nóng cho nhà ở ghi rõ: “Đối với nhà ở, cố gắng bố trí sao cho phần mặt nhà về hướng tây - đông có diện tích bề mặt nhỏ nhất để hạn chế bức xạ mặt trời”. Với những cụm công trình hay tổ hợp công trình cũng vậy, phải thiết kế tổng mặt bằng hợp lý, ưu tiên hướng tốt cho những công trình chủ đạo, công trình có yêu cầu chống nóng cao hơn như nơi sinh hoạt, làm việc.
Ánh nắng chiếu trực tiếp vào nhà là nguyên nhân chính khiến nhà bạn nóng lên
2. Giải pháp môi trường, sinh thái
Giải pháp này gắn liền với giải pháp qui hoạch. Đây cũng là một giải pháp mà ông cha đã ứng dụng rất triệt để trong kiến trúc truyền thống. Cây xanh, mặt nước luôn là những yếu tố không thể thiếu, song hành cùng công trình kiến trúc. Cây xanh tạo bóng mát, ngăn và che cho bề mặt công trình kiến trúc khỏi bức xạ mặt trời. Mặt nước (ao, hồ, bể cảnh…) cùng cây xanh điều hòa khí hậu, làm môi trường mát và trong sạch hơn. Trong điều kiện độ ẩm không khí không bão hoà, mặt nước luôn có hiện tượng bốc hơi.
Một phần diện tích đáng kể phía trước hoặc sau nhà nên dùng để quy hoạch sân vườn. Cây cối sẽ là lá chắn thiên nhiên giúp nhà bạn tránh được hơi nóng.
Ngôi nhà sẽ đẹp mắt và mát mẻ hơn nhiều với hồ nước, bể cá hay non bộ. Đây là điểm tụ thủy và tiểu cảnh thú vị nếu khéo sắp xếp. Do đó, phương án này rất được ưa dùng trong nhà ở có sân vườn.
Đối với nhà phố hay chung cư, chỉ nên dùng hồ cá vừa phải, hoặc những cây tiểu cảnh loại nhỏ và mềm để chủ động sắp xếp và không gây va chạm nhiều trong quá trình sử dụng. Ví dụ như lu nước thả sen, súng...
Quá trình bốc hơi nước là quá trình thu nhiệt, chính vì vậy nó làm nhiệt độ môi trường giảm xuống. Cây xanh và mặt nước gắn liền cùng đất tự nhiên, đều có độ phát xạ thấp, là những nhân tố hữu hiệu cho việc chống nóng ở qui mô tổng thể, có phạm vi ảnh hưởng lớn.
Hiện nay trong nhiều đô thị, tỉ lệ cây xanh, mặt nước với công trình xây dựng đang ở mức chênh lệch đáng báo động, cộng thêm những diện tích khác lại bị bêtông hóa ở mức cao (sân, hè, bãi đỗ xe…). Các bề mặt vật liệu này đều có độ phát xạ lớn, làm môi trường không khí nóng lên đáng kể.
- 259
- By Admin
- 18/06/2010
- 17