• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giá thép trong nước phụ thuộc vào xu hướng của giá thép thế giới

Thị trường thép trong nước được dự báo dần dần phục hồi kể từ quý II/2012. Bên cạnh đó, mặt bằng giá thép trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào xu hướng giá trên thị trường thép thế giới.

Theo dự báo của Bloomberg, nhu cầu sử dụng hợp kim của thế giới sẽ tăng 4,5% trong năm nay, ít hơn 5,4% theo dự báo trước đó của Hiệp hội Thép thế giới.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm tăng trưởng ngành thép là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và châu Âu, nơi các đơn hàng đặt sản phẩm thép để xây dựng nhà ở, chế tạo xe hơi và thiết bị chững lại.

Giá thép trong nước phụ thuộc vào xu hướng của giá thép thế giới | ảnh 1

Giá thép cuộn cán nóng được nhận định giảm trung bình 5%, xuống mức 734 USD/tấn trong năm 2012, so với mức 772 USD/tấn cuối năm 2011. Giá thép sẽ tiếp tục giảm trừ khi Trung Quốc nới lỏng các quy định trong lĩnh vực bất động sản tư nhân và tình hình châu Âu ổn định trở lại.

Giá phôi thép tại khu vực miền Bắc Trung Quốc vẫn duy trì chiều hướng giảm nhẹ do tác động của thị trường thép giao dịch kỳ hạn xuống giá, cũng như hoạt động giao dịch trên thị trường giao ngay rất chậm chạp sau Tết Âm lịch. Cuối tuần qua, tại Trung Quốc, thị trường thép lớn nhất thế giới, hợp đồng thép cây giao tháng 5 đóng cửa ở mức 681 USD/tấn, giảm 5% so với đầu tuần.

Nhận định về thị trường thép năm 2012, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, doanh nghiệp ngành thép cần chú trọng nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm sau cán thép, liên kết các doanh nghiệp tạo nên sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Năm nay, việc hội nhập kinh tế thế giới sâu hơn, hàng rào thuế quan của Việt Nam phải giảm dần theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN với ưu thế giá rẻ sẽ càng tạo thêm áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thép trong nước.

Do đó, ngành thép cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khu vực cũng như trên thế giới để tiêu thụ sản phẩm.

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo ngành thép đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án thép lớn, trọng điểm như Dự án cải tạo và mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai, Nhà máy Thép Thạch Khê công suất 2 triệu tấn/năm. Các địa phương ngay từ đầu năm sẽ rà soát và quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa bàn; rà soát và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án không đủ điều kiện triển khai.

Bên cạnh việc chủ động sản xuất, thích ứng với những biến động trên thị trường, trong một kiến nghị mới đây, các doanh nghiệp ngành thép đề nghị Chính phủ có giải pháp ổn định kinh tế tế vĩ mô, giữ ổn định đồng nội tệ, từng bước giảm lãi suất huy động và cho vay; ổn định tỷ giá ngoại tệ (USD), đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ với mục đích nhập khẩu nguyên vật tư để sản xuất; có chính sách hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được và đáp ứng đủ nhu cầu như thép xây dựng, thép tấm cán nguội dạng cuộn, tôn mạ kẽm, tôn mạ màu, ống thép các loại, thép kết cấu mạ…

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Công Thương ưu tiên cung cấp điện ổn định và liên tục cho các đơn vị sản xuất phôi thép; tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác, đầu tư để giúp ngành thép đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm.

(Theo ĐTCK)

  • 242
  • By Admin
  • 08/02/2012
  • 17