"Giải cứu” thị trường BĐS: Chớ vội mừng
Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất điều chỉnh linh hoạt tỉ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản. Đây thực sự là một tin vui đối với thị trường bất động sản đang hết sức trầm lắng hiện nay.
Mở hy vọng
Theo Bộ Xây dựng, để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, không để thị trường BĐS trở thành nhân tố tác động gây lạm phát cao, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các TCTD và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế, Bộ Xây dựng đề nghị NHNN nghiên cứu và có hướng dẫn các NHTM, TCTD một số biện pháp “giải cứu” thị trường.Theo đó, bên cạnh việc điều chỉnh linh hoạt tỉ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS, bộ này kiến nghị giảm tỉ trọng cho vay như xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng, khởi công dự án mới.
Một số khoản mục có thể giữ nguyên tỉ trọng như vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư. Đối với một số khoản mục cần phải tăng tỉ trọng cho vay như vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị NHNN cần nghiên cứu thêm hình thức “chuyển nợ” từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa NH với người mua nhà, bằng cách này sẽ không làm tăng tỉ trọng tín dụng BĐS, nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, đành rằng thị trường BĐS là lĩnh vực phi sản xuất, nhưng nếu ngừng cho vay toàn bộ hoạt động của lĩnh vực này một cách không chọn lọc và thiếu linh hoạt, sẽ gây nhiều tổn thất cho DN, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp và bất ổn cho hệ thống tài chính NH. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, nên tách bạch rõ các dự án BĐS.
Trước mắt, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn định đối với một số DN, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn. Ví dụ, các dự án đạt tỉ lệ hoàn thành từ 75 đến 80%. Các dự án có quy mô nhỏ và vừa với mức giá thấp và dễ dàng tiêu thụ. Hay các DN có uy tín, có tỉ lệ nợ xấu thấp và sản phẩm có tính thanh khoản cao trên thị trường... Không khuyến khích cho vay các dự án BĐS cao cấp, xa xỉ.
Chớ vội mừng
Song trao đổi với Lao Động sáng ngày 28/6, Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Giàu - cho hay, cơ quan này hiện vẫn chưa nhận được văn bản trên nên chưa thể có ý kiến về nội dung các đề xuất của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, NHNN sẵn sàng chuyển các đề xuất và kiến nghị trên tới các vụ, cục liên quan để nghiên cứu. “NHNN vẫn kiên trì định hướng giảm tốc độ và tỉ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ” - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói. Tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của TCTD so với tổng dư nợ theo đó đến ngày 30.6 tới đây chỉ còn tối đa 22% và đến ngày 31.12 phải giảm xuống còn không quá 16%.Trong khi đó tại hội thảo “Bất ổn kinh tế vĩ mô và tác động phúc lợi” do Văn phòng Chính phủ và WB tổ chức sáng 28.6, Phó Thống đốc NHNN - ông Nguyễn Văn Bình - cho hay, dư nợ để đầu tư kinh doanh bất động sản đến nay đã giảm 6,16% so với cuối năm 2010, xuống còn 220.787 tỉ đồng với tỉ lệ nợ xấu là 2,37%. Dư nợ trên chiếm khoảng 9,4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Với mức giảm này, tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, vẫn còn những rủi ro có thể phát sinh do dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỉ trọng khá lớn (tới 77%) trong khi vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn, nên có thể phát sinh rủi ro thanh khoản. Thứ hai là dư nợ cho vay xây dựng, mua nhà và sửa chữa nhà để bán hiện chiếm 45%, trong khi khả năng thu hồi nợ gặp khó khăn do giá nhà ở đang vượt quá khả năng thu nhập của đại đa số người có nhu cầu mua nhà để ở, nên khả năng tiêu thụ nhà ở đang có xu hướng chậm lại. Hơn nữa, nguy cơ rủi ro tín dụng và nợ xấu có xu hướng gia tăng do thị trường bất động sản biến động thất thường, tình trạng đầu cơ còn phổ biến và lãi suất vay TCTD tăng cao.
(Theo LĐO)
- 0
- By Admin
- 29/06/2011
- 17