Gia hạn nộp tiền sử dụng đất: Doanh nghiệp hài lòng
Để có được 2 ha đất nông nghiệp chuyển sang làm dự án nhà ở liên kế, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành phải bỏ ra khoản tiền bồi thường khoảng 100 tỷ đồng. Tuy thế, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty cho hay, khi tính toán để khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước, theo khung giá đất quy định thì DN chỉ được tính giá trị mảnh đất 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền sử dụng đất lại được tính theo giá thị trường, với giá trị mảnh đất (đã hoàn thành xong hạ tầng, có đường đi, điện, đã đền bù giải tỏa…) có giá thực trên 100 tỷ đồng. Như vậy, sau hai năm mua đất rồi xây dựng hạ tầng, thời gian chờ đợi hoàn tất thủ tục và bán sản phẩm cũng phải chịu thêm nhiều chi phí, thì lợi nhuận chẳng còn. Công ty Lê Thành vẫn chưa đóng đủ tiền sử dụng đất.
Cũng gặp vướng mắc như trên, ông Trần Văn Mười, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh nhà Tháp Mười cho rằng, cách tính tiền sử dụng đất hiện nay rất cũ, không sát với thực tế. Việc khấu trừ vào tiền sử dụng đất chi phí cho khu đất dự án (mua đất của dân, đền bù giải tỏa) cho DN theo giá Nhà nước quy định luôn thiếu thực tế, thấp hơn giá thị trường nhiều lần, khiến DN chịu thiệt.
Chưa hết, DN muốn được cấp phép xây dựng thì phải đóng tiền sử dụng đất. Nhưng nhiều trường hợp, do các quy định chặt hóa “hổng” nên cơ quan chức năng tính không được tiền sử dụng đất. Vì vậy, họ không thể cấp phép xây dựng cho dự án. Mà không có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư không thể xây xong phần móng dự án để có thể bán thu hồi vốn đầu tư. DN đành ôm dự án chờ và điều này khiến họ không thể đóng tiền sử dụng đất. Đây là một vòng luẩn quẩn mà nhiều dự án phải chịu bấy lâu nay, khiến nhiều DN “chết” hàng loạt.
Về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) kiến nghị, Chính phủ và Quốc hội thay đổi căn bản cách thu tiền sử dụng đất như hiện nay.
Thứ nhất, về tài chính đất đai, bảng giá đất sẽ do UBND tỉnh, thành phố xây dựng theo cơ chế giá thị trường. Thời gian áp dụng bảng giá này ổn định trong 5 năm, hàng năm chỉ điều chỉnh cục bộ những khu vực có biến động lớn về giá. Thứ hai, về thời hạn nộp tiền sử dụng đất, HoREA đề nghị hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước. HoREA cho rằng, việc thu tiền sử dụng đất một lần khi giao đất như hiện nay tạo áp lực vốn cho nhà đầu tư, hạn chế việc tăng cung bất động sản cho thị trường, đồng thời gây sức ép tăng giá nhà đất.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, những kiến nghị của Hiệp hội sẽ được tháo gỡ phần nào, khi Thông tư 48/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.
Theo đó, một số nội dung của Thông tư 48 đã theo sát thực tế thị trường hiện nay như, gia hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế, hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với DN có kết quả tài chính của dự án tính đến ngày 31/12/2013 là lỗ, hoặc có giá trị hàng tồn kho của dự án lớn, hoặc DN đã phát sinh chi phí đầu tư của dự án lớn nhưng chưa có doanh thu do chưa bán được hàng…
Nhiều DN hy vọng, khi có hiệu lực thi hành, Thông tư 48 sẽ như một cửa mở, giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn về nợ tiền sử dụng đất khiến họ không triển khai dự án để bán được hàng, lại càng thiếu nguồn lực tài chính như trước đây.
Điều 12, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP về đơn giá thuê đất 1. Đơn giá thuê đất một năm tính bằng 0,5% đến 2% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê do UBND cấp tỉnh quyết định. 2. Đất ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì UBND cấp tỉnh quyết định ban hành đơn giá thuê đất thấp hơn mức quy định, nhưng thấp nhất bằng 0,25% giá đất theo mục đích sử dụng đất thuê do UBND cấp tỉnh quyết định. 3. Đơn giá thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thuê hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất thuê là đơn giá trúng đấu giá. |
- 140
- By Admin
- 08/05/2014
- 17