Giá hợp đồng XD cần điều chỉnh nhằm tránh rủi ro cho nhà thầu
Sau khi có hiệu lực thi hành, Thông tư này sẽ được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng ít hơn 30% vốn nhà nước.
Đối với hợp đồng xây dựng thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có những quy định khác với các quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo các quy định của điều ước quốc tế đó.
Về nguyên tắc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng, Dự thảo quy định việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng, bao gồm cả thời gian được gia hạn theo thoả thuận của hợp đồng. Khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng (giá hợp đồng sau điều chỉnh) không làm vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt thì chủ đầu tư được quyền quyết định điều chỉnh, trường hợp vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt thì phải báo cáo người quyết định đầu tư cho phép.
Việc điều chỉnh giá hợp đồng được áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian. Đối với hợp đồng trọn gói, chỉ được điều chỉnh giá hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.
Việc điều chỉnh giá hợp đồng phải được các bên thỏa thuận và quy định cụ thể trong hợp đồng về các trường hợp được điều chỉnh giá hợp đồng, trình tự, phạm vi, phương pháp và căn cứ điều chỉnh giá hợp đồng…
TS.Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Hiện nay, Nhà nước cho phép các chủ đầu tư và các nhà thầu được chuyển từ hình thức hợp đồng trọn gói sang hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh nhằm chia sẻ rủi ro giữa chủ đầu tư sử dụng vốn nhà nước với các nhà thầu xây dựng.
Tuy nhiên, định hướng cơ bản để khắc phục tình trạng này về mặt pháp lý là phải cho phép chủ đầu tư được quyền vận dụng các hình thức giá hợp đồng tùy theo điều kiện cụ thể về tính chất công việc, về thời gian thực hiện hợp đồng… mà lựa chọn áp dụng hình thức giá hợp đồng cho phù hợp.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều yếu tố biến động về giá gây rủi ro cho các bên khi tham gia hợp đồng xây dựng. Vì vậy, Dự thảo đã đưa ra các phương pháp điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng để các bên áp dụng khi có những biến động, phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Theo đó, đối với hợp đồng trọn gói, khi có khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký thì các bên phải lập phụ lục hợp đồng bổ sung, trong đó cần xác định rõ về khối lượng công việc bổ sung và đơn giá áp dụng. Nếu các công việc bổ sung chưa có đơn giá trong hợp đồng, thì các bên tham gia hợp đồng phải thống nhất đơn giá để thực hiện khối lượng công việc này trước khi thực hiện.
Đối với các công việc phát sinh đã có đơn giá trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá trong hợp đồng đã ký kết, việc xác định đơn giá mới theo nguyên tắc thoả thuận trong hợp đồng về đơn giá cho khối lượng công việc phát sinh. Đơn giá mới được xác định theo Thông tư hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Bộ Xây dựng và các thoả thuận trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, khi khối lượng công việc thực tế lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng thì khối lượng công việc thực hiện từ 21% trở đi các bên thống nhất xác định đơn giá mới. Khi khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng thì các bên thống nhất xác định đơn giá mới theo nguyên tắc thoả thuận trong hợp đồng về đơn giá cho khối lượng công việc phát sinh.
Khi khối lượng công việc thực tế nhỏ hơn hoặc bằng 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá trong hợp đồng, kể cả đơn giá đã được điều chỉnh theo thoả thuận của hợp đồng.
Ngoài ra, khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị do nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật giá có biến động bất thường hoặc khi nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng. Việc điều chỉnh giá hợp đồng phải được phép của cấp quyết định đầu tư và các bên có thoả thuận trong hợp đồng thì các bên phải lập phụ lục hợp đồng bổ sung, trong đó cần xác định rõ đơn giá mới sau khi điều chỉnh. Việc xác định đơn giá mới được thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng theo thời gian, việc điều chỉnh giá hợp đồng khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị do nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật giá có biến động bất thường hoặc khi nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng.
Việc điều chỉnh giá hợp đồng phải được phép của cấp quyết định đầu tư, đồng thời các bên có thoả thuận trong hợp đồng thì các bên phải lập phụ lục hợp đồng bổ sung trong đó cần xác định rõ đơn giá mới sau khi điều chỉnh. Việc xác định đơn giá mới được thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận trong hợp đồng.
- 0
- By Admin
- 07/05/2014
- 17