Giải bài toán hành lang pháp lý cho quy hoạch Thủ đô (Bài 2)
Giảm mật độ dân cư ở khu vực nội thành sẽ tạo diện mạo mới cho Thủ đô.
Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để tiến hành việc di dời. Nếu đề nghị này được chấp thuận, quỹ đất mới sẽ được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo bộ mặt mới, khang trang, sạch đẹp hơn cho Hà Nội. Đây cũng là một trong những giải pháp gián tiếp giảm mật độ dân cư ở khu vực nội đô.
Tiến độ rùa
Năm 2006, HĐND TP Hà Nội đã có Nghị quyết thông qua Đề án về các nhóm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nhằm thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, có quy định việc di chuyển các bệnh viện, nhà máy, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô. Thế nhưng, trên thực tế, việc thực hiện chủ trương trên không những chậm mà hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều bệnh viện "mọc" thêm như Bệnh viện Răng Hàm Mặt bên cạnh Bệnh viện Việt - Đức; Bệnh viện Tai mũi họng trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai. Còn khi di dời các nhà máy, lại "mọc" lên nhà cao tầng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng rất chậm trễ trong di dời các cơ sở này?Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc di dời, một số bệnh viện, trường đại học còn chậm là do công tác quy hoạch mạng lưới các trường đại học, bệnh viện lớn của các bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế chậm; nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nơi chuyển đến khá lớn; việc xác định mức bồi thường, hỗ trợ cho nhà xưởng, thiết bị, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị phải di dời.
Đối với các trường hợp có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất để cân đối kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở mới, một số đơn vị hoặc nhà đầu tư đề nghị cải tạo, xây dựng lại theo hướng cao tầng. Điều này lại làm gia tăng mật độ dân cư, mật độ phương tiện đi lại trong khu vực nội đô và không phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Với quyết tâm khắc phục bất cập này, Hà Nội lên kế hoạch di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục đại học, y tế ra khỏi nội thành trong Luật Thủ đô. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là về lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để tiến hành di dời. Về định hướng sử dụng đất vàng sau đó, theo quan điểm của UBND thành phố Hà Nội, sẽ ưu tiên chủ yếu cho mục đích công cộng, tăng diện tích phục vụ chung cho cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo bộ mặt mới, khang trang, sạch đẹp hơn cho Hà Nội.
Khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới sẽ phải bảo đảm phạm vi lập quy hoạch mở rộng mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và lấy ý kiến người dân về chủ trương này. Dự thảo Luật Thủ đô cũng không cho phép mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có, không xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp trong khu vực nội thành và coi đây là một trong những giải pháp gián tiếp giảm dân cư ở khu vực nội đô và giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Giải pháp khả thi
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, quá trình xây dựng điều khoản kể trên, có ý kiến đề nghị không nên quy định cứng việc cấm mở rộng diện tích sử dụng đất, tăng quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có trong nội thành, vì như vậy rất khó cho ngành y tế khi phải đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế, hiện nay các bệnh viện trong nội thành đều đã quá tải về giường bệnh, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Điều này dẫn tới thực trạng cơ sở y tế không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách chất lượng nhất, đồng thời gây ra những áp lực về hạ tầng đô thị. Một vấn đề bất cập khác, các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố hiện nay chủ yếu là các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm, lại nằm trong các khu vực có mật độ dân cư quá dày đặc, chưa đủ điều kiện cách ly theo quy định…
Việc chuyển các bệnh viện ra ngoại thành nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông. |
Để có thể giải quyết tình trạng này, chỉ có duy nhất một giải pháp khắc phục là chuyển các bệnh viện ra khu vực ngoại thành nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông cũng như tạo điều kiện cho các bệnh viện được mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Trường hợp vẫn quá tải thì Hà Nội sẽ tạo điều kiện về quỹ đất cho các bệnh viện mở thêm các cơ sở khác nữa ở ngoại thành.
Ông Nguyễn Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, các bệnh viện mới xây dựng phải cách trung tâm thành phố trong bán kính khoảng 25 đến 30km2, phải đặt tại đầu mối giao thông thuận lợi cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận tới điều trị. Khi xây dựng những mô hình y tế, bệnh viện mới, các hệ thống xử lý rác thải y tế, trang thiết bị… cũng sẽ được đầu tư, làm mới đúng với quy mô của bệnh viện. Tương tự, các cơ sở giáo dục cũng có những bước điều chuyển như trên.
Các bộ, ngành chịu tác động của luật này đều cho rằng đây là chủ trương đúng của TP Hà Nội nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Tuy nhiên, theo luật sư Đoàn Ngọc Sơn - Đoàn luật sư Hà Nội, để thuận tiện cho quá trình triển khai, ngoài những cơ sở y tế mô hình mới cũng nên xây những khu nhà ở cho bác sĩ, y tá tham gia khám chữa bệnh, tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể yên tâm làm việc.
Về di dời một số trường đại học trong nội thành ra ngoại thành, phần lớn lãnh đạo các trường đều khẳng định đây là vấn đề bức thiết của ngành giáo dục. Bởi, sự bất cập và quá tải của nhiều trường đại học, cao đẳng trong nội thành về cơ sở vật chất, hệ lụy của sự "chật hẹp" ấy tác động đến chất lượng đào tạo đã quá rõ. Hiện bình quân diện tích đất cho một sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng công khoảng 35,7m2 - rất thấp so với tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành là từ 55 đến 85m2/sinh viên.
Tuy nhiên, việc di dời vẫn khiến lãnh đạo một số trường tâm tư, lo thiếu đất sạch và một cơ chế mở, việc đầu tư cơ sở mới cùng với hệ thống trang thiết bị cần nguồn vốn lớn, có thể tới hàng nghìn tỷ đồng trong khi ngân sách nhà nước lại hạn chế. Do đó, nếu văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Thủ đô giải trình chi tiết về quy trình, cách thực hiện sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong ngành giáo dục.
Giải bài toán hành lang pháp lý cho quy hoạch Thủ đô (Bài 1)
(Theo Hà Nội Mới)
- 150
- By Admin
- 02/11/2012
- 17