• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Giá nhà đất tại đô thị lớn quá cao

Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc Cty CP Phát triển Nhà Thủ  Đức (ThuDuc House) trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng xung quanh vấn đề này.

Đứng ở góc độ DN, ông thấy khó khăn nào khi đầu tư vào phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình?

- Trước hết cần phân biệt rõ phân khúc nhà thu nhập thấp và nhà giá trung bình là hoàn toàn khác nhau. Nhà cho người có thu nhập thấp đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt như nguồn vốn có hỗ trợ lãi suất, chính sách cho vay trả góp dài hạn với lãi suất thấp, chính sách phân phối theo tiêu chuẩn người nghèo, giá đất rẻ… Nếu không có những hỗ trợ đó thì sẽ không có nhà đầu tư nào dám làm vì sẽ cầm chắc thua lỗ. Trong khi đó, nhà có giá trung bình lại là sản phẩm kinh doanh đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân có thu nhập từ trung bình trở lên. Loại sản phẩm này chỉ cần sự hỗ trợ bằng chính sách tín dụng nhằm cung cấp thêm nguồn vốn vay trung hạn cho các nhà đầu tư để có thể triển khai được dự án.

Giá nhà đất của các đô thị lớn hiện nay đã ở mức quá cao so với các nước lân cận. Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách thuế, đặc biệt là thuế chuyển nhượng BĐS và tiền sử dụng đất phải nộp để giảm bớt đà tăng giá do thuế chồng lên thuế. Hiện nay các dự án đang phải đền bù hoặc mua lại của người dân với mức quá cao, sau đó lại phải đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước một lần với số tiền cao không kém. Do vậy các DN mong muốn Bộ Tài chính nghiên cứu cải tiến phương thức đánh thuế hợp lý hơn, ví dụ giảm bớt tiền sử dụng đất và cho trả dần theo tiến độ xây dựng, hoặc thay đổi cách đánh thuế theo các nước tiên tiến, bỏ hẳn việc tính tiền sử dụng đất trên đất sở hữu hợp pháp mà thay bằng loại thuế đóng định kỳ hàng năm để khuyến khích sử dụng BĐS một cách hiệu quả hơn. Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh hơn quá trình cải cách hành chính, thủ tục xây dựng và hợp lý hoá quy trình xét duyệt quy hoạch.

Ông nhận định như thế nào về thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình?

- Hiện nay nền kinh tế của Việt Nam đã bước đầu thoát ra khỏi khủng hoảng và tăng trưởng trở lại, mức độ tái lạm phát còn tiềm ẩn nhưng vẫn có thể kiểm soát được, thị trường chứng khoán bắt đầu hồi phục chứng tỏ niềm tin của giới đầu tư đã được củng cố. Bên cạnh đó, các khu vực kinh tế lớn của thế giới cũng đã vượt qua khó khăn ban đầu, các dòng đầu tư FDI có dấu hiệu khơi thông trở lại. Những yếu tố đó sẽ tác động rất tích cực đến mức tăng thu nhập nội địa và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm các loại, trong đó có BĐS và thúc đẩy gia tăng đầu tư cá nhân. Tôi cho rằng từ quý II này, thị trường BĐS sẽ ấm lại và phát triển ổn định hơn.

Hiện nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình là rất lớn. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta vẫn chưa làm được, ông có thể cho biết nguyên nhân?

- Nguyên nhân lớn nhất là do thiếu vốn vì đầu tư BĐS cần rất nhiều vốn. Trong khi đó thời gian qua tín dụng BĐS bị thắt chặt nhiều hơn để chống lạm phát. Mặt khác thị trường đình đốn, giao dịch chậm, giá giảm đã làm nản lòng các nhà đầu tư. Một số DN đã phải tạm dừng đầu tư hoặc kéo dài tiến độ vì không tìm được nguồn tài trợ và không bán được sản phẩm. Thậm chí vài nhà đầu tư không trang trải nỗi nợ ngân hàng đã phải bán tống sản phẩm làm cho thị trường càng thêm ảm đạm. Đối với nhà thu nhập thấp cần có cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích đầu tư.

Để tránh phụ thuộc nhiều vào tín dụng của ngân hàng, cần có những chính sách huy động vốn nào khác?

- Ngoài nguồn vốn ngân hàng còn có một số cách khác để huy động vốn mà nhà đầu tư có thể vận dụng để cứu nguy cho chính mình, như liên doanh với nhà đầu tư có tiềm lực ở nước ngoài, hợp tác liên doanh trong nước, tìm nguồn tài trợ từ các Cty tài chính, quỹ đầu tư, phát hành cổ phiếu (nếu là Cty CP), phát hành trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi. Một cách khác là phát hành trái phiếu dự án gắn với quyền mua sản phẩm của dự án đó.

Theo Báo Xây dựng
  • 0
  • By Admin
  • 01/04/2010
  • 17