• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giải bài toán hành lang pháp lý cho quy hoạch Thủ đô (Bài 1)

Luật Thủ đô tạo hành lang pháp lý để xây dựng Hà Nội đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Đề xuất tăng thêm quy định nhập cư của Dự thảo Luật Thủ đô đang làm "nóng" diễn đàn Quốc hội. Trong những cuộc thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thừa nhận một thực tế là với làn sóng nhập cư ào ạt, Thủ đô đang quá tải về dân số, kéo theo sự quá tải về hạ tầng xã hội, giao thông, y tế, giáo dục...

Gánh nặng cơ sở hạ tầng

"Quy định quản lý nhập cư khu vực nội thành Hà Nội là vô cùng cần thiết. Thủ đô đang quá tải, nếu không có biện pháp quản lý tôi sợ mấy năm nữa ra họp sẽ chẳng còn đường mà đi", ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu như vậy khi bàn về Dự thảo Luật Thủ đô. Cũng giống như đại biểu Nguyễn Bá Thanh, nhiều ĐBQH từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước mỗi năm hai lần ra Thủ đô dự họp QH không ít thì nhiều đều ngán ngẩm với nạn tắc đường, ùn xe, với mật độ dân cư đông đến nghẹt thở.

Đến khu 36 phố phường, chứng kiến cảnh nhiều hộ gia đình gồm vài chục người già có, trẻ có chen chúc trong những ngôi nhà cũ kỹ tại một con ngõ chật chội, sâu hun hút, ẩm thấp và thiếu ánh sáng, không ít người đã cám cảnh "sống giữa Thủ đô mà sao khổ thế!".

Quả thật, dân cư tăng nhanh nhưng lại phân bổ không đồng đều giữa khu vực nội thành với ngoại thành đã kéo theo nhiều vấn đề nan giải. Chỉ tính riêng khu vực nội thành cũ gồm 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã có hơn 1 triệu người đăng ký hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, quy hoạch về cơ sở hạ tầng, giao thông, điện nước, môi trường… ở khu vực này chỉ dành cho khoảng 30-40 vạn dân.

Ở lĩnh vực giao thông, Thủ đô đang phải gánh hơn 300.000 ô tô và gần 4 triệu xe máy, trong khi diện tích đường hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 40% lượng phương tiện giao thông đăng ký của thành phố. Hay trong lĩnh vực giáo dục, mỗi năm Thủ đô Hà Nội tăng xấp xỉ 100.000 học sinh, riêng cấp mầm non có thêm 38.000. Học sinh tăng nhanh, đất xây trường khan hiếm, nên dù HĐND TP ra nghị quyết, các quận đôn đáo thực hiện thì năm nay Hà Nội cũng chỉ xây mới được 4 trường mầm non khu vực nội thành trên diện tích các cơ sở di dời.

Thiếu trường, nên các bậc phụ huynh phải thức trắng đêm xếp hàng xin học cho con, chấp nhận một lớp có 50-60 học sinh… Đây là "nét đặc trưng" không mấy tự hào của giáo dục nội thành Hà Nội. ĐBQH Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, người dân nhập cư tăng nhanh, nếu cứ tiếp tục tăng nữa thì ngành giáo dục sẽ rất khổ!.
Giải bài toán hành lang pháp lý cho quy hoạch Thủ đô (Bài 1) | ảnh 1
Tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông luôn là vấn đề bức xúc.

Chính vì vậy, Dự thảo Luật Thủ đô đã đưa đề xuất tăng quy định về nhập cư khu vực nội thành vào Dự thảo. Theo đó, muốn đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ 3 năm trở lên, nhà thuê diện tích tối thiểu 5m2/người, có việc làm ổn định…

Lấp các khoảng trống của pháp luật

Dù thừa nhận sự quá tải của Thủ đô song vẫn có ĐBQH băn khoăn: Đề xuất tăng thêm quy định nhập cư khu vực nội thành có trái với Luật Cư trú? Những băn khoăn của các ĐBQH là hoàn toàn thỏa đáng bởi với tư cách người đại diện của nhân dân, được nhân dân tin tưởng lựa chọn, trước khi bấm nút thông qua bất cứ một vấn đề, một nội dung nào các đại biểu đều phải tìm hiểu căn nguyên rõ ràng bởi mỗi quyết định như vậy đều chứa đựng trách nhiệm.

Để giải đáp những thắc mắc này, mới đây trong buổi thảo luận tổ về Dự thảo Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định, nếu như tất cả các luật khác như Luật Cư trú, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường… có chương dành riêng các quy định cho Thủ đô thì việc xây dựng Luật Thủ đô là hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, từ trước đến nay khi làm luật chúng ta chưa tính đến việc này và Dự thảo Luật Thủ đô nhằm bổ sung, hoàn thiện cho hệ thống pháp luật của đất nước. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là việc làm cần thiết, đúng thủ tục, đúng thẩm quyền của QH, xuất phát từ yêu cầu khách quan của đời sống xã hội.

Trên thực tế, Hà Nội đã và đang bắt tay vào tháo gỡ những tồn tại nảy sinh do hậu quả của việc nhập cư ồ ạt. Chủ trương di dời bớt trường đại học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, và cả trụ sở các bộ, ngành TƯ đã được đề cập nhiều năm trước. Gần 10 năm trở lại đây, dự án giãn dân phố cổ với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã được khởi động. Bài toán quá tải đang phải thực hiện, nếu cứ tiếp tục thêm những làn sóng nhập cư ồ ạt như vừa qua chắc chắn sẽ là khó khăn cho chính quyền các cấp.

Tương tự, trong xử phạt vi phạm hành chính, Dự thảo đề xuất tăng mức phạt nhằm tăng mức răn đe với những trường hợp cố tình vi phạm. Hãy thử làm một phép tính đơn giản, giá trị giao dịch mỗi mét vuông xây dựng ở Thủ đô lên tới hàng trăm triệu đồng, chủ đầu tư chỉ cần xây sai phép, vượt 1-2 tầng, mỗi tầng hàng trăm mét vuông thì số tiền ở mức 50-100 triệu đồng như luật hiện hành liệu có đủ sức răn đe?

Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu không ban hành Luật Thủ đô thì tại từng luật riêng rẽ luôn có những chương, điều riêng dành cho Thủ đô với những quy định đặc thù. Hy vọng rằng, Luật Thủ đô khi ban hành sẽ lấp đầy các khoảng trống còn thiếu của pháp luật hiện hành đối với Thủ đô và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước.

(Theo Hà Nội Mới)

  • 163
  • By Admin
  • 01/11/2012
  • 17