• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giấc mơ liệu có thành sự thực?

Đồ án thiết kế đô thị dọc các tuyến đường đại lộ Đông-Tây, xa lộ Hà Nội và vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi vẽ ra một bức tranh về không gian kiến trúc đô thị hiện đại, thân thiện môi trường và hoài cổ cho Tp.HCM.  Tuy nhiên, để đồ án nói trên trở thành hiện thực, vẫn còn rất nhiều khó khăn đang chờ đón ở phía trước.

Giấc mơ liệu có thành sự thực? | ảnh 1
Đại lộ Đông-Tây đi qua trung tâm thành phố. Ảnh: Lê Toàn.

Giấc mơ... được chấp nhận

Nghiên cứu thiết kế đô thị dọc các tuyến đường đại lộ Đông-Tây, xa lộ Hà Nội và vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi được Trung tâm Thông tin quy hoạch (thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM) thực hiện từ đầu năm 2009. Đến giữa tháng 3-2011, lãnh đạo thành phố đã đồng ý với cách đặt vấn đề của nhóm nghiên cứu trong việc bố trí không gian đô thị ở những vị trí khác nhau dọc theo các tuyến đường.

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, cho rằng ba tuyến đường nói trên có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển một đô thị đa trung tâm như Tp.HCM. “Đây là những tuyến đường mang tính kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị phụ cận nên kiến trúc hai bên đường phải hiện đại, thân thiện môi trường, nhưng không đánh mất những giá trị kiến trúc cũ - thể hiện được bộ mặt kiến trúc của thành phố”, ông Thụ nói.

Theo đồ án thiết kế, dọc xa lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai dài 17 ki lô mét; chiều rộng từ lộ giới vào hai bên đường từ 100-300 mét) sẽ hình thành những cụm đô thị nén với kiểu kiến trúc nhà cao tầng. Đô thị nén là vì chạy song song với tuyến đường này còn có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (trong tương lai) nên giải quyết được vấn đề giao thông khi mật độ dân số tăng cao. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất xây dựng các nhà ga metro hiện đại, thân thiện với môi trường và là điểm nhấn kiến trúc cho khu vực.

Đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi được thiết kế từ sân bay Tân Sơn Nhất đến nút giao thông Linh Xuân (từ lộ giới vào từ 100-300 mét). Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2025, có một điểm giao cắt giữa tuyến đường này với tuyến metro từ trung tâm đi về hướng Gò Vấp, Hóc Môn. Do đó, tại điểm giao cắt này sẽ xây dựng một nhà ga cùng trung tâm thương mại - dịch vụ đa chức năng với kiến trúc tạo điểm nhấn cho khu vực

Khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng xây một công trình kiến trúc có giá trị để “tiếp thị” với du khách. Đoạn đi qua quận Thủ Đức công trình xây dựng chưa nhiều nên sẽ xây dựng nhiều trung tâm thương mại cao tầng, hiện đại. Nhưng đoạn chạy qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp, mật độ dân số đông, vì vậy đồ án đề xuất từng bước chỉnh trang đô thị. Khu dân cư mới xây dựng tầng trệt phải có khoảng lùi - chừa vỉa hè cho người đi bộ; nhà phố hiện hữu được bố trí theo từng cụm có đường giao thông kết nối với trục đường chính. Ở đoạn đường này còn có nhiều hầm chui, cầu vượt... Riêng khu vực giao nhau với rạch Xuyên Tâm đồ án đã đề xuất những giải pháp để bảo tồn cảnh quan sông nước, đặc trưng vùng Nam bộ.

Đại lộ Đông-Tây dài 22 ki lô mét (từ Bình Chánh đến quận 2, từ lộ giới vào trong từ 100-150 mét) cũng đã được thiết kế với độ cao trung bình của các công trình kiến trúc là 25 tầng. Con đường này chạy theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nên sẽ được tái hiện cảnh trên bến dưới thuyền một thời sầm uất. “Thông qua các thiết kế đô thị phù hợp, Tp.HCM có thể tái hiện cảnh trên bến dưới thuyền để lưu giữ hình ảnh của Sài Gòn xưa”, ông Thụ nói. Dự kiến nhiều công trình kiến trúc trên tuyến đường này cũng sẽ là điểm nhấn cho kiến trúc hiện đại của thành phố.

Về cơ bản, đối với những khu đất công diện tích lớn nằm dọc theo các tuyến đường này mà gần bờ sông, theo ông Thụ, cần được tổ chức thi thiết kế để có những công trình kiến trúc phù hợp với không gian đô thị đồng thời phải tạo ra nét riêng biệt. Theo đồ án thiết kế đô thị, cảnh quan sông nước phải là không gian công cộng nên hạn chế tối đa “tư nhân hóa”. Các khu dân cư hiện hữu có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống cơ bản tốt sẽ được giữ lại nhưng khi người dân có nhu cầu xây mới sẽ được khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường và kiến trúc phù hợp.

Nhưng... có thành hiện thực?

Dù việc thiết kế đô thị dọc ba tuyến đường nói trên là rất khó vì “thực hiện trên cơ sở việc đã rồi”, như lời của ông Hồ Quang Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM, nhưng nhóm nghiên cứu cũng đã “vẽ” ra được nét kiến trúc rất hoành tráng. Vì chính quyền Tp.HCM muốn “kiến trúc đô thị dọc theo các tuyến đường phải hiện đại, sử dụng giải pháp theo hướng tiếp cận mới về hệ sinh thái đô thị (vỉa hè xanh, kiến trúc xanh, kiến trúc tiết kiệm năng lượng...)”.

Lập thiết kế đô thị dọc các tuyến đường này cho đẹp, hiện đại không khó, cái khó là thực hiện các thiết kế này như thế nào. Ông Thụ nói rằng, cách đây vài tháng, thời điểm nhóm nghiên cứu của ông tính toán, giá đền bù giải tỏa thấp, giá bán căn hộ cao... nên có thể kêu gọi các nhà đầu tư; còn bây giờ giá đền bù cao, giá bán căn hộ thấp... làm sao thuyết phục nhà đầu tư thực hiện dự án chỉnh trang đô thị theo đồ án thiết kế! “Chỉ có vài tháng thôi mà các tính toán đã không còn chút giá trị nào”, ông Thụ nói.

Theo KTS. Khương Văn Mười, Hội Kiến trúc sư Tp.HCM, lập thiết kế đô thị dọc ba tuyến đường nói trên là cần thiết nhưng phải dựa trên tính khả thi, vì vẽ rất đẹp nhưng không có nhà đầu tư thì khó mà trở thành hiện thực. KTS. Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng, thiết kế đô thị dọc các tuyến đường như thế sẽ tạo ra rất nhiều việc mà chính quyền Tp.HCM phải làm và làm khó xuể. Vì vậy, cần khoanh vùng và đặt ra kế hoạch về thời gian cũng như thứ tự các công việc ưu tiên thực hiện. Đồng quan điểm này, KTS. Nguyễn Trường Lưu muốn việc thiết kế đô thị dọc các tuyến đường này nên giới hạn công việc và định lượng thời gian.

Ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng Tp.HCM, cho rằng để tạo được mỹ quan đẹp dọc các tuyến đường này là một quá trình dài, có thể vài chục năm. Thế nhưng, vấn đề là chúng ta có quyết tâm thực hiện hay không và ai là người sẽ thực hiện...?

(Theo TBKTSG)


  • 0
  • By Admin
  • 05/04/2011
  • 17