Giá vàng tác động thế nào đến thị trường bất động sản?
TS Nguyễn Dũng Tiến, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa chính cho rằng, giá vàng tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến thị phần BĐS bởi thói quen giao dịch mua bán nhà đất bằng vàng. Việc giá vàng tăng liên tục đã làm thị trường chung bị nhiễu thông tin và khó định hướng.Người ta phải tạm dừng các giao dịch BĐS và chờ đợi. Sự thay đổi đột ngột tỷ giá vàng và đồng Đô la sẽ tác động tới các ngân hàng tín dụng, cụ thể là quy trình vay - nợ. Trên thế giới, những nước có thị trường BĐS quan hệ chặt chẽ với các thị trường tiền tệ, thị trường vốn thì tác động này rất mạnh và trực tiếp.
Đối với Việt Nam, thị trường BĐS cũng không ngoại lệ, dù quan hệ thị trường này với các thị trường khác vẫn ở dạng đơn lẻ và chưa thành hệ thống. “Cơn bão” giá vàng đã gây ra cú sốc làm đảo lộn việc mua, bán đầu tư, tích trữ. Đó cũng là nguyên nhân khiến người ta ít nghĩ đến việc đầu tư dài hơi trên thị trường BĐS, bởi đầu tư BĐS trong lúc này thì không thể nóng vội.
Theo phân tích của giới chuyên môn cho thấy, Nghị định 71/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23-6 -2010, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường BĐS, cụ thể là sẽ tăng tính minh bạch, gây sức ép lên những chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, giảm nguy cơ ‘bong bóng’’ giá và hiệu ứng đầu cơ cũng có thể giảm, chứ không phải do tác động của giá vàng tăng cao. Các chuyên gia phân tích thêm, giá vàng hiện đang tăng đột biến, thị trường chứng khoán lên xuống thất thường, các kênh đầu tư khác như kênh đầu tư ngoại tệ cũng thất thường, chỉ có kênh BĐS là nhiều người vẫn cho rằng, sẽ an toàn hơn trong thời điểm hiện tại.
Giám đốc sàn giao dịch BĐS Thăng Long, Nguyễn Quang Điền cũng cho rằng, việc giá vàng tăng cao không tác động nhiều đến thị trường BĐS, giao dịch tại sàn tuy có phần chững lại, nhưng đó là tình hình chung của tất cả các sàn giao dịch BĐS hiện nay. Song, không phải do tác động giá vàng tăng, bởi giao dịch của những căn hộ hoặc chung cư cao cấp vẫn được thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng. Những quy định siết chặt vốn vay hiện nay của các ngân hàng cùng vấn đề suy thoái và lạm phát chính là nguyên nhân buộc các nhà đầu tư phải thận trọng hơn, do đó đã làm cho thị trường BĐS trầm lắng ngay trước thời điểm diễn ra “cơn bão” giá vàng.
Thông tin từ các sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội cũng cho thấy, các sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội vẫn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt Việt Nam đồng, ít thanh toán bằng vàng. Sự điều tiết về giá cả thị trường vàng nhạy cảm hơn so với thị trường BĐS. Do vậy, việc rút đầu tư từ BĐS chuyển sang kinh doanh vàng là điều mạo hiểm.
Hiện có hai quan điểm, ý kiến trái chiều nhau xung quanh vấn đề này. Một chiều ý kiến thì cho rằng, việc tăng giá vàng tất nhiên có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS vốn dĩ đang “trầm lắng” lại càng “trầm lắng” hơn.
Căn cứ bảo vệ luận điểm này dựa trên cơ sở các giao dịch BĐS từ trước đến nay chủ yếu bằng vàng. Với tình trạng giá vàng tăng đột biến lại không ổn định thì không chỉ người bán dè dặt mà ngay cả người mua cũng thận trọng, dẫn đến thị trường BĐS hiện nay rất ảm đảm. Trái với luận điểm này, nhiều nhà đầu tư BĐS lại tỏ ra bàng quan trước “cơn bão” giá vàng.
Bởi, theo họ thì thị phần BĐS trầm lắng không phải do giá vàng tăng mà nguyên nhân chính do tác động trực tiếp của Nghị định 71/NĐ-CP, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật nhà ở, nhất là việc quy định 20% số lượng nhà bán của DA không qua sàn giao dịch BĐS.
Giao dịch mua bán vàng vẫn diễn ra nhộn nhịp |
Hai quan điểm trái chiều nhau khi đánh giá về ảnh hưởng của giá vàng tăng mạnh có tác động như thế nào đến thị trường BĐS xem ra không phải không có cơ sở. Tại Hà Nội, phần lớn việc mua bán nhà đất, giao dịch BĐS không còn gắn chặt với giá vàng như trước đây.
Nhưng tại Tp.HCM thì ngược lại, việc giao dịch mua bán nhà đất, BĐS được thanh toán bằng vàng còn khá phổ biến. Sự lo lắng của các nhà đầu tư trước tình trạng giá vàng tăng đột biến là điều tất nhiên. Bởi, khi mỗi mét vuông đất ở những khu đất “vàng” hay những vùng “nhạy cảm” tại Tp.HCM có giá hàng cả chục “cây” vàng sẽ là một lượng tiền mặt được quy đổi lớn thế nào để thanh toán các giao dịch về nhà đất.
Khi giá vàng tăng đột biến, nhất là khi đồng tiền Việt Nam chưa đủ độ tin cậy và bảo đảm an toàn thì buộc cá nhân hay các nhà đầu tư phải tìm đến phương thức giao dịch mua bán BĐS bằng vàng hay Đôla - Đó là điều hiển nhiên! Theo ước tính, các giao dịch BĐS bằng vàng hiện nay vẫn chiếm từ 60 đến 70%. Trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu vàng tới 60 tấn/năm thì việc sử dụng vàng vào giao dịch BĐS quả thật quá lãng phí nguồn lực đầu tư cho phát triển đất nước.
Trước tình trạng giá vàng tăng mạnh và bất ổn định như hiện nay, các giao dịch về nhà đất, BĐS là rất thấp. Không ít những giao dịch đã đặt cọc vàng để mua nhà nhưng do biến động giá vàng nên các giao dịch này đã bị phá vỡ hoặc đổ bể. Người mua nhà hoặc nhà đầu tư tìm cơ hội giao dịch BĐS hiện rất ngại khi đối tác rao bán, yêu cầu thanh toán bằng vàng, do sợ giá vàng tiếp tục tăng. Trong khi người bán hoặc các giao dịch BĐS nhỏ, lẻ lại muốn thanh toán bằng vàng để hưởng chênh lệch khi giá vàng thay đổi, tăng cao... thật khó có cơ sở để đánh giá chính xác về vấn đề này. Bởi, chưa có văn bản nào mang tính pháp quy Nhà nước nhằm thay đổi phương thức giao dịch vốn đã trở thành “thói quen” trong các giao dịch BĐS theo những cách trên!
(Theo PL&XH)
- 412
- By Admin
- 27/10/2010
- 17