Giá thép chạm đáy do nhà đầu cơ xả hàng tồn
Thưa ông, nguyên nhân nào khiến cho giá thép biến động thất thường như thời gian vừa qua?
Yếu tố quyết định giá thép là cung – cầu thị trường và giá nguyên liệu đầu vào. Cả hai yếu tố này đều chịu tác động của mối liên thông giữa trong nước và ngoài nước. Khi giá ngoài nước có biến động thì ngay lập tức giá trong nước cũng sẽ thay đổi theo.
Riêng trong quý 1 do nhiều doanh nghiệp kinh doanh thép cố tình găm hàng, đầu cơ nên đẩy giá thép tăng cao. Đến quý 2, giá thép thế giới bất ngờ giảm mạnh nên các doanh nghiệp này lại vội vàng đẩy hàng tồn khiến cho giá thép hạ xuống.
Thứ hai là do cung – cầu, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp đã khiến cho kinh tế sa sút, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm, trong đó có thép, làm giá thép thế giới giảm mạnh.
Thứ 3, ở trong nước, một số dự án xây dựng công trình xã hội chưa thu hút được vốn đầu tư, cụ thể là có 140 dự án đang không có vốn để làm, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép giảm, kéo theo giá giảm.
Để xảy ra tình trạng giá thép diễn biến thất thường như thời gian qua cũng phải thừa nhận công tác dự báo giá của mình chưa tốt.
Sản lượng thép của nước ta tăng khá mạnh nhưng tại sao vẫn nhập siêu thép vẫn khá lớn?
Hiện nay cần phải phân biệt rõ, thép trong nước sản xuất được và không sản xuất được. Ví dụ năm 2009, nước ta nhập nhập khoảng gần 6 tỷ đô la Mỹ, trong đó 3 tỷ là nguyên vật liệu để sản xuất thép, khoảng hơn 2 tỷ là thép trong nước chưa sản xuất được, còn lại khoảng gần 1 tỷ là những sản phẩm trong nước sản xuất được.
Vừa rồi để hạn chế những sản phẩm trong nước sản xuất được như thép xây dựng, cám muội, tôn mạ kim loại, ống thép các loại, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng hạn chế cho vay, cấp tín dụng, đổi đô la cho những thương nhân nhập sản phẩm thép trong nước sản xuất được. Tăng cường hoạt động kiểm tra của các cơ quan hải quan, để xác định đúng đối tượng thép được hưởng thuế ưu đãi.
Sản xuất thép tiêu tốn lớn về nguồn điện, có ý kiến cho rằng, lẽ ra khi sản lượng thép giảm thì ngành thép nên tiết giảm để tiết kiệm điện, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Mỗi bộ phận tiêu thụ khác nhau. Ví dụ sản xuất phôi thép thì đúng là tiêu thụ điện lớn, nhưng cáp thép và luyện thép thì không phải là lớn. Luyện mỗi tấn thép tiêu thụ khoảng 5kWh điện, cáp thép là từ 80 – 100kWh. Thực tế là các nhà máy phôi thép đã bị hạn chế sản lượng nên sản xuất phôi 6 tháng vừa qua cũng có mức độ.
Công suất sản xuất phôi chúng ta đã có tới trên 5 triệu tấn. Nhưng thực tế 6 tháng vừa rồi chúng ta chỉ sản xuất 1,3 triệu tấn là do điện thiếu, do nhu cầu giảm, nên sản lượng giảm. Do vậy không kích thích phôi nhiều hơn, lượng điện sử dụng cũng giảm đi nhiều.
Ông dự đoán thế nào về sản xuất thép 6 tháng cuối năm?
Hiện nay giá thép đang xuống thấp có thể coi là chạm đáy nhưng không bật mạnh lên được, mà chỉ chập chờn lúc lên lúc xuống ở mức đáy. Thực tế trong 15 ngày vừa qua, giá thép đã đi lên nhưng rồi lại đi xuống một chút.
Tôi nghĩ, trong quý 3 này tiêu thụ thép sẽ vẫn còn thấp, tháng 7,8 cũng vẫn thấp nhưng quý 4 có thể nó sẽ khá lên. Năm nay tôi đánh giá là rất khó đạt được mức tăng dự kiến là 10 – 15%, chỉ có thể tăng 7 – 8%.
Trước những diễn biến khó lường của giá thép, các doanh nghiệp chỉ nên ký hợp đồng theo quý, không nên ký cả một năm, tránh những diễn biến giá bất lợi từ ảnh hưởng của thị trường thế giới.
Xin cảm ơn ông!
- 292
- By Admin
- 08/07/2010
- 17