Giá thuê văn phòng, khách sạn tiếp tục "tụt dốc"
Hiện nay, nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang dần quay trở lại Việt Nam và giá cho thuê văn phòng đã giảm nhưng nhu cầu vẫn rất thấp. Công suất thuê bình quân chỉ tăng 1% so với cuối năm 2009.
Với khoảng 610.000 m2, diện tích văn phòng tại Hà Nội đã tăng khoảng 3,5% so với quý 4 năm 2009 với 86 văn phòng các hạng phân bố tại 10 quận nội thành.
Riêng 2 tòa nhà văn phòng mới nhất là Hanoi Tourism Tower (quận Hoàn Kiếm) và Sky City Tower (quận Đống Đa) đã bổ sung thêm khoảng 17.600m2 diện tích văn phòng cho thị trường.
Tuy nhiên, giá thuê văn phòng trên tất cả các hạng vẫn tiếp tục xu hướng giảm, thấp hơn 3,6% so với quý 4 năm 2009, đạt khoảng 27 USD/m2 mỗi tháng. Điều này cho thấy giá cho thuê văn phòng về gần với thực tế hơn so với những năm trước.
Quy mô văn phòng hạng A được thuê trong quý này tăng không đáng kể, trong khi văn phòng hạng B giảm tới 50%. Hiện chỉ có văn phòng hạng C đạt được kết quả khả quan khi có tác động của quy định cấm sử dụng chung cư vào mục đích cho thuê văn phòng hoặc kinh doanh thương mại.
Các chuyên gia bất động sản dự đoán phân khúc văn phòng hạng C sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn tiếp theo.
Savill dự kiến, trong 4 năm tới, thị trường sẽ được bổ sung khoảng 1,9 triệu m2 văn phòng từ 120 dự án sẽ dẫn đến nguy cơ thừa nguồn cung. Ước tính khu vực quận trung tâm thành phố chỉ chiếm khoảng 5% lượng cung mới này.
Tuy nhiên, với tình trạng chậm tiến độ và trì hoãn, nhiều khả năng những dự án này sẽ đi vào thị trường muộn hơn dự kiến. Giá thuê dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm, song có thể phục hồi trong vòng 12-16 tháng tới.
Vào thời điểm này, nhiều khách thuê sẽ linh hoạt tìm địa điểm thuê mới tại các khu vực ngoài trung tâm khi nguồn cung trong trung tâm thành phố được phủ kín. Do vậy, thị trường văn phòng kỳ vọng sẽ hồi phục và đạt mức tăng trưởng ổn định trong khoảng từ cuối năm 2010 đến nửa đầu năm 2011.
Cũng giống như lĩnh vực văn phòng, giá thuê phòng trung bình của các khách sạn từ 3 đến 5 sao tại Hà Nội trong quý này đã giảm 3,8% so với quý 4 năm 2009, đạt 88 USD/đêm.
Giá thuê khách sạn 5 sao giảm nhiều nhất với mức 5,6%, 3 sao giảm 3,4%. Trong khi đó, giá thuê văn phòng trung bình của khối khách sạn 4 sao lại tăng 4% so với quý trước.
Công suất thuê phòng trung bình của toàn bộ thị trường đạt 60%, giảm 2,8% so với quý trước. Khối khách sạn 3 sao có mức độ giảm nhiều nhất là 6%, theo sau là khối khách sạn 5 sao và 4 sao so với mức giảm lần lượt là 1,7 và 1%.
Cùng đó, doanh thu trên mỗi phòng của toàn bộ thị trường cũng giảm 8% so với quý 4 năm 2009, hiện đạt 53 USD. Nguyên nhân là do sự sụt giảm đáng kể về công suất phòng của hầu hết các khách sạn vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam (tháng Hai năm 2010).
Trong quý này, chỉ có khối khách sạn 4 sao duy trì kết quả hoạt động tốt với doanh thu trên mỗi phòng tăng 2,5%. Khối khách sạn 3 sao hoạt động kém hiệu quả nhất, doanh thu trên mỗi phòng đã giảm tới 13%.
Quý 1 năm nay, không có khách sạn 3, 4, 5 sao nào gia nhập thị trường. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có 38 khách sạn với gần 5.700 phòng, gồm 10 khách sạn 5 sao, 6 khách sạn 4 sao và hơn 20 khách sạn 3 sao.
Trong tương lai, thị trường khách sạn Hà Nội sẽ có khoảng 30 dự án với hơn 6.100 phòng, gấp đôi số lượng phòng khách sạn hiện tại.
Trong đó nổi lên là 4 dự án là Oriental Pearl, Grand Plaza Hanoi, Crown Plaza và Hotel De L’Opera với gần 1.200 phòng dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay. Savills cho rằng nhu cầu khách sạn có thể giảm do không phải "mùa cao điểm".
Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt gần 878.000 lượt, tăng khoảng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành du lịch Việt Nam vẫn tăng nhanh gấp 2 lần mức tăng trưởng của GDP trong những năm gần đây.
Đặc biệt, một số sự kiện của năm 2010 mà nổi bật là kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là yếu tố thu hút khách du lịch, khiến nhu cầu về văn phòng cho ngành du lịch và thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ "nổi sóng."
- 0
- By Admin
- 09/04/2010
- 17