• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giải ngân bất động sản thấp do người dân không vay

Sau khi Ngân hàng nhà nước đưa ra quyết định nới lỏng tín dụng để hỗ trợ thị trường bất động sản và các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực này thì hàng loạt các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tung ra các gói hỗ trợ lãi suất nhằm hỗ trợ khách mua nhà.

Đi tiên phong là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cụ thể trong chương trình liên kết 4 nhà, BIDV dành gói tín dụng 4.000 tỉ đồng cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất chỉ 12%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên. Cũng với mức lãi suất này, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố sẽ dành 2.000 tỉ đồng để cho khách vay kinh doanh, mua, sửa chữa nhà.

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tung ra chương trình cho vay mua, xây, sửa nhà với lãi suất chỉ 9,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Tổng hạn mức của gói tín dụng này là 1.000 tỉ đồng.

Mặc dù các ngân hàng đã mở cửa nhưng nhiều người dân vẫn tỏ ra thờ ơ. Chị Phạm Nguyệt Nga (nhà đầu tư) cho biết, các ngân hàng chưa thực sự “cởi mở” với khách hàng vay tiền mua nhà. Bởi trong hợp đồng mua nhà có cam kết vay vốn, các ngân hàng chỉ để thời gian vay vốn với mức lãi suất “rẻ” khoảng 3 - 6 tháng. Trong khi thời gian trả nợ có thể kéo dài 3 - 5 năm. Hơn nữa, tại nhiều ngân hàng chưa giảm lãi theo đúng cam kết. Vì vậy, nhiều người không dám vay tiền để mua nhà.

Giải ngân bất động sản thấp do người dân không vay | ảnh 1

Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc ACB cho rằng nguyên do người dân vẫn còn lo lắng, không biết thị trường bất động sản đã đụng đáy chưa nên chưa mạnh dạn vay mua nhà. Một số chuyên gia tài chính nhận định tuy lãi suất cho vay có giảm nhưng vẫn còn cao, tâm lý người vay cá nhân vẫn chờ lãi suất giảm thêm.

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, hiện tỷ lệ cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn thành phố khoảng 9% tổng dư nợ. Trong 6 tháng còn lại của năm 2012, các ngân hàng cố gắng tăng tỷ lệ này lên mức 12 - 13%.  

Còn báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, dư nợ cho vay bất động sản cuối năm 2011 lên tới 348.079 tỉ đồng, cao hơn 1,8 lần so với con số các ngân hàng đã báo cáo. Tỉ lệ nợ xấu trên thực tế cũng tăng gấp 8,4 lần và đạt 56.770 tỉ đồng.

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, BIDV và VietinBank là những ngân hàng dẫn đầu cho vay 2 nhóm ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản với trị giá hơn 41.000 tỉ mỗi ngân hàng. Tỉ lệ cho vay trên tổng dư nợ là 14%. Đáng chú ý là một số ngân hàng có quy mô nhỏ cũng có tỉ trọng cho vay 2 lĩnh vực này lên đến 26%, trong đó có ngân hàng cho vay trong lĩnh vực xây dựng lên tới 10.293 tỉ đồng và 998 tỉ đồng cho kinh doanh bất động sản… Tổng giá trị các khoản cho vay vào 2 lĩnh vực này của 10 ngân hàng được thống kê đạt 147.000 tỉ đồng, bằng khoảng 73% dư nợ bất động sản được các ngân hàng báo cáo cuối năm 2011.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ đạt 12 - 13% so với mục tiêu đưa ra là 15 - 17%. Theo ông Thành, rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng tín dụng chính là nợ xấu. Mặc dù ngân hàng thừa vốn, nhưng cũng rất khó cho vay. Vì thế, các DN phải tự bươn chải để tồn tại phát triển, đồng thời có tầm nhìn, chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng để có thể duy trì, phát triển bền vững.

(Theo VnMedia)

  • 0
  • By Admin
  • 23/07/2012
  • 17